Ngân hàng
Tín dụng tăng 3,34%, vốn chảy vào đâu?
T.L - 22/04/2021 16:20
Chiều nay (22/4), NHNN họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2021. Theo số liệu của NHNN, tín dụng 3 tháng tăng trưởng tích cực, chủ yếu rót vào các lĩnh vực ưu tiên.

Vốn vào các lĩnh vực ưu tiên

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, từ đầu năm đến nay, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên tinh thần đồng hành và chia sẻ.

Thống kê đến 16/4/2021, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Như vậy, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 4, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 0,41 điểm phần trăm. Theo số liệu NHNN công bố trước đó, tính đến hết cuối ngày 31/3/2021, tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 2,93 so với cuối năm 2020. 

Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản đạt 776.918 tỷ đồng, 794.470 tỷ đồng, tăng 2,42% so với cuối năm 2020, chiếm 8,4% (cuối năm 2020 tăng 8,3%, chiếm 8,44%). Dư nợ tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng đạt 2.674.683 tỷ đồng, tăng 3,42% so với cuối năm 2020, chiếm 28,27%  tín dụng nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 9,58%, chiếm 28,13%). Dư nợ tín dụng ngành TMDV đạt 5.992.958 tỷ đồng, tăng 2,79% so với cuối năm 2020, chiếm 63,34% tín dụng nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 13,9%, chiếm 63,43%).   

Dòng vốn vẫn tiếp tục được hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán. Tín dụng bất động sản 3 tháng tăng 3% nhưng gần 65% dư nợ cho vay bất động sản là cho vay tiêu dùng (mua nhà, sửa nhà). Tín dụng chứng khoán giảm 1% tính đến hết quý I/2021 đã tăng nhẹ trở lại. Dư nợ chứng khoán tập trung chủ yếu ở nhóm NHTMCP Nhà nước (chiếm 43,47%), nhóm NHTMCP khác (chiếm 48,42%).  

Thanh khoản dồi dào, lãi suất tiếp tục giảm

Các TCTD cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,90% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ 2020. Thanh khoản của hệ thống TCTD thông suốt.

Về điều hành lãi suất, từ đầu năm đến nay, NHNN vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận ngồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 02/2021 giảm khoảng 0,1%/năm so với tháng 12/2020.

NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tính đến 05/4/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng.

Đối với chương trình cho vay người sử dung lao động để trả lương ngừng việc, đến 31/1/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), NHNN đã giải ngân cho NHCSXH với tổng số tiền khoảng 42,9 tỷ đồng và NHCSXH đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ gần 42 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc; dư nợ của chương trình tại NHCSXH đến nay là gần 40 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác