Y tế - Sức khỏe
Tin mới về Covid-19 ngày 9/2: Hơn 60% phụ huynh đồng ý tiêm vắc-xin cho trẻ
D.Ngân - 09/02/2022 09:51
60,6% phụ huynh đồng ý tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc; chỉ có 1,9% phụ huynh không đồng ý.

Thêm 23.953 ca Covid-19 mới, 16.608 ca cộng đồng

Tính từ 16h ngày 8/2 đến 16h ngày 9/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 23.956 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 23.953 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.052 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 16.608 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hòa Bình (-926), Hải Dương (-125), Thái Nguyên (-122). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Tĩnh (+720), Hải Phòng (+465), Bắc Ninh (+349).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.584 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 192 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.404.651 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.353 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.397.530 ca, trong đó có 2.193.785 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

69.825 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.196.602 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.771 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 1.977 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 369 ca; thở máy không xâm lấn là 72 ca; thở máy xâm lấn là 335 ca; ECMO là 18 ca

Từ 17h30 ngày 8/2 đến 17h30 ngày 9/2 ghi nhận 93 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 94 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.614 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.432.049 mẫu tương đương 77.450.281 lượt người, tăng 42.079 mẫu so với ngày trước đó. Trong ngày 08/02 có 528.200 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm.

Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 183.729.446 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.154.392 liều, tiêm mũi 2 là 74.430.220 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 30.144.834 liều.

Hà Nội ghi nhận 2.949 F0 mới

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số ca mắc mới từ 18h ngày 8/2/2022 đến 18h ngày 9/2/2022 Hà Nội ghi nhận 2.949 ca bệnh.

Số bệnh nhân được phân bố tại 480 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (118); Đông Anh (106); Long Biên (98); Chương Mỹ (96), Nam Từ Liêm (93).

Như vậy, từ ngày 29/4/2021 đến nay Thành phố ghi nhận 160.022 ca.

Tính tới hết ngày 8/2, Hà Nội đang có 54.148 F0 đang điều trị - tăng hơn 3.000 ca so với ngày trước đó, trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có 158 ca; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 173 ca.

Các bệnh viện của Hà Nội đang điều trị 2.330 ca; các cơ sở thu dung thành phố và cơ sở thu dung quận, huyện đang điều trị 548 ca. Số theo dõi, điều trị tại nhà là 50.939 ca.

Tỷ lệ đồng thuận cao

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết để chuẩn bị tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi, cơ quan này đã giao Viện Chiến lược và Chính sách Y tế khảo sát trực tuyến đối với các phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Qua khảo sát hơn 415.000 phụ huynh có con từ 5 đến 11 tuổi, kết quả như sau: 60,6% đồng ý tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc; chỉ có 1,9% phụ huynh không đồng ý.

Cũng liên quan vắc-xin tiêm cho trẻ em trong độ tuổi này, Bộ Y tế cho biết đã trình Chính phủ về việc mua gần 22 triệu liều vắc-xin Pfizer để tiêm cho trẻ. Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP về việc mua vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Cụ thể, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ về mua vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.

Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Bộ Y tế cho biết thêm vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer đã được Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) phê duyệt sử dụng.

Đến nay đã có 44 quốc gia tiêm vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi, trong đó có đến 75% dùng vắc-xin Pfizer.

Nguy cơ lây lan dịch Covid-19 sau Tết

Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức, quận, huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức, cơ sở y tế công lập và ngoài công lập về việc đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Sở Y tế cho biết dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và sự gia tăng mức độ giao lưu, đi lại của người dân trong dịp Tết sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Sở Y tế đề nghị UBND TP.Thủ Đức, quận, huyện tăng cường rà soát và lập danh sách những người trở về từ các tỉnh, thành phố hoặc đang sống trên địa bàn chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ để vận động người dân đến cơ sở y tế tiêm chủng phòng Covid-19.

Tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, không lơ là chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ mũi vắc-xin phòng Covid-19. Tăng cường giám sát, kiểm tra công tác quản lý người nhập cảnh cách ly theo quy định.

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân từ các tỉnh, thành phố trở về và cư trú trên địa bàn tuân thủ thông điệp 5K, tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm Covid-19 và xử trí theo quy định.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tập trung triển khai, kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Tiếp tục triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mùa Xuân.

Sở Y tế giao các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập, phòng xét nghiệm có xét nghiệm Covid-19 tăng cường rà soát, sàng lọc người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 đến khám tại bệnh viện, thực hiện xét nghiệm và cách ly kịp thời, đảm bảo phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, khi phát hiện ca có dấu hiệu nghi ngờ biến chủng Omicron (qua xét nghiệm RT-PCR), các cơ sở khám, chữa bệnh phải báo cáo ngay đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố để thực hiện điều tra, xác minh và gửi mẫu thực hiện xét nghiệm giải trình tự gene theo quy định.

Các trung tâm y tế TP.Thủ Đức và quận, huyện chỉ đạo trạm y tế thực hiện giám sát người nhập cảnh; tăng cường hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường…

Dịch tại Nghệ An, Đắc Lắk căng thẳng sau Tết

Tình hình dịch Covid-19 ở Nghệ An sau dịp Tết Nguyên đán đang có xu hướng bùng phát. Những ngày gần đây số ca mắc mới đã gia tăng kỷ lục, khoảng từ 1.200 đến hơn 2.200 ca/ngày.

Theo đó, trong 2 ngày 7 và 8/2, số ca mắc mới Covid-19 ở Nghệ An đứng thứ hai toàn quốc chỉ sau thành phố Hà Nội.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An, trong 24 giờ qua, (từ 18 giờ ngày 7/2 đến 18 giờ ngày 8/2), Nghệ An ghi nhận số mắc mới cao kỷ lục với 2.253 ca dương tính mới với Covid-19; trong đó, thành phố Vinh 339 ca, Nghi Lộc 218 ca,  Đô Lương 198 ca, Diễn Châu 176, Thanh Chương và Quỳnh Lưu đều 172 ca/địa phương…

Bên cạnh đó, số học sinh và giáo viên mắc Covid-19 cũng gia tăng. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An: Tính đến chiều 8/2, toàn tỉnh có 266 học sinh là đối tượng F0 ở 4 cấp học, trong đó bậc mầm non có 37 em, tiểu học có 88 em, trung học cơ sở 52 em và trung học phổ thông 89 em.

Đến nay tại Nghệ An đã có 13.542 bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện. Hiện, 7.000 bệnh nhân điều trị tại nhà và các cơ sở y tế, có 47 bệnh nhân tử vong.

Hiện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện số 01-CĐ/BCĐ chỉ đạo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố, thị xã về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá, xác định nguyên nhân cụ thể của tình trạng gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 trên địa bàn, đơn vị quản lý.

Đồng thời bám sát quan điểm, chủ trương mới của Chính phủ; Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, của tỉnh và diễn biến cụ thể của dịch bệnh, triển khai áp dụng các biện pháp phù hợp, ngăn chặn, kiểm soát, không để dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng.

Chiều 8/2, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo thống kê từ 16 giờ ngày 7/2 đến 16 giờ ngày 8/2, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 234 trường hợp mắc Covid-19, trong đó, có 151 trường hợp được phát hiện trong cộng đồng.

Như vậy, sau kỳ nghỉ Tết, ngày 8/2 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 tăng mạnh nhất trong ngày, sau nhiều tháng.

Trên cơ sở công bố cấp độ dịch của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 7/2, phần lớn các địa phương trong tỉnh đã cho học sinh các cấp đến trường học trực tiếp. Riêng tại thành phố Buôn Ma Thuột mới cho học sinh lớp 7 đến 12 đi học trực tiếp.

Trong ngày 8/2, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 2 đoàn công tác tiến hành kiểm tra thực tế một số trường học tại các huyện, thị xã, thành phố để triển khai kế hoạch cho học sinh các cấp đi học trở lại vào ngày 14/2.

Sau khi kiểm tra thực tế tại một số địa phương trong tỉnh, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đánh giá, tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại Đắk Lắk trước và sau Tết khá tốt, nên việc triển khai đi học trở lại có nhiều thuận lợi.

Tin liên quan
Tin khác