Thêm 162.415 ca Covid-19 mới tại 62 tỉnh, thành phố
Tính từ 16h ngày 7/3 đến 16h ngày 8/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 162.435 ca nhiễm mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 162.415 ca ghi nhận trong nước (tăng 15.080 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, TP (có 104.353 ca trong cộng đồng).
Ngày 8/3/2022, Sở Y tế Bắc Ninh đăng ký bổ sung 32.380 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-2.363), TP Hồ Chí Minh (-620), Bình Dương (-513).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (+5.139), Hải Phòng (+2.924), Bắc Ninh (+2.858).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 134.041 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 4.776.873 ca nhiễm, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 48.357 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 4.769.355 ca, trong đó có 2.786.525 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (554.540), Hà Nội (460.001), Bình Dương (318.635), Bắc Ninh (194.520), Quảng Ninh (131.222).
70.902 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.789.342 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.258 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 3.319 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 479 ca; thở máy không xâm lấn là 110 ca; thở máy xâm lấn là 343 ca; ECMO là 7 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 7/3 đến 17 giờ 30 ngày 8/3 ghi nhận 86 ca tử vong.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 91 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.977 ca, chiếm tỷ lệ 0,9% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 34.744.084 mẫu tương đương 80.574.910 lượt người, tăng 230.532 mẫu so với ngày trước đó.
Trong ngày 7/3 có 314.067 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 198.255.931 liều.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 181.220.810 liều: Mũi 1 là 70.865.996 liều; mũi 2 là 67.698.132 liều; mũi 3 là 1.501.013 liều; mũi bổ sung là 14.285.241 liều; mũi nhắc lại là 26.870.428 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là 17.035.121 liều: Mũi 1 là 8.744.389 liều; mũi 2 là 8.290.732 liều.
Hà Nội ghi nhận hơn 32.000 ca F0 mới
Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua ghi nhận 32.650 ca bệnh (13.692 ca cộng đồng; 18.958 ca đã cách ly).
Bệnh nhân phân bố tại 545 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (1.674); Sóc Sơn (1.645); Long Biên (1.541); Hoài Đức (1.536); Hoàng Mai (1.474); Nam Từ Liêm (1.441); Hà Đông (1.429).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 463.175 ca.
Tính đến hết ngày 7/3, có 680.478 bệnh nhân hiện đang điều trị (giảm 2.205 bệnh nhân so với ngày 6/3).
Trong đó có 674.149 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm 99%); 773 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện, thị xã.
5.196 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2-3 của thành phố và 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi là 755.904 người. Ngày 7/3, Hà Nội có 18 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do Covid-19 tính từ ngày 27/4/2021 cho đến nay là 1.196 người.
30% F0 ở mức độ nhẹ phải dùng thuốc kháng virus
Theo Bộ Y tế, trong số hơn 1,1 triệu ca mắc/tháng, ước tính 30% số bệnh nhân này phải dùng thuốc kháng virus. Nếu dùng toàn bộ Molnupiravir thì nhu cầu là 334.800 liệu trình/tháng. Hiện này, năng lực sản xuất thuốc trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu điều trị.
Theo số liệu tính toán của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), số ca mắc Covid-19 mức độ nhẹ là khoảng 1.116.000 ca/tháng. |
Cụ thể, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã cấp Giấy phép lưu hành sản phẩm và công bố giá 3 loại thuốc có hoạt chất Molnupiravir do Việt Nam sản xuất.
Tổng công suất sản xuất thuốc Molnupiravir của 3 đơn vị được cấp phép có thể đạt 280 triệu viên/tháng, tương ứng với 11 triệu liệu trình/tháng. Giá thành hiện tại cho 1 liệu trình điều trị khoảng 300.000 đồng (rẻ nhất so với các nước khác trên thế giới).
Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu 37.610.540 viên thuốc Molnupiravir để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (tương đương với khoảng 940.000 liệu trình điều trị).
Để có nhiều nguồn cung thuốc kháng virus điều trị Covid-19 bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế sẽ thông báo công khai và hướng dẫn các đơn vị nhập khẩu (nếu có nhu cầu nhập khẩu các thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir) nộp hồ sơ theo Điều 66 của Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định cấp phép nhập khẩu thuốc chứa dược chất đã có Giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị.
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng tiếp tục và khẩn trương tổ chức thẩm định, xem xét để cấp Giấy đăng ký lưu hành và cấp phép nhập khẩu thuốc cho tất cả các hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc Molnupiravir đáp ứng yêu cầu (bao gồm cả hồ sơ thuốc nước ngoài và hồ sơ thuốc sản xuất trong nước).
Tại hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 vừa được sửa đổi, bổ sung, Bộ Y tế lưu ý, không dùng thuốc Molnupiravir cho người không có triệu chứng bệnh. Thuốc Molnupiravir chỉ được sử dụng để điều trị Covid-19 nhẹ đến trung bình, có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Ở người mức độ nhẹ, dùng thuốc khi có các triệu chứng: SPO2 lớn hơn 96%, nhịp thở thấp hơn 20 lần/phút. Người mức độ trung bình, dùng thuốc khi SPO2 từ 94% đến 96%, nhịp thở 20-25 lần/phút, tổn thương trên X-quang nhỏ hơn 50%; hoặc người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ có bệnh lý nền, được coi như mức độ trung bình.
Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thuốc Molnupiravir sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính.
Bệnh nhân cần nhập viện đã được khởi trị Molnupiravir trước đó có thể tiếp tục sử dụng thuốc để hoàn thành phác đồ điều trị 5 ngày tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị.
Bộ Y tế không sử dụng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi do quan ngại nguy cơ độc tính trên thai nhi, trên xương, sụn của thuốc.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng lưu ý, phụ nữ có khả năng mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và có hiệu quả trong quá trình điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.
Đối với phụ nữ cho con bú, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.
Đối với nam giới trong độ tuổi sinh sản, sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng…
Phát động chiến dịch “Hành trình an toàn” cùng phòng, chống Covid-19
Ngày 7/3, tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động Chiến dịch “Hành trình an toàn” nhằm nhấn mạnh và củng cố tầm quan trọng của việc tất cả mọi người cùng tuân thủ các biện pháp thực hành phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm cả tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở Việt Nam.
Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức chưa từng có, tác động nặng nề đối với nền kinh tế và xã hội ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu.
Tính đến ngày 6/3/2022, đã có 4.434.700 người mắc bệnh, xếp Việt Nam vào thứ 21 trong số 225 quốc gia và vùng lãnh thổ về số ca mắc và thứ 134 trong số 225 quốc gia và vùng lãnh thổ về số ca mắc trên một triệu dân; trong đó, 40.813 bệnh nhân đã tử vong.
Chiến dịch “Hành trình an toàn” với thông điệp “Bảo vệ bạn, gia đình và những người bạn yêu thương” kêu gọi tất cả mọi người duy trì các biện pháp phòng ngừa, như thông điệp 5K, khuyến khích việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho tất cả các nhóm dân cư cần tiêm chủng để góp phần hiệu quả ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.
Được thực hiện trong 6 tháng, chiến dịch sẽ góp phần tích cực trong tiến trình "Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" mà Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ.
Chia sẻ về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược vắc-xin “đi sau - về trước” với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin cao nhất trên thế giới, góp phần hiệu quả trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19:
Chỉ trong một năm, kể từ ngày tiêm mũi vắc-xin Covid-19 đầu tiên (8/3/2021) đến ngày 6/3/2022, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 219 triệu liều, thực hiện tiêm chủng hơn 197,5 triệu liều; trong đó người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 đạt 100%, mũi 2: 98,7% và mũi 3: 38,4%.
Trẻ em trong độ tuổi 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1 là 99%, mũi 2 là 93,8%. Trong thời gian tới, Việt Nam triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và đang nghiên cứu triên khai tiêm mũi vắc-xin thứ 4.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Bộ Y tế mong muốn và kêu gọi mỗi người Việt Nam chung sức phòng, chống dịch Covid-19, bằng cách tham gia tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ theo khuyến cáo của ngành Y tế và đừng quên thực hiện thật tốt Thông điệp 5K, đặc biệt là sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, TS.Kidong Park, cũng cho rằng, số ca Covid-19 tăng nhanh hiện nay cho thấy đại dịch vẫn chưa kết thúc. Chúng ta cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch, bao gồm việc bảo đảm tất cả được tiêm vaccin đầy đủ phòng Covid-19.
Thông qua chiến dịch “Hành trình an toàn”, WHO tiếp tục cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy để góp phần quan trọng trong việc duy trì hành trình cứu người, ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng phải nhập viện và giúp mọi người sống khỏe mạnh khi đại dịch bùng phát.
“Cùng với các đối tác của chúng tôi ở Bộ Y tế và WHO, UNICEF công nhận rằng, việc tiêm chủng kết hợp với thực hành phòng dịch đã chứng minh thành công trong việc giảm đáng kể số ca tử vong, cũng như số ca bệnh nặng.
Chiến dịch “Hành trình an toàn” sẽ đem đến những thông tin quan trọng tới mọi miền, mọi đối tượng, đặc biệt với những nhóm yếu thế hơn, xây dựng niềm tin vào sự an toàn của vắc-xin phòng Covid-19 đối với mọi lứa tuổi cần tiêm chủng.
Phú Thọ yêu cầu tăng cường các biện pháp chống dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ yêu cầu các cơ quan, đơn vị chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh cần chủ động tăng cường sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm nguồn cung hàng hóa trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ sở y tế và người dân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo bình ổn giá.
Thanh tra Sở Y tế chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Sở Công Thương, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh... tăng cường công tác thanh, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, chú trọng các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, kit xét nghiệm SARS-CoV-2, thuốc kháng virus điều trị Covid-19;
Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định.