Tiêu dùng
Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu gạo, cà phê, thủy sản
Thế Hải - 08/09/2022 08:15
Gạo, rau quả, cà phê… đang có nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong những tháng cuối năm.

Gạo Việt vào siêu thị Pháp, cà phê được giá xuất khẩu

Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt gần 15 tỷ USD, lâm sản chính đạt trên 11,8 tỷ USD, thủy sản trên 7,5 tỷ USD, chăn nuôi 258,6 triệu USD…

Đáng lưu ý, có tới 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.

Xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 7,5 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước do các thị trường xuất khẩu đều có nhu cầu cao đối với thủy sản Việt Nam. Cà phê đạt 2,8 tỷ USD, tăng 39,6% về trị giá xuất khẩu và tăng 14,7% về lượng so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, một số mặt hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ, như rau quả giảm 13,9%, hạt điều giảm 10%, sản phẩm gỗ giảm 3,4%, sản phẩm chăn nuôi giảm 12,3%.

Đơn hàng xuất khẩu 8 tháng qua với ngành nông nghiệp vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu khá tích cực, đưa ngành này trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước.

Đối mặt với nhiều thách thức, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tăng 19% về lượng và tăng 8,5% về trị giá, đạt tương ứng 4,7 triệu tấn và 2,3 tỷ USD. Những lô hàng gạo chất lượng cao, giá hàng ngàn USD/tấn đã vào được các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao.

Ngay ngày 2/9, lần đầu tiên, sản phẩm gạo Việt Nam mang thương hiệu "Cơm Vietnam Rice" của Tập đoàn Lộc Trời được giới thiệu tới người tiêu dùng Pháp và xuất hiện tại hệ thống siêu thị bán lẻ E.Leclerc hàng đầu của Pháp.

Sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước quan trọng đối với ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam, mà còn là một bước tiến của Việt Nam kể từ sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi từ tháng 8/2020.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho hay, cách đây 2 năm, Lộc Trời là đơn vị xuất khẩu gạo đầu tiên vào châu Âu trong khuôn khổ EVFTA, nhưng đây là lần đầu tiên, gạo Lộc Trời lên kệ trong hệ thống siêu thị E.Leclerc tại Pháp.

"Sau 2 năm, doanh nghiệp đã đạt được sự tin cậy, tín nhiệm của các nhà phân phối và bán lẻ để có thể trực tiếp đưa sản phẩm lên kệ hàng các siêu thị tại Paris. Đây là một thành công và cũng là sự ghi nhận công sức của bà con nông dân Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu được loại gạo vừa ngon, vừa đạt chất lượng của châu Âu", ông Thuận nói.

Không chỉ tăng về sản lượng, mà giá xuất khẩu của một số ngành hàng đã tăng vọt, tạo động lực đáng kể cho các doanh nghiệp.

Phấn khởi nhất là ngành hàng cà phê. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê đạt 1,24 triệu tấn, trị giá 2,82 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 39,6% về giá trị so với cùng kỳ. Dự kiến, 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ vượt mức 3,07 tỷ USD thực hiện trong cả năm ngoái.

Giá xuất khẩu cà phê đã tăng đáng kể từ đầu năm tới nay. Do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê cả trong nước và thị trường thế giới đều tăng lên mức kỷ lục. Trong 8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt bình quân 2.268 USD/tấn, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD đang gần lại

Năm 2022, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 55 tỷ USD. Sau 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu đã trên 36 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản những tháng cuối năm được dự báo khó khăn do lạm phát tại các nước tăng cao, dẫn đến sức mua giảm.

Ngành rau quả sau 8 tháng sụt giảm gần 14% so với cùng kỳ, đã có những tín hiệu tích cực trong những tháng cuối năm, khi Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu sầu riêng và chanh leo chính ngạch.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh, nhưng đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả để phục vụ nhu cầu nội địa cũng như sản xuất, chế biến xuất khẩu rất lớn, đa dạng và phong phú.

Trong những tháng cuối năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng của người Trung Quốc tăng, đặc biệt là vào mùa lễ hội cuối năm, dự kiến xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này sẽ được cải thiện.

Với ngành lúa gạo, các doanh nghiệp xuất khẩu đều nhận định rằng, nhu cầu thị trường 4 tháng cuối năm vẫn tốt, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể tăng do ảnh hưởng của chiến tranh, Ukraine rất khó xuất khẩu lúa mỳ, kéo theo giá các loại ngũ cốc tăng cao. Những yếu tố này được đánh giá có lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Ngành thủy sản, sau khi duy trì mức trên 1 tỷ USD liên tiếp từ tháng 3 tới tháng 6, từ tháng 7 tới nay, xuất khẩu đã hạ nhiệt xuống dưới 1 tỷ USD và tiếp tục xu hướng này trong tháng 8, với 917 triệu USD. Dù suy giảm, nhưng về tổng thể vẫn không đáng ngại. Mốc xuất khẩu 10 tỷ USD cả năm nay vẫn có nhiều cơ hội cán đích.

Trong nỗ lực mở cửa thị trường cho sản phẩm của ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, Trung Đông...

Tin liên quan
Tin khác