Y tế - Sức khỏe
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 5/9: TP.HCM khuyến khích tự test nhanh Covid-19; Hà Nội thêm 6 ca nhiễm
D.Ngân - 05/09/2021 09:02
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn gửi thư ngỏ khuyến khích người dân TP.HCM tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh.

Bộ Y tế chấn chỉnh y bác sĩ bỏ vị trí, không thực hiện nhiệm vụ

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký văn bản về việc tăng cường quản lý người hành nghề khám, chữa bệnh tới sở y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, qua các đợt kiểm tra, giám sát và báo cáo, một số tỉnh, thành phố có hiện tượng người hành nghề y tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Để khắc phục tình trạng này, bảo đảm nhân lực phòng, chống dịch Covid-19 và khám, chữa bệnh thường quy, Bộ Y tế đề nghị các sở y tế tiếp tục chỉ đạo những cơ sở y tế trên địa bàn (cả công lập và tư nhân) thực hiện các nội dung:

Bảo đảm nhân lực làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định; thực hiện nghiêm quy định về quản lý người hành nghề y tại đơn vị; xây dựng phương án, kế hoạch bố trí nhân lực phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế để dự phòng có tình huống lây nhiễm phải cách ly y tế, gây ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh.

Biểu dương, khen thưởng kịp thời các cán bộ, viên chức, người hành nghề tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như hoạt động khám, chữa bệnh.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh việc quản lý người hành nghề y tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tổng hợp các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm quy định về đạo đức hành nghề gửi về Bộ Y tế, xem xét kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp vi phạm.

Trước đó, liên quan đến việc đảm bảo nhân lực y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế Bình Dương đã ban hành văn bản nêu rõ: “Sở y tế không giải quyết đơn xin nghỉ việc của các viên chức tại tất cả đơn vị trực thuộc. Đồng thời, nếu viên chức tự ý bỏ việc, sở y tế sẽ xem xét kỷ luật theo quy định, thu hồi chứng chỉ hành nghề đã cấp”.

13.137 ca nhiễm mới trong ngày tại các ổ dịch

Theo Bộ Y tế, tính từ 17h ngày 4/9 đến 17h ngày 5/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid19 ghi nhận 13.137 ca nhiễm mới.

Trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 3.580 ca. Tại TP.HCM tăng 2.122 ca, Bình Dương tăng 1.055 ca, Đồng Nai tăng 251 ca, Long An tăng 212 ca, Kiên Giang tăng 220 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 524.307 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.330 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 520.013 ca, trong đó có 288.953 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (251.414), Bình Dương (132.433), Đồng Nai (28.549), Long An (25.085), Tiền Giang (10.571).

Trong ngày có 9.211 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi: 291.727

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.291 ca, trong đó thở ô xy qua mặt nạ: 4.015; thở ô xy dòng cao HFNC: 1.207; Thở máy không xâm lấn: 146; Thở máy xâm lấn: 892; ECMO: 31

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố ghi nhận 281 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (222), Bình Dương (38), Tiền Giang (5), Cần Thơ (4), Long An (3), Bình Thuận (2), Đồng Tháp (2), Khánh Hòa (2), Hà Nội (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Đồng Nai (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.074 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Trong ngày 4/9 có 336.381 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 21.445.181 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 18.246.636 liều, tiêm mũi 2 là 3.198.545 liều.

Bộ Y tế: 8 địa phương đang kiểm soát tốt dịch Covid-19

Về kết quả thực hiện tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trên cơ sở các tiêu chí kiểm soát dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 3979 và 3989 của Bộ Y tế ngày 18/8, hiện có 3 nhóm địa phương:

Nhóm 1 gồm 8 địa phương: Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai, Phú Yên đang kiểm soát tốt dịch bệnh.

Nhóm 2 gồm 11 địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch.

Nhóm 3 gồm 4 địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang: Cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch.

Đồng Tháp kéo dài giãn cách, Hà Nội thêm 53 ca mắc mới

UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 15/9 để phòng, chống dịch Covid-19.

Bình Dương đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin. Mục tiêu đặt ra là hơn 250.000 liều/ngày với nỗ lực đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới vào ngày 15/9/2021.

Tại tỉnh Quảng Ninh, chuyến bay VN5311 chở 297 người Việt từ Nhật Bản, đã tiêm đủ hai liều vắc-xin Covid-19, hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn lúc 13h30 ngày 4/9.

Đây là chuyến bay đầu tiên áp dụng thí điểm chương trình cách ly y tế 7 ngày của Bộ Y tế.

Toàn bộ hành khách đã tiêm đủ hai liều vắc-xin phòng Covid-19 (liều cuối cùng tiêm trong ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh); có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng RT-PCR/RT-LAMP trong 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chứng nhận.

Sau khi nhập cảnh tại Vân Đồn, hành khách về khách sạn Novotel Hạ Long thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày.

Tỉnh Nam Định, trong 2 ngày gần đây trên địa bàn không ghi nhận ca mắc mới, trong 3 ngày trước đó, trên địa bàn đã ghi nhận tổng cộng 14 ca thuộc chùm ca bệnh ở xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu.

Ngành Y tế tỉnh Nam Định đang phối hợp với UBND huyện Hải Hậu triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 phù hợp, xây dựng kế hoạch để triển khai lấy mẫu cho người dân trên diện rộng.

Theo CDC Hà Nội, trong ngày Thành phố ghi nhận 53 ca mắc mới, trong đó 2 ca ghi nhận tại cộng đồng, 38 ca trong khu vực cách ly, 13 ca khu vực phong tỏa.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.527 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.563 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.964 ca.

Khuyến khích người dân TP.HCM tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM chống dịch Covid-19 đã có thư ngỏ gửi người dân đang sinh sống tại TP.HCM về việc khuyến khích người dân tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh.


Trong thư, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn bày tỏ, chúng ta, những người công dân, người con của Thành phố mang tên Bác đã cùng nhau trải qua hơn 100 ngày hết sức khó khăn trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm của biến chủng Delta của virus SARS- CoV-2.

Chúng ta cũng đã sát cánh cùng nhau, nỗ lực hết sức và được sự giúp đỡ của các nhân viên y tế trong toàn thành phố cũng như lực lượng hỗ trợ đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện tại, công tác phòng, chống dịch Covid-19 do biến chủng Delta đã đạt được một số kết quả bước đầu và đang có những sự thay đổi tích cực theo hướng kiểm soát được bệnh dịch.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, với sự lây truyền nhanh và mạnh của biến chủng Detla, công tác xét nghiệm là chìa khoá để xác định nguồn lây nhiễm, bóc tách, cách ly và điều trị kịp thời và là mắt xích đầu tiên, rất quan trọng trong chiến lược phòng chống virus SARS-CoV-2 của Việt Nam cũng như các nước khác trên toàn thế giới.

Thành phố của chúng ta cũng đã và đang áp dụng chiến lược xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân trong Thành phố theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. 

“Các nhân viên y tế, người tình nguyện và các lực lượng hỗ trợ đã ngày đêm thực hiện công tác xét nghiệm, cống hiến, hy sinh với tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước thương dân, không ngại khó khăn, gian khổ", Thứ trưởng bày tỏ.

Tuy nhiên do dân số Thành phố đông, nguồn nhân lực có hạn nên khả năng lặp lại xét nghiệm để loại bỏ triệt để nguồn lây nhiễm mạnh còn hạn chế và đặc biệt tại một số nơi, điểm lấy mẫu xét nghiệm chưa đảm bảo an toàn sinh học có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm cho cả người lấy mẫu và người được lấy mẫu.

Để chủ động phòng bệnh cho chính bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng dân cư khi biến thể Delta vẫn còn lưu hành và chung tay góp sức vào công tác phòng chống dịch của Thành phố, thay mặt cho Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến khích người dân tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho bản thân và cho gia đình.

Để giúp người dân tự xét nghiệm, Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM đã xây dựng các hướng dẫn bằng hình ảnh và video clip. Các bạn có thể nhờ nhân viên y tế hướng dẫn khi lần đầu thực hiện hoặc tham khảo hướng dẫn trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

“Tôi cũng đề nghị các cơ sở y tế địa phương và nhân viên lấy mẫu xét nghiệm chủ động đề xuất và giúp cho người dân tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên", Thứ trưởng Bộ Y tế viết trong thư ngỏ.

Trong thư ngỏ, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, kiểm soát và sớm đẩy lùi dịch bệnh là mong muốn, ước vọng không những của người dân Thành phố mà còn của nhân dân cả nước.

"Với trách nhiệm cá nhân, với tình yêu thương bản thân, gia đình và tri ân các lực lượng y tế đang nỗ lực hết sức để điều trị và bảo toàn sinh mệnh cho các bệnh nhân Covid-19, tôi hiểu rằng các bạn sẽ sẵn lòng tự thực hiện xét nghiệm thường xuyên và tin rằng kết quả xét nghiệm test nhanh của các bạn và gia đình luôn được cập nhật tới cơ quan y tế địa phương", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn viết.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, đây là những thông tin có giá trị để đánh giá tình hình dịch bệnh và cũng là những viên gạch góp phần xây nên "pháo đài" chống dịch của các phường, xã trong thành phố.

"Tất cả các biện pháp chống dịch đang được thực hiện quyết liệt và khẩn trương, việc thực hiện tự xét nghiệm bằng test nhanh của các bạn cùng với các phương thức phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố sẽ là trận tấn công tổng lực. Khi chúng ta cùng đồng lòng thực hiện, chúng tôi tin chắc Thành phố sẽ nhanh chóng bình yên", ông Nguyễn Trường Sơn bày tỏ.

Thêm 6 người tại Hà Nội dương tính với Covid-19

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội sáng 5/9, thành phố vừa ghi nhận thêm 6 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, một người tại cộng đồng, 5 trường hợp còn lại ở khu cách ly, vùng phong tỏa.

Trường hợp được phát hiện tại cộng đồng là ông V.V.C., 85 tuổi, có địa chỉ ở Thổ Quan, Đống Đa. Người này có biểu hiện ho, sốt từ ngày 31/8. Đến ngày 4/9, ông đi khám tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương và lần lượt có kết quả test nhanh, rRT-PCR dương tính với nCoV.

Hà Nội cũng vừa ghi nhận 2 trường hợp từ TP.HCM trở về nhiễm SARS-CoV-2 là chị N.T.T.V. (27 tuổi, có địa chỉ ở Lê Minh Xuân, Bình Chánh, TP.HCM) và chị V.T.H.T. (24 tuổi, ngụ Đa Kao, quận 1, TP.HCM).

Ngày 28/8, hai người này đi từ TP.HCM ra Hà Nội bằng ô tô và được chuyển đi cách ly tập trung ngay tại Đại học Lao động Thương binh Xã hội cơ sở Sơn Tây sau khi qua chốt kiểm dịch. Lúc này, họ đều có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Đến ngày 4/9, hai người này có triệu chứng của bệnh và cho kết quả dương tính ở lần xét nghiệm thứ 2.

Ba trường hợp còn lại được xác nhận nhiễm Covid-19 gồm 2 người thuộc ổ dịch Thanh Xuân Trung, một F1 trú tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm và đã được cách ly tập trung từ ngày 27/8.

Hà Nội đang có một số ổ dịch diễn biến phức tạp gồm: Thanh Xuân Trung (444 ca nhiễm), Văn Miếu (116), Văn Chương (90), ngõ 24 Kim Đồng (46), chợ Ngọc Hà (16), Tân Lập (19). Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.480 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. 

TP.Hồ Chí Minh tích cực triển khai chống dịch theo tinh thần 5T

Thông điệp 5T của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn tăng cường giãn cách xã hội được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Tất cả đều mong muốn, khát vọng dịch bệnh sớm được khống chế để đời sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Thông điệp 5T của Bộ Y tế là: Tuân thủ nghiêm 5K; Thực phẩm đủ tại nhà; Thầy và thuốc tại gia; Test Covid tất cả; Tiêm chủng tại phường/xã.

Ghi nhận đến ngày 4/9, ở tất cả các khu vực phong tỏa lẫn vùng xanh ở TP.HCM người dân đều có nhiều chuyển biến tích cực. Tại Quận Bình Tân nơi đang có trên 230 ngàn lao động, người dân thuê phòng/nhà trong các xóm trọ, việc phố biến các quy định về việc “ai ở yên đó” được triển khai đến từng người.

Các đội/tổ kiểm tra vi phạm phòng, chống dịch ở TP.HCM hàng ngày đến tận các khu dân cư để nhắc nhở. Đặc biệt, đã xử phạt hàng ngàn trường hợp ra ngoài không lý do chính đáng, mua bán không cần thiết…với số tiền lớn.

Theo Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM đến nay việc chăm lo thực phẩm đến tận nhà được phủ khắp thành phố. Người có điều kiện thì được cán bộ đi chợ thay, bộ đội và tình nguyện viên đưa đến tận nhà. Lao động mất việc, người nghèo, người khó khăn…thì có các túi an sinh giao đến tận tay.

Riêng trong ngày 4/9, Trung tâm an sinh TP.HCM đã chuyển 151.885 túi an sinh (gồm thực phẩm, hàng thiết yếu) đến các quận, huyện và TP.Thủ Đức để hỗ trợ người dân khó khăn.

Tổng số túi an sinh từ ngày 15/8 đến nay là 1.626.568 túi. Tính đến nay đã có 178 các mô hình, giải pháp hay đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố gồm 109 bếp ăn từ thiện, 59 gian hàng 0 đồng, 7 ATM gạo, 2 chuyến xe gạo nghĩa tình, 1 tủ lạnh cộng đồng.

TP.HCM đã đưa vào vận hành 411 trạm y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà. Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện. Triển khai phát túi thuốc A, B, C cho F0 chăm sóc, điều trị tại nhà.

Đặc biệt, số điện thoại cả trạm y tế lưu động lẫn cố định được thông báo cho từng người dân nên cứ có bất ổn gọi điện là thầy thuốc đến nhà ngay.

Nhằm kiểm soát và phát hiện sớm nhất F0 để cách ly, chăm sóc và điều trị, người dân ở TP.HCM đều được xét nghiệm bằng test nhanh với Covid-19 và hướng dẫn tự test. Số người tự test thành thạo ngày càng nhiều.

Điển hình như tại TP.Thủ Đức, trong ngày 4/9, đã lấy 14.807 mẫu/34.256 người trong cộng đồng. Ngoài nguồn nhân lực tại chỗ là lực lượng y tế và các tình nguyện viên thực hiện lấy mẫu cho người dân thì còn khuyến khích và hướng dẫn người dân tự lấy mẫu. Đã có tổng cộng hơn 15.000 người dân tham gia tự lấy mẫu.

Bình Dương: Ca mắc qua sàng lọc cộng đồng có xu hướng giảm

Tối 4/9, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết trong 24 giờ qua, toàn tỉnh ghi nhận 2.485 ca mắc Covid-19, giảm 32,4% (tương đương 1.192 ca) so với hôm qua. Đáng chú ý, số ca qua sàng lọc trong cộng đồng đang có xu hướng giảm. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương. 

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương, số trường hợp bệnh nhân điều trị khỏi bệnh xuất viện hiện nay cao hơn ca nhập viện.

Cụ thể, riêng ngày 4/9, trên địa bàn Bình Dương có 3.640 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện tính từ đợt dịch thứ 4 lên 72.679 người. Cùng ngày, các cơ sở y tế thu dung điều trị 2.368 bệnh nhân. Hiện các cơ sở điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang điều trị 54.273 bệnh nhân.

Với xu hướng này, tình hình chống dịch Covid-19 đang từng bước đạt hiệu quả tốt trên các phương diện; trong đó có những kết quả nhờ đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc, bóc tách hết F0 trong cộng đồng; công tác thu dung điều trị, phân loại F0 ngay tại cơ sở giảm thiểu ca bệnh nặng; đồng thời thần tốc tiêm vắc-xin nhanh nhất đến với người dân để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh...

Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 128.893 ca mắc Covid-19, trong đó có 28.423 F0 không triệu chứng; 1.059 bệnh nhân tử vong.

Tin liên quan
Tin khác