Y tế - Sức khỏe
Tin mới về Covid-19 ngày 20/12: Số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tương đương TP.HCM
D.Ngân - 20/12/2021 08:27
Việt Nam tiếp nhận 200.000 liều vắc-xin Covaxin; Chính phủ gửi công điện khẩn về phòng biến chủng mới; Số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tương đương TP.HCM là những tin tức nổi bật về dịch Covid-19.

Việt Nam có thêm gần 15.000 ca Covid-19

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 14.977 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 11 ca nhập cảnh và 14.966 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.127 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Bình Phước (giảm 481 ca), Cà Mau (giảm 378 ca), Thừa Thiên - Huế (giảm 342 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hậu Giang (tăng 339 ca), Hà Nội (tăng 207 ca), Hưng Yên (tăng 196 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.450 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.555.455 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.772 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.549.945 ca, trong đó có 1.107.082 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là thành phố Hồ Chí Minh (495.370), Bình Dương (289.330), Đồng Nai (95.212), Tây Ninh (64.961), Long An (39.709).

Gần 2.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Về tình hình điều trị, có thêm 1.937 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 1.109.899. Ngoài ra, hiện có 7.615 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Về số bệnh nhân tử vong, từ 17h30 ngày 19/12 đến 17h30 ngày 20/12, nước ta ghi nhận 225 ca tử vong tại 25 tỉnh, thành phố: TP.HCM (56), Đồng Nai (30), An Giang (22), Bình Dương (16), Bến Tre (14), Sóc Trăng (11), Tiền Giang (11), Vĩnh Long (9), Long An (8 ), Đồng Tháp (8), Cần Thơ (8 ), Bình Thuận (7), Khánh Hòa (4), Cà Mau (3), Gia Lai (2), Đắk Nông (2), Lâm Đồng (2), Bình Phước (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Kiên Giang (2), Trà Vinh (2), Nghệ An (1), Quảng Nam (1), Bịnh Định (1), Đà Nẵng (1). 

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 244 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 29.791 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội được phát hiện trong khu cách ly

Tình hình dịch tại Hà Nội tiếp tục có chiều hướng phức tạp với nhiều ổ dịch rải rác trên các quận, huyện khác nhau.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 20/12, thành phố ghi nhận 1.641 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong đó, các bệnh nhân được ghi nhận tại cộng đồng (406), khu cách ly (1.021), khu phong tỏa (214).

406 ca cộng đồng tại Hà Nội được ghi nhận tại 130 xã, phường thuộc 21/30 quận, huyện, thị xã gồm: Ba Đình (90); Đống Đa (66); Long Biên (52); Hai Bà Trưng (42); Hoàng Mai (41); Cầu Giấy (18); Tây Hồ (14); Nam Từ Liêm (11); Hà Đông (10); Gia Lâm (10); Ba Vì (10); Bắc Từ Liêm (9); Thanh Xuân (8); Thanh Trì (5); Hoàn Kiếm (5); Hoài Đức (5); Đan Phượng (4); Ứng Hòa (2); Phúc Thọ (2); Đông Anh (1); Sơn Tây (1).

Trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) tại Hà Nội, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận là 28.694 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 10.671 ca, số mắc đã được cách ly là 18.023 ca.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, 94,37% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vắc-xin phòng bệnh Covid-19.

Trên toàn Thành phố, dịch vẫn ở cấp độ 2. Ở cấp quận, huyện, thị xã, Hà Nội có 4 địa phương cấp độ 1, 24 địa phương cấp độ 2 và 2 địa phương cấp độ 3 là Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Ở cấp xã, phường có 422 xã, phường cấp độ 1, 132 xã, phường cấp độ 2 và 25 xã, phường cấp độ 3 và không có địa bàn nào ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ).

Hà Nội không mua kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á

Chiều 20/12, Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Y tế Hà Nội biết được thông tin Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm Covid-19.

Về nội dung này, Sở Y tế Hà Nội cho hay, năm 2021, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội không mua bộ kit test xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á. Trong năm 2020, CDC Hà Nội được nhận một số bộ kit test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất từ các nhà tài trợ thông qua Mặt trận tổ quốc thành phố.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành để rà soát, báo cáo, tổng hợp việc mua sắm hoá chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành công văn gửi Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế đề nghị tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát lại kế hoạch mua sắm đảm bảo đủ số lượng, đúng chủng loại phù hợp với tình hình mới; thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm.

Căn cứ kế hoạch thanh tra 2022 của tỉnh, thành phố, xem xét bổ sung vào Kế hoạch thanh tra năm 2022 của địa phương có nội dung thanh tra về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế;

Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hậu Giang cho điều trị F0 không triệu chứng tại nhà từ đầu 2022

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hậu Giang vừa cho biết, tỉnh khẩn trương chuẩn bị đủ các điều kiện sẵn sàng triển khai từng bước việc điều trị F0 tại nhà từ đầu năm 2022.

Từ giữa tháng 11/2021, Hậu Giang đã có kế hoạch thực hiện thí điểm quản lý, chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà. Tuy nhiên, theo nhận đnh của Sở chỉ huy, Hậu Giang là tỉnh duy nhất tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa triển khai quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà, nguyên do các cơ sở thu dung điều trị F0 không triệu chứng tại tuyến huyện còn một số hạn chế, chưa dự trù tốt thuốc điều trị cho F0 không triệu chứng, khó khăn về hệ thống oxy lỏng, nhân lực y tế ở các cơ sở điều  trị “Tầng 2”. Do đó, khi tiến tới triển khai điều trị F0 tại nhà cần chuẩn bị thật kỹ các điều kiện như: Thành lập các trạm y tế lưu động hay cơ sở y tế lưu động, tập huấn cho lực lượng này, dự trù thuốc, thiết bị tốt và cần thực hiện cho đồng bộ, thống nhất trong toàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh nhấn mạnh: trong phòng, chống dịch Covid-19 vẫn hướng đến mục tiêu ít người nhiễm bệnh, ít chuyển nặng và ít tử vong. Phương án điều trị F0 tại nhà là giải pháp giảm tải cho các cơ sở điều trị Covid-19 nếu số trường hợp nhiễm bệnh tăng cao. Đồng thời Hậu Giang đang khẩn trương tiêm vét vắc-xin phòng Covid-19 cho hơn 21.000 trường hợp.

CDC Hậu Giang khuyến cáo; Các trường hợp từ đủ 12 tuổi trở lên nhưng chưa được tiêm vắc-xin, cần liên hệ với trạm y tế các xã, phường, thị trấn trên địa bàn nơi cư trú hoặc gọi vào số điện thoại đường dây nóng của CDC Hậu Giang: 0918.593.309 (gặp bác sĩ chuyên khoa I Võ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính) để được tư vấn hỗ trợ.

Nhận 200.000 liều vắc-xin của Tập đoàn Bharat Biotech trao tặng

Tối 19/12, chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về đến Sân bay Quốc tế Nội Bài kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc và Ấn Độ.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trao biển đề tặng 200.000 liều vắc-xin Covaxin cho trẻ em dưới 18 tuổi do Tập đoàn Bharat Biotech (Ấn Độ) ủng hộ.

Trước đó, từ ngày 12-19/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm Hàn Quốc từ ngày 12/12 đến 15/12 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug; chuyến thăm Ấn Độ diễn ra ngay sau đó theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla và Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu.

Một trong những nội dung trong chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác là ngoại giao vắc-xin và nguyên liệu để sản xuất thuốc điều trị Covid-19; cùng đó là nguồn kinh phí để triển khai hoạt động an sinh xã hội.

Tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức lễ bàn giao nguồn kinh phí nêu trên cho Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và vắc-xin, nguyên liệu sản xuất thuốc cho Bộ Y tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, các thành viên chính thức của Đoàn công tác, Lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế tham gia lễ bàn giao.

Tại buổi Lễ, đồng chí Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trao biển đề tặng 200.000 liều vắc-xin Covaxin cho trẻ em dưới 18 tuổi, số vắc-xin Covid-19 này do Tập đoàn Bharat Biotech (Ấn Độ) ủng hộ và chuyển giao toàn bộ công nghệ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 3/11 phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc-xin Covid-19 Covaxin, do Công ty Bharat Biotech hợp tác phát triển với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ thuộc chính phủ.

Tại Việt Nam, loại vắc-xin chống Covid-19 này đã được phê duyệt trong danh sách sử dụng khẩn cấp hồi tháng 11 vừa qua.

Covaxin được đánh giá thông qua phản ứng trung hòa kháng thể chống lại một số chủng Covid-19 gây lo ngại như Delta, Alpha, Beta, Gamma, với tỷ lệ hiệu quả là 78% ở bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào, sau khi tiêm đủ hai mũi từ 14 ngày trở lên.

Theo WHO, Covaxin rất phù hợp với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình do yêu cầu bảo quản tương đối dễ dàng.

Quyết định phê duyệt Covaxin cũng được đưa ra trong bối cảnh WHO đặt mục tiêu tạo động lực mới cho nền tảng phân phối vắc-xin Covax, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vắc-xin của các nước nghèo.

Chính phủ gửi công điện khẩn về phòng biến chủng mới

Các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định Omicron có tốc độ lây lan rất nhanh.

Kể từ khi được công bố vào cuối tháng 11, đến nay, biến chủng Omicron đã lây lan ra hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. 

Các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định Omicron có tốc độ lây lan rất nhanh.

Tại khu vực Đông Nam Á, các nước đã ghi nhận sự xuất hiện của Omicron gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Campuchia.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Công điện số 1745/CĐ-TTg ngày 19/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2

Công điện khẳng định hiện nước ta chưa phát hiện có ca nhiễm biến chủng Omicron, nhưng số lượng F0, số bệnh nhân nặng, tử vong vẫn có xu hướng gia tăng. Hệ thống y tế ở một số địa phương đã quá tải, phải chi viện từ trung ương và các địa phương khác.

Trước tình hình đó và khả năng biến chủng Omicron sẽ xuất hiện ở nước ta là rất cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế bám sát diễn biến dịch bệnh trên thế giới, không để bị động, bất ngờ, không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng.

Đặc biệt, trong thời gian Bộ Y tế chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch, từng địa phương có thể thống nhất với Bộ Y tế để nâng cấp độ dịch để chủ động ứng phó dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Phía Bộ Y tế bảo đảm phân bổ đủ vắc-xin cho các địa phương, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ vắc-xin.

Về phía Bộ Y tế, cơ quan này cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, người có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát rộng, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, vùng phong tỏa.

Đồng chí Tổng thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trao biển đề tặng 200.000 liều vắc-xin Covaxin cho trẻ em dưới 18 tuổi do Tập đoàn Bharat Biotech (Ấn Độ) ủng hộ và chuyển giao toàn bộ công nghệ; 01 tấn nguyên liệu điều chế thuốc điều trị COVID-19 Movinavir 200mg cho Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (Ảnh: Trần Minh)

Số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tương đương TP.HCM

Số ca nhiễm trung bình trong một tuần ngày qua tại Hà Nội và TP.HCM có xu hướng cao tương đương nhau. Trung bình ca nhiễm trong 7 ngày qua ở Hà Nội là 924, TP.HCM là 1.061.

Tại TP.HCM, theo số liệu thực tế người dân cư trú trên địa bàn do Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp, dân số thành phố là 9.145.000 người. Tổng ca nhiễm trong 7 ngày qua là 7.424. Như vậy, trung bình 100.000 dân có khoảng 81 ca nhiễm.

Tại Hà Nội, nếu lấy tổng dân số là 8.053.663 (số liệu công bố ngày 1/4/2019), tổng số ca nhiễm trong 7 ngày qua là 6.468, trung bình 100.000 dân có khoảng hơn 80 ca nhiễm.

Như vậy, tỷ lệ nhiễm Covid-19 trên 100.000 dân ở 2 thành phố nhất cả nước hiện tương đương nhau. Điểm khác nhau là đồ thị số ca nhiễm ở TP.HCM có chiều hướng đi xuống sau giai đoạn đỉnh điểm vào tháng 8, 9. Đồ thị số ca nhiễm ở Hà Nội lại đang đi lên rất nhanh.

Hiện 2 thành phố đều tích cực triển khai giải pháp phòng, chống dịch, tăng cường hệ thống điều trị và tiêm vắc-xin cho người nguy cơ cao.

Nga thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19

Nga dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại thuốc có thể kiểm soát khả năng nhân lên của virus SARS-CoV-2 vào nửa cuối năm 2022.

Ông Alexander Gintsburg, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya cho biết như trên ngày 19/12.

Phát biểu với kênh truyền hình Rossiya 1 của Nga, ông Gintsburf cho biết, tôi nghĩ việc thử nghiệm lâm sàng sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2022. 

Đây là hợp chất phân tử có đặc tính ức chế khả năng nhân lên của virus trong cơ thể người bệnh, kể cả những người đang trong giai đoạn bệnh nặng. Đây rõ ràng là loại thuốc cần thiết, đặc biệt đối với những bệnh nhân chưa tiêm vắc-xin.

Chuyên gia y tế này cũng cho biết loại thuốc chữa Covid-19 thứ ba của Nga có tên gọi Ftortiazinon có khả năng ngăn ngừa biến chứng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân Covid-19. Hiện loại thuốc này đang được thử nghiệm giai đoạn hai. 

Liên quan đến vắc-xin Sputnik V ngừa Covid-19, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 19/12 bày tỏ tin tưởng rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ sớm cấp phép cho loại vắc-xin này trong vài tháng tới, và Nga sẽ cố thúc đẩy châu Âu thông qua loại vắc-xin này.

Ông Peskov nhấn mạnh, việc Sputnik V chưa được cấp phép là do những khác biệt về yêu cầu thủ tục giấy tờ, dẫn đến khó khăn trong việc nộp các số liệu cần thiết cho việc cấp phép. Ông khẳng định sẽ phải mất một thời gian để các bên dung hòa các yêu cầu này.

Tin liên quan
Tin khác