Y tế - Sức khỏe
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 18/9: Phê duyệt vắc-xin của Cuba; đánh giá thử nghiệm Nano Covax
D.Ngân - 18/09/2021 09:29
Thêm một vắc-xin do Cuba sản xuất đã được phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu phòng chống Covid-19, Việt Nam có 8 vắc-xin được cấp phép sử dụng.

Giảm hơn 2.000 F0 tại các ổ dịch

Tính từ 18h ngày 17/9 đến 18h ngày 18/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.373 ca nhiễm mới, trong đó 13 ca nhập cảnh và 9.360 ca ghi nhận trong nước. Trong số này, 4.827 ca được phát hiện tại cộng đồng.

Trong vòng 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 2.146 ca. Trong đó, TP.HCM giảm 1.735 ca, Bình Dương giảm 1.136 ca, Đồng Nai tăng 594 ca, Long An giảm 37 ca, Tiền Giang tăng 79 ca.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 10.723 ca/ngày.

Như vậy, theo thống kê kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 677.023 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.881 ca nhiễm).

Từ đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 672.592 ca, trong đó có 445.594 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày, Việt Nam có thêm 14.903 người khỏi Covid-19, nâng tổng số ca xuất viện đến nay là 448.368.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.477 ca, trong đó thở ô-xy qua mặt nạ (3.494), thở ô-xy dòng cao HFNC (916), thở máy không xâm lấn (232), thở máy xâm lấn (771), ECMO (34).

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 220 ca tử vong tại TP.HCM (165), Bình Dương (39), Kiên Giang (7), Tây Ninh (3), Đồng Tháp (2), Bình Thuận (1), Thanh Hóa (1), Quảng Ngãi (1), Hà Nội (1).

Trong vòng 7 ngày qua, trung bình số tử vong ghi nhận là 250 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.857 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Về tình hình tiêm chủng, trong ngày 17/9, 452.817 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm.

Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm đến nay là 33.555.359 liều, trong đó, tiêm 1 mũi là 27.208.264 liều, tiêm mũi 2 là 6.347.095 liều.

4 ngày liên tiếp Hà Nội ghi nhận dưới 20 ca nhiễm Covid-19

Theo thông tin được Sở Y tế Hà Nội cập nhật tối 18/9, Thành phố vừa phát hiện thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, một ca đã cách ly tập trung, người còn lại sống ở vùng phong tỏa.

Đó là bé N.T.Đ. (nam, 1 tuổi, trú tại tổ 6, Ngọc Thụy, Long Biên), cháu của ca nhiễm Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng mới đây và ông N.V.C. (68 tuổi, ngụ Ngô Sĩ Liên, Văn Miếu, Đống Đa), sống trong vùng phong tỏa, có biểu hiện sốt, ho, đau mỏi người 5 ngày trước.

Như vậy, từ 18h ngày 17/9 đến 18h ngày 18/9, Thành phố đã ghi nhận thêm tổng cộng 19 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp thành phố có số ca nhiễm Covid-19 dưới ngưỡng 20 người.

Tuy nhiên, sau 3 ngày không phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, Hà Nội đã ghi nhận một người có biểu hiện ho, sốt và cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại Việt Hưng, Long Biên. Đến nay, 6 trường hợp F1 của người này cũng đã được xác định nhiễm nCoV.

Một số ổ dịch tại Hà Nội đang có những diễn biến phức tạp là: Thanh Xuân Trung (584 ca nhiễm), Văn Miếu (118), Văn Chương (98), Minh Khai (60), tổ 2 Thanh Liệt (19), ngõ 120 Tả Thanh Oai (10), chung cư A1-A4-A5 khu đô thị Đền Lừ (23), tổ 4 Việt Hưng (7), Bạch Liêu (4).

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.903 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Trong ngày 18/9, Hà Nội đã triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 các đợt 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 17 với tổng cộng 31.493 mũi.

Tính tới 18h ngày 18/9, qua 17 đợt tổ chức, thành phố đã thực hiện được tổng cộng 5.375.506 mũi tiêm vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng.

Số ca tử vong của bệnh nhân Covid-19 có xu hướng giảm

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo, ngày 17/9, TP.HCM có 2.270 bệnh nhân xuất viện, 165 trường hợp tử vong trong ngày. Từ 1/1 đến nay, TP.HCM ghi nhận 166.564 ca xuất viện cộng dồn và 13.099 bệnh nhân tử vong.

Một tháng qua, số ca tử vong tại TP.HCM có xu hướng giảm liên tục. Đặc biệt, 3 ngày qua, biểu đồ ca tử vong tương đương nhau, dao động 160-166 trường hợp.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định qua biểu đồ số ca tử vong đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, số ca tử vong phản ánh một quá trình điều trị kéo dài từ lúc nhập viện, diễn tiến nặng và hồi sức. Hiện, theo thống kê, TP.HCM có khoảng 1.000 bệnh nhân phải thở máy.

"Ngành y tế đang cố gắng cứu chữa cho những trường hợp bệnh nặng, hy vọng thời gian tới số ca bệnh nặng giảm và giảm đáng kể", ông Châu nói.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng thông tin về chiến lược điều trị Covid-19 của TP.HCM trong giai đoạn mở cửa.

Ông Châu cho biết TP.HCM sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, Thành phố chỉ mở cửa khi an toàn và đảm bảo an toàn mới mở cửa.

Chiến lược điều trị thời gian tới là tập trung vào quản lý F0 tại cộng đồng và tăng cường hệ thống điều trị các tầng. Mục tiêu là đảm bảo F0 đang điều trị tại nhà được chăm sóc tốt, mau chóng hồi phục; trường hợp chuyển nặng được mau chóng nhập viện, đảm bảo điều trị, hạn chế tử vong.

Công tác xét nghiệm được áp dụng để phát hiện kịp thời người có nguy cơ mắc Covid-19 để theo dõi, điều trị kịp thời.

Mua bổ sung gần 20 triệu liều Pfizer

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 17/9/2021 về kinh phí mua bổ sung 19.998.810 liều vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.

Quyết định nêu rõ, sử dụng 2.652.537 triệu đồng (Hai nghìn sáu trăm năm mươi hai tỷ năm trăm ba mươi bảy triệu đồng) từ nguồn Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam để mua bổ sung 19.998.810 liều vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer và chi thực hiện các hoạt động phục vụ công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 theo đề nghị của Bộ Y tế tại văn bản số 7731/BYT-KHTC ngày 16/9/2021.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất Quỹ theo quy định. Bộ Y tế, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí nêu trên thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch. 

Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc sử dụng số kinh phí nêu trên theo quy định.

Hà Nội thêm 15 ca mới trong đó có 5 người trong cùng gia đình

Người phụ nữ 74 tuổi ở Long Biên, Hà Nội thường xuyên ở nhà bỗng phát hiện dương tính SARS-CoV-2 sau 5 ngày ho, khó thở. 5 người cùng nhà cũng lây nhiễm bệnh.

Sở Y tế Hà Nội cho biết trong sáng 18/9 Thành phố ghi nhận thêm 15 ca Covid-19 mới, trong đó có 14 ca tại khu cách ly và 1 ca tại cộng đồng.

Ca bệnh ghi nhận tại cộng đồng là bà Â.T.K, 74 tuổi, ở ngách 22/17 Kim Quan, Tổ 4, phường Việt Hưng, Long Biên.

Bà thường xuyên ở nhà, ngày 12/9 xuất hiện sốt, ho, khó thở nhẹ được người nhà tự mua thuốc điều trị không đỡ. Ngày 17/9, bà khó thở chuyển vào Bệnh viện đa khoa Đức Giang khám, xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và PCR dương tính.

Có 5 trường hợp khác là F1 của bà K (là người thân) cũng được xác định dương tính SARS-CoV-2. Họ đều có địa chỉ ở ngách 22/17, tổ 4 phường Việt Hưng, Long Biên.

Trong 9 ca còn lại có 1 ca liên quan tới TP.HCM là anh L.C.B, 31 tuổi ở xã Thọ An, Đan Phượng. Anh cùng người nhà về từ TP.HCM ngày 6/9 và được xét nghiệm 2 lần âm tính. Ngày 17/9, anh lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

8 người còn lại đều là F1 của các ca ho, sốt tại cộng đồng. Trong số này có 2 ca ở quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân (2 ca), Thanh Trì (1), Hoàng Mai (1), Ba Đình (1), Đống Đa (1).

Trong đó có anh Đ.N.H, 24 tuổi ở phường Đồng Tâm, Hai Bà Trưng. Anh là nhân viên y tế đã cách ly và điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện từ 15/8. Ngày 15/9 bệnh nhân xuất hiện sốt nhẹ, ngày 17/9 xuất hiện chảy nước mũi, được lấy mẫu kết quả dương tính.

Quận Hoàng Mai ghi nhận 1 ca bệnh ở A1 Chung cư Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, đây là ca Covid-19 thứ 22 ở ổ dịch này.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) có 3.901 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.597 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly có 2.304 ca.

Đồng Tháp cơ bản kiểm soát được dịch bệnh

Đó là nhận định của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi đến kiểm tra, đôn đốc và làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp vào hôm qua 17/9 về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Đồng Tháp cho biết: tính đến ngày 16/9, Đồng Tháp ghi nhận 8.051 ca mắc Covid-19, số bệnh nhân đang điều trị là 1.062 ca; số xuất viện 6.793 ca; 191 ca tử vong có liên quan Covid-19 (tỷ lệ 2,37%).

Với nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch, thực hiện nhiều giải pháp mạnh, đến nay số ca mắc Covid-19 đã giảm mạnh, nhất là ca phát hiện trong cộng đồng. Tuy nhiên Bí thư Phong thừa nhận việc phòng chống dịch của lực lương chức năng và người dân ở một số nơi, thời điểm và địa phương còn lơ là, thiếu quyết liệt, dẫn đến công tác phòng dịch chưa hiệu quả cao.

Hiện tại, 04/12 huyện, thành phố của Tỉnh tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 08 huyện, thành phố còn lại thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg ở mức cao. Đồng Tháp hiện còn ở mức “nguy cơ rất cao” do có từ 50% địa phương cấp huyện ở mức “nguy cơ cao” trở lên.

Bí thư tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế phân bổ thêm 500.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 trong tháng 9/2021 này để kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế; Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể các tiêu chí theo Quyết định 3989/QĐ-BYT, đặc biệt là các tiêu chí xác định chuỗi, chùm ca mắc ngoài cộng đồng, đánh giá nhóm tiêu chí nguy cơ; hướng dẫn về việc quản lý các trường hợp F0 xuất viện tái dương tính được phát hiện khi tầm soát trong cộng đồng.

Giám sát tình hình dịch bệnh tại Đồng Tháp thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng hiện Đồng Tháp có số ca mắc trong khu cách ly, khu phong tỏa chiếm tỷ lệ cao; tỷ lệ tử vong có liên quan Covid-19 còn khá cao. Đây là những hạn chế mà Đồng Tháp cần sớm khắc phục để kiểm soát tình hình. Tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch ở cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là ở cấp xã; phát huy hiệu quả thật sự của các Tổ Covid-19 trong cộng đồng; đồng thời lưu ý phải xét nghiệm mẫu gộp trong khu phong tỏa; có giải pháp giải quyết triệt để tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly y tế tập trung.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, Đồng Tháp là địa phương phát hiện ca mắc sớm so với các tỉnh vùng ĐBSCL, nhưng thời gian chống dịch kéo dài và rất vất vả.

Với sự quyết liệt và nghiêm túc trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch, đến nay, tình hình đang dần tốt lên, số ca mắc Covid-19 tại Đồng Tháp có xu hướng giảm dần, cả trong khu cách ly tập trung, khu phong tỏa và đặc biệt là trong cộng đồng.

Trước mắt, Đồng Tháp cần tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch, giảm sâu tỷ lệ tử vong; tận dụng thời gian giãn cách xã hội để tầm soát và tách F0; kiểm tra chặt chẽ người từ vùng dịch về Đồng Tháp, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an “đi từ ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, yêu cầu tất cả người về từ vùng dịch phải khai báo; tuyệt đối không để phát sinh ổ dịch mới, tuyệt đối không để lây nhiễm trong khu cách ly.

Đồng Tháp cần sáng tạo hơn trong công tác xét nghiệm; phải khoanh hẹp nhất có thể, trường hợp không thể khoanh hẹp thì tạm thời khoanh rộng, nhưng phải thần tốc truy vết, ngay sau đó thì thu hẹp vùng khoanh lại, “chà đi xát lại” nhiều lần để bóc tách thật sạch F0 ra khỏi cộng đồng một cách nhanh nhất và triệt để. Mở lại các “vùng xanh” phải chắc chắn, an toàn. Tinh thần chung là phải quyết đoán, trách nhiệm. Phải sẵn sàng chuẩn bị trực chiến cho tình huống khi mở lại các hoạt động, dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào. Phương châm là phát hiện thật nhanh, khoanh vùng, dập dịch ngay từ ban đầu – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong cho biết, nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Phó thủ tướng, Đồng Tháp sẽ rà soát, chấn chỉnh những mặt còn hạn chế trong thời gian qua, đồng thời có sự chuẩn bị tốt cho việc thích ứng dần với điều kiện diễn biến dịch để khôi phục sản xuất; tiếp tục nỗ lực hết sức để sau ngày 30/9, Tỉnh sẽ kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn.

Theo báo cáo của Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền tỉnh Đồng Tháp, từ 18 giờ ngày 17/9/2021 đến 06 giờ ngày 18/9/2021, Đồng Tháp đã ghi nhận 13 ca mắc mới, cụ thể: 08 ca trong các cơ sở cách ly y tế (trong đó, công bố bổ sung 01 ca, địa chỉ huyện Lai Vung, ngày xét nghiệm khẳng định 30/8/2021), 05 ca trong cộng đồng, phát hiện thông qua test sàng lọc tại TP. Cao Lãnh, TP. Sa Đéc và huyện Châu Thành. Lũy kế có 8.099 ca mắc.

Kiên Giang khẩn trương chấn chỉnh công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng

Nhận rõ những khâu còn yếu kém trong công tác phòng chống dịch và những điểm cần khắc phục theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng mới đây, lãnh đạo và lực lương chức năng tỉnh Kiên Giang đã và đang khẩn trương nghiêm túc cầu thị, siết chặt kỷ cương và triển khai quyết liệt các giải pháp pháp phòng, chống dịch bệnh với quyết tâm cao nhất, phấn đấu đến ngày 20/9/2021 kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Kiên Giang: hiện tỉnh có 6 huyện, thành phố gồm: Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, Rạch Giá và Hà Tiên tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 20/9/2021; 9 huyện, thành phố còn lại giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg.

Các địa phương thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg đang tầm soát diện rộng nên số lượng F0 có tăng lên. Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày toàn Tỉnh ghi nhận gần 200 ca mắc COVID-19, tập trung tại các địa phương: TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất... Tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát, hiện Tỉnh đang thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy lùi dịch bệnh.

Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, một trong những nhiệm vụ cấp bách Tỉnh đang thực hiện là huy động nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc, tách F0 ra khỏi cộng đồng. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Tỉnh, qua 3 đợt lấy mẫu, toàn Tỉnh thực hiện trên 182.500 mẫu cho 1,6 triệu lượt người, phát hiện trên 800 mẫu dương tính. Qua đó, phát hiện các trường hợp mắc COVID-19, là cơ sở để Tỉnh đánh giá sát tình hình dịch bệnh, đưa ra những giải pháp phù hợp phòng, chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, công tác xét nghiệm thời gian qua còn chậm, Tỉnh chỉ đạo quyết liệt các giải pháp chấn chỉnh.

Ông Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Tỉnh cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kiên Giang nhanh chóng chấn chỉnh công tác xét nghiệm sàng lọc, đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, xét nghiệm thần tốc trong 24 giờ để kịp thời tách F0 ra khỏi cộng đồng và cách ly F1. Để thực hiện đạt công tác này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường cho Tỉnh 3 xe xét nghiệm COVID-19 lưu động, công suất khoảng 3.000 mẫu đơn/ngày, nâng cao năng lực xét nghiệm. Bộ Y tế chỉ đạo Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tăng cường cho Tỉnh khoảng 500 y bác sĩ để hỗ trợ trong việc lấy mẫu thần tốc trong thời gian tới”.

Kiên Giang sẽ quyết tâm chấn chỉnh công tác phòng chống dịch, siết chặt kỷ cương kỷ luật, chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị số 16/CT-TTg; tăng cường chỉ đạo quyết liệt việc dập dịch trong từng phạm vi, khu vực nhỏ nhanh nhất, tránh lây lan nhanh; tập trung bảo vệ chặt chẽ “vùng xanh”, từng bước chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ”, tiến tới kiểm soát dịch bệnh, đẩy lùi dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ - ông Huỳnh nhấn mạnh.

Vắc-xin thứ 8 được cấp phép tại Việt Nam

Ngày 17/9/2021, Bộ Y tế đã có quyết định số 4471/QĐ-BYT ngày 17/9/2021 về việc phê duyệt có điều kiện vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

Thêm một vắc-xin do Cuba sản xuất đã được phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu phòng chống Covid-19, Việt Nam có 8 vắc-xin được cấp phép sử dụng.

Theo văn bản, vắc-xin này sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA, Cuba và được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) – Cuba.

Tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) là nơi đề nghị phê duyệt vắc-xin này.

Vắc-xin Abdala mỗi liều 0,5ml chứa 50 mcg vắc-xin protein tái tổ hợp chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của vi rút SARS-CoV-2, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm bắp.

Vắc-xin được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml.

Bộ Y tế cũng quy định các điều kiện đi kèm việc phê duyệt Abdala cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, Cục Quản lý Dược có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu vắc-xin Abdala theo quy định khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu, thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vắc-xin nhập khẩu.

Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có trách nhiệm lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vắc-xin trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế (Hội đồng tư vấn) trong quá trình sử dụng.

Đồng thời, đơn vị này hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị có đủ điều kiện quy định tổ chức thực hiện việc đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vắc-xin Abdala trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn trong quá trình sử dụng.

Cục Y tế Dự phòng thực hiện các trách nhiệm liên quan đến tiêm chủng vắc-xin Abdala được quy định.

Như vậy, đến nay Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho 8 vắc-xin gồm: AstraZeneca do AstraZeneca sản xuất) , Sputnik V (Viện nghiên cứu Gamaleya), Covid-19 Vắc-xin Janssen (Johnson & Johnson), Spikevax (Covid-19 Vắc-xin Moderna), Comirnaty (Pfizer - BioNTech), Vero Cell (China National Biotec Group (CNBG)/ Sinopharm) Hayat - Vax và Abdala do Cuba sản xuất.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp cận trên 38 triệu liều vắc-xin  Covid-19, đã tiêm chủng trên 33 triệu liều.

Hôm nay, Hội đồng Đạo đức họp đánh giá thử nghiệm Nano Covax

Phiên họp đánh giá thử nghiệm giữa kỳ giai đoạn 3 vắc-xin Nano Covax dự kiến diễn ra chiều 18/9. Đây là phiên họp thứ 2 của Hội đồng Đạo đức liên quan vắc-xin Nano Covax. Phiên họp trước đó diễn ra ngày 22/8. 

Trước đó, ngày 29/8, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đã họp và yêu cầu nhà sản xuất vắc-xin Nano Covax bổ sung thêm dữ liệu.

Về hồ sơ chất lượng: Hội đồng đề nghị Công ty Nanogen bổ sung, cập nhật một số nội dung theo ý kiến của Tiểu ban chất lượng theo hình thức cuốn chiếu.

Về hồ sơ dược lý, lâm sàng: Căn cứ kết quả thẩm định hồ sơ lâm sàng của Trung tâm Dược lý lâm sàng - Đại học Y Hà Nội và kết luận của Hội đồng Đạo đức ngày 22/8, Hội đồng tư vấn đề nghị Nanogen bổ sung, cập nhật thêm dữ liệu an toàn cho toàn bộ người đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin, giải thích rõ về các trường hợp sự cố bất lợi nghiêm trọng (SAE) tới nay.

Về tính sinh miễn dịch, công ty cần bổ sung, cập nhật dữ liệu theo đề cương sửa đổi mới nhất được Hội đồng Đạo đức thông qua, bao gồm đánh giá tính sinh miễn dịch trên các biến chủng mới (biến chủng Delta, biến chủng Alpha...). Ngoài ra, cỡ mẫu đánh giá tính sinh miễn dịch cần thực hiện theo đúng đề cương nghiên cứu đã được thông qua.

Về hiệu quả bảo vệ, Hội đồng tư vấn đề nghị Công ty Nanogen phối hợp nhóm nghiên cứu để phân tích, bàn luận về mối liên quan giữa tính sinh miễn dịch của vắc-xin và hiệu quả bảo vệ tối thiểu 50% (theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới) dựa trên các dữ liệu y văn.

Đến thời điểm này, Việt Nam có 3 vắc-xin (do Việt Nam nghiên cứu, phát triển và cả vắc-xin nhận chuyển giao công nghệ) đang thử nghiệm lâm sàng.

Trong đó, ứng viên Nano Covax là vắc-xin do Công ty Nanogen nghiên cứu, đến nay đã thử nghiệm lâm sàng xong giai đoạn 3 tại Học viện Quân Y, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Long An.

Nếu được cấp phép, Nano Covax có thể sản xuất ngay 8-10 triệu liều/tháng và có thể nâng cấp lên 20-25 triệu liều/tháng.

Một số địa phương như Khánh Hoà, Bình Dương đã có văn bản xin được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc-xin Nano Covax. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã có văn bản cho biết việc đăng ký thử nghiệm lâm sàng cần phải đúng quy trình nghiên cứu.

Rà soát lấy mẫu xét nghiệm 100% đối tượng có triệu chứng nghi ngờ Covid-19

Sáng 18/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 17/9 đến 6 giờ ngày 18/9, Hà Nội ghi nhận 2 ca mắc Covid-19, trong đó, 1 ca tại khu cách ly và 1 ca tại khu phong tỏa.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.886 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.290 ca.

Để phòng chống dịch, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.

Sở Y tế đề nghị Trung tâm Y tế (TTYT) các quận, huyện, thị xã tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã các biện pháp phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.

TTYT phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm đúng đối tượng, đặc biệt rà soát lấy mẫu 100% các đối tượng có các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, rát họng, mệt mỏi, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác.... 

Các đơn vị thực hiện rà soát đúng khu vực, đúng tần suất theo chỉ đạo của Bộ Y tế và các chỉ đạo của Thành phố, Sở Y tế, thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm đảm bảo an toàn phòng chống dịch, không để lây nhiễm chéo trong quá trình lấy mẫu.

Các bệnh viện trong và ngoài công lập quyết liệt thực hiện công tác giám sát đối với người bệnh có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19, người đến từ các vùng có dịch hoặc có các yếu tố dịch tễ nguy cơ khác khi tới khám, điều trị, làm việc tại đon vị. 

Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. 

Phân công lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn người dân thực hiện quy định về an toàn phòng, chống dịch. Thành lập, triển khai các trạm y tế lưu động tại các xã phường, thị trấn có có nguy cơ rất cao. 

Huy động sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng địa phương như: Tổ Covid-19 cộng đồng, tổ trưởng dân phố/cụm dân cư, trưởng thôn/xóm, tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại nơi làm việc, nơi cư trú.

Cần Thơ: 5 quận tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 25/9

Tối ngày 17/9, UBND TP.Cần Thơ đã ban hành Công văn số 4007/UBND-HCTC về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới.

Theo văn bản này, kể từ 0 giờ ngày 18/9, bốn huyện Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai và Vĩnh Thạnh (vùng xanh) sẽ áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi có thông báo mới, cụ thể:

Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại địa điểm công cộng; thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K.

Người dân tuyệt đối không được tự ý di chuyển ra khỏi địa bàn thành phố hoặc đến địa bàn có nguy cơ rất cao về tình hình dịch bệnh Covid-19 cho đến khi có thông báo mới (trừ các trường hợp cấp cứu về y tế và trường hợp đặc biệt khác được Chủ tịch UBND thành phố cho phép).

Riêng các quận còn lại là Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, Ô Môn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, từ 18/9 -25/9. Tuy nhiên, một số dịch vụ và đi lại của người dân cũng được nới lỏng.

Tin liên quan
Tin khác