Y tế - Sức khỏe
Tin mới về Covid-19 ngày 12/1: Thủ tướng yêu cầu thần tốc tiêm vắc-xin; Đà Nẵng ghi nhận 3 ca mắc biến chủng Omicron
D.Ngân - 12/01/2022 10:22
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 28/CĐ-TTg ngày 11/1/2022 về việc thần tốc tiêm vắc-xin và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng Covid-19.

Ca mắc tại TP.HCM có dấu hiệu tăng

Tính từ 16h ngày 11/1 đến 16h ngày 12/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.135 ca nhiễm mới. Trong đó, 69 người nhập cảnh và 16.066 trường hợp ghi nhận trong nước.

Như vậy, số ca mắc mới tăng 47 người sau 24 giờ. Trong số này, 10.889 ca được phát hiện tại cộng đồng.

Trong 24h qua số ca mắc mới tại TP.HCM có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại với 696 trường hợp.

Một số địa phương khác cũng có số ca mắc mới cao hơn ngưỡng 500 người là Khánh Hòa (772), Bình Định (702), Bình Phước (641), Đà Nẵng (592), Cà Mau (535), Hải Phòng (525).

Trong ngày 12/1, Sở Y tế Khánh Hòa đăng ký bổ sung 12.156 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Đắk Lắk (-380), Cà Mau (-227), Lạng Sơn (-87).

Ngược lại, các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là TP.HCM (+138), Bà Rịa - Vũng Tàu (+106), Nam Định (+82).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.972 ca/ngày.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 31 ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron. Đây đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.958.719 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với tỷ lệ số ca nhiễm/một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 19.850 ca nhiễm).

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.952.594 người. Trong đó, 1.633.082 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (509.501), Bình Dương (291.560), Đồng Nai (98.965), Tây Ninh (83.619), Hà Nội (76.438).

Còn hơn 6.000 nặng đang điều trị

Ngày 12/1, Việt Nam có thêm 38.943 ca được công bố khỏi Covid-19, nâng tổng số đã khỏi bệnh lên 1.635.899 người.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.032 ca, trong đó: Thở ô-xy qua mặt nạ: 4.304 ca; thở ô-xy dòng cao HFNC: 834 ca; thở máy không xâm lấn: 151 ca; thở máy xâm lấn: 724 ca. 19 người đang được can thiệp ECMO.

Từ 17h30 ngày 11/1 đến 17h30 ngày 12/1, Việt Nam ghi nhận 177 ca tử vong.

Trong ngày 11/1, 1.120.898 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm.

Như vậy, tổng số vắc-xin đã được tiêm là 163.533.682 liều, trong đó tiêm mũi một là 78.413.199 liều, tiêm mũi 2 là 71.510.069 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 vắc-xin Abdala) là 13.610.414 liều.

Hà Nội ghi nhận 2.884 ca Covid-19 tại 30 quận, huyện, thị xã

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 10/1 đến 18h ngày 11/1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.884 ca Covid-19. Trong đó, quận Đống Đa là địa bàn ghi nhận số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua.

Cụ thể, 2.884 bệnh nhân mới phân bố tại 391 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (156); Thanh Xuân (141); Hoài Đức (123); Đông Anh (101); Hoàn Kiếm (75); Gia Lâm (52)…

Như vậy, đây là ngày thứ 3 liên tiếp, Hà Nội ghi nhận số ca mắc vượt mốc 2.800 ca/ngày. Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4) là 76.674 ca.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính từ tháng 3-2021 đến nay, thành phố đã triển khai tiêm được hơn 13 triệu mũi vắc-xin phòng Covid-19.

Đến nay, kết quả tiêm chủng cho người trên 18 tuổi đã đạt được tỷ lệ 99,3% mũi 1 và 98,9% mũi 2; tỷ lệ tiêm cho người trên 50 tuổi đạt 98,7% mũi 1 và 96,8% mũi 2; trẻ từ 12-14 tuổi đạt tỷ lệ 99,5% mũi 1 và 90,3% mũi 2; trẻ từ 15-17 tuổi đạt tỷ lệ 99,4% mũi 1 và 93,9% mũi 2.

Cùng với các đơn vị tiêm chủng của thành phố, các bệnh viện trung ương và bộ, ngành trên địa bàn đã tiêm được hơn 1,4 triệu mũi.

Cùng với việc tăng độ bao phủ vắc-xin cho người trên 50 tuổi, nhóm trẻ từ 12-17 tuổi, thành phố đang triển khai tiêm mũi 3 (mũi vắc-xin bổ sung và nhắc lại).

Đến nay, Hà Nội đã tiêm được hơn 221.000 mũi tiêm bổ sung và hơn 1 triệu mũi vắc-xin nhắc lại. 

Hiện tại, các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành y tế phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

Phân bổ 8,2 triệu liều vắc-xin Pfizer

Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế vừa phân bổ 8,2 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 Pfizer phục vụ công tác tiêm chủng của các địa phương. Đây là đợt phân bổ 114-116.

Theo Bộ Y tế, trong tổng số 206,5 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 đã tiếp nhận, cơ quan chuyên môn của Bộ đã phân bổ 116 đợt với tổng số 185 triệu liều. Khoảng 21,5 triệu liều mới tiếp nhận đang được tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng.

Về triển khai tiêm chủng cho đối tượng 12-17 tuổi, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm 14.074.600 liều, trong đó có 8.010.031 mũi một và 6.064.569 mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin là 89,8% và tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 68,0% dân số từ 12 đến 17 tuổi.

33 tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này là Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Sóc Trăng: Dịch Covid-19 hạ nhiệt về cấp độ 2

Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng vừa có Quyết định số 35/QĐ-SYT, về việc công bố phân loại cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, áp dụng từ 0 giờ ngày 12/1/2022.

Theo đó, cấp tỉnh: cấp 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng); cấp huyện, còn 1 đơn vị - nguy cơ cao (vùng cam), 5 đơn vị nguy cơ trung bình (vùng vàng); 5 đơn vị nguy cơ thấp (vùng xanh); cấp xã, "vùng cam" có 7 đơn vị, "vùng vàng" có 43 đơn vị và "vùng xanh" có 59 đơn vị.

Ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đề nghị các sở, ban ngành, UBND các địa phương trong tỉnh căn cứ phân loại cấp độ dịch Covid-19 theo chỉ thị trên để áp dụng các biện pháp hành chính về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Quyết định số 2750/QĐ-UBND ngày 16/10/2021 của UBND tỉnh Sóc Trăng.

Trong ngày 11/1/2022, Sóc Trăng ghi nhận 101 ca F0 trong cộng đồng, nâng tổng số lên 31.609 ca, đã điều trị khỏi tổng số 27.213 ca, đang cách ly y tế điều trị tại nhà là 2.880 ca, tại cơ sở y tế là 1.051 ca.

Số tiêm vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 1: 100%, mũi 2: 98,3%, trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, mũi 1: 100%, mũi 2: 96,9%.

Không lơ là chống dịch

Thủ tướng yêu cầu trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch theo đúng các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương thần tốc tiêm vắc-xin và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng Covid-19.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cả cơ quan quản lý Nhà nước và người dân tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác; tăng cường việc điều trị tại nhà theo hướng dẫn kỹ lưỡng, chặt chẽ của Bộ Y tế đối với người nhiễm Covid-19 nhẹ và không có triệu chứng.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và mục tiêu của Chính phủ đề ra. 

Tổ chức các tổ lưu động khẩn trương tiêm vét vắc-xin ngay tại nhà cho những người không thể đến nơi tiêm tập trung.

Những địa phương, cơ quan, đơn vị nào không đủ lực lượng để tổ chức khám chữa bệnh Covid-19, tiêm chủng và nhất là lực lượng y tế cơ sở để triển khai tăng cường điều trị tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền để tiến hành điều động lực lượng hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm bảo đảm đủ vắc-xin phòng và thuốc cho điều trị Covid-19. Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc sản xuất, tự chủ vắc-xin trong nước nhanh nhất có thể và bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả. 

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Bộ Y tế phải có văn bản hướng dẫn cụ thể cho UBND, sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thần tốc hơn nữa tổ chức tiêm vắc-xin và tăng cường điều trị tại nhà. Tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo ý kiến các chuyên gia về việc tiêm vắc-xin các mũi tăng cường phòng Covid-19; quyết liệt hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, cá thể hóa trách nhiệm để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.

Bộ Y tế chủ trì cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, trong nước về việc triển khai nhập khẩu, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi bảo đảm an toàn, kịp thời, khoa học, hiệu quả.

Đà Nẵng ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron

Chiều 11/1, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh thông tin, Đà Nẵng ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron; các trường hợp này đã có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 ra viện ngày 10/1, đang được theo dõi sức khỏe tại nhà.

Theo đó, trên hai chuyến bay nhập cảnh vào Đà Nẵng từ Malaysia trong ngày 23/24/12 (mỗi chuyến bay chở trên 180 người), đã có 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Do nghi ngờ có thể mắc biến chủng Omicron, lãnh đạo thành phố đã quyết định chuyển 4 người này từ Bệnh viện Dã chiến số 1 (Ký túc xá phía Tây, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) lên Bệnh viện Hòa Vang để điều trị riêng biệt; tổ chức theo dõi, xét nghiệm những người phục vụ tại sân bay trong thời điểm có những người từ Malaysia nhập cảnh.

TP.Đà Nẵng cũng gửi 4 mẫu xét nghiệm của các trường hợp này đến Viện Pasteur Nha Trang để giải trình tự gene.

Ngày 10/1, Viện Pasteur Nha Trang đã có kết quả khẳng định 3/4 mẫu dương tính với SARS-CoV-2 nói trên nhiễm biến chủng Omicron.

Như vậy đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 34 ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại 7 tỉnh, thành phố gồm: TP Hà Nội (1), Đà Nẵng (3), Quảng Nam (14), TP.HCM (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Hải Dương điều chỉnh quy định test nhanh kháng nguyên xét nghiệm Covid-19

Chiều 11/1, Chủ tịch UBND TP Hải Dương ký văn bản chỉ đạo điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung về việc test nhanh kháng nguyên xét nghiệm Covid-19 tại nhà hàng, quán ăn - uống, chợ đầu mối.

Theo đó, UBND TP.Hải Dương yêu cầu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép hoạt động khi bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch, không quá 50% công suất. 

Các cơ sở cũng được yêu cầu không phục vụ quá 20 người trong cùng một phòng ở cùng một thời điểm và phải đóng cửa trước 21h hàng ngày, thực hiện nghiêm việc khai báo hoặc quét mã QR.

Thành phố cũng yêu cầu chủ khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh lưu trú, kinh doanh tiệc cưới, nhà hàng, quán ăn, uống lớn có công suất phục vụ từ 50 người trở lên phải tổ chức test nhanh hoặc kiểm tra kết quả xét nghiệm PCR của khách trong thời hạn 72h, kết quả âm tính mới được tham dự.

Đối với quán ăn sáng, cà phê, quán ăn, uống nhỏ lẻ khác, TP.Hải Dương yêu cầu phải có vách ngăn giữa khách hàng trên bàn, thực hiện nghiêm khai báo y tế, quét mã QR.

Trước đó, từ ngày 4/1, TP.Hải Dương yêu cầu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống trên địa bàn được phép hoạt động khi đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, không phục vụ quá 50%, tổ chức xét nghiệm nhanh hoặc kiểm tra xét nghiệm PCR thời hạn 72h, với kết quả âm tính mới được tham dự.

Ngoài TP.Hải Dương, huyện Thanh Miện cũng ra quy định như trên.

Tin liên quan
Tin khác