Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 18/10: Chỉ xét nghiệm Covid-19 với hành khách ở vùng dịch cấp 4
D.Ngân - 18/10/2021 08:10
Hướng dẫn mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải về xét nghiệm Covid-19, các tỉnh, thành phố chỉ xét nghiệm hành khách ở vùng dịch cấp 4, vùng phong tỏa.

3.159 ca mắc Covid-19 mới tại 45 tỉnh, thành

Tính từ 17h ngày 17/10 đến 17h ngày 18/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.168 người nhiễm mới. Trong đó, 9 ca nhập cảnh và 3.159 trường hợp ghi nhận trong nước.

Số ca mắc giảm 16 người so với ngày trước đó. 1.261 ca trong số này được phát hiện tại cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (-138), Đồng Nai (-124), Bình Dương (-98).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (+110), Phú Thọ (+50), Tiền Giang (+48).

Hiện, Việt Nam có 862.531 ca mắc Covid-19 trong nước (tính từ 27/4), trong đó 790.163 người được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (418.692), Bình Dương (225.853), Đồng Nai (59.015), Long An (33.806), Tiền Giang (15.105).

Số ca tử vong tại TP.HCM tăng

Trong ngày 18/10, Việt Nam có 1.136 bệnh nhân khỏi Covid-19. 75 ca tử vong được ghi nhận tại TP.HCM (51), Bình Dương (14), Đồng Nai (3), Sóc Trăng (1), Lâm Đồng (1), Cà Mau (1), Đà Nẵng (1), Tây Ninh (1), Tiền Giang (1), An Giang (1).

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.543. Trong đó, 21 trường hợp được chạy ECMO.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 107.224 xét nghiệm cho 202.147 lượt người.

Trong ngày 17/10, 1.312.650 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm.

Như vậy, tổng số vắc-xin đã được tiêm là 63.434.180 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 45.281.937 liều, tiêm mũi 2 là 18.152.243 liều.

Vẫn chưa công bố loại vắc-xin tiêm cho trẻ em

Chiều 18/10, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết sở đã chuẩn bị kế hoạch tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa công bố loại vắc-xin phù hợp cho nhóm tuổi này.

Cũng theo ông Nam, Thành phố đã chuẩn bị sẵn đủ số lượng vắc-xin phù hợp cho khoảng 700.000 trẻ em từ 12-17 tuổi.

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết sáng nay, đơn vị đã có văn bản để khi được cho phép sẽ tiêm ngay cho nhóm này. Sở cũng đã đề nghị các đội tiêm quan tâm nhóm tuổi trên, đảm bảo đầy đủ, không thiếu sót trong công tác tiêm.

Hà Nội: 5 ca dương tính với Covid-19

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 17/10 đến 18h ngày 18/10, trên địa bàn thành phố ghi nhận 5 ca dương tính với SARS-CoV-2 đã được cách ly.

Các bệnh nhân này phân bố tại 4 quận, huyện: Hà Đông (2), Hoàn Kiếm (1), Thanh Trì (1), Đông Anh (1) và thuộc chùm về từ các vùng có dịch (3), chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (2).

3 bệnh nhân thuộc chùm về từ các tỉnh có dịch:

Bệnh nhân 1: P.S.T, nam, sinh năm 1999, ở phường La Khê, quận Hà Đông. Bệnh nhân đi từ Đồng Nai ra Hà Nội (trên chuyến bay VN216 từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Nội Bài ngày 11/10). Ngày 17/10, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Bệnh nhân 2: N.Đ.N, nam, sinh năm 1996, ở phường Quang Trung, quận Hà Đông. Bệnh nhân đi từ TP.HCM ra Hà Nội (trên chuyến bay VN216 từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Nội Bài ngày 11/10). Ngày 17/10, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Bệnh nhân 3: L.A.T, nam, sinh năm 1967, ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Bệnh nhân đi từ TP.HCM ra Hà Nội (trên chuyến bay VN216 từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Nội Bài ngày 15/10). Ngày 17/10, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

2 bệnh nhân thuộc chùm F1:

Bệnh nhân 1: T.G.B, nam, sinh năm 2014, ở xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngày 13/10, bệnh nhân được làm xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và có kết quả âm tính. Ngày 14/10, bệnh nhân vào điều trị tại Khoa Nội nhi (Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều).

Ngày 17/10, bệnh nhân được xác định là F1 của bệnh nhân T.Đ.L (dương tính tại tỉnh Phú Thọ) và được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính (do Bệnh viện  K cơ sở 3 thực hiện).

Bệnh nhân 2: N.T.H.V, nữ, sinh năm 1975, ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Bệnh nhân là nhân viên y tế làm việc tại khu cách ly, điều trị bệnh nhân dương tính. Ngày 16/10, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 4.111 ca; trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.606 ca, số ca mắc là đối tượng đã được cách ly 2.505 ca.

Nam Định: Phát hiện chùm ca bệnh với 20 ca mắc

Chiều 18/10, theo báo cáo nhanh của UBND huyện Ý Yên, Nam Định, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh vừa ghi nhận chùm ca bệnh với 20 người dương tính với Covid-19. Tất cả đều trú tại thôn Đằng Động, xã Yên Hồng, huyện Ý Yên.

Các bệnh nhân gồm 14 bệnh nhân nữ, 6 bệnh nhân nam, độ tuổi từ 15 đến 67 tuổi. Các bệnh nhân này đã được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội.

Ca mắc chỉ điểm của chùm lây nhiễm này là bà N.T.H., trú tại thôn Đằng Động, xã Yên Hồng, được phát hiện nhiễm Covid-19 vào chiều 17/10.

Theo báo cáo từ CDC Nam Định, bà H. đã không ra khỏi xã, không đến vùng có dịch hay tiếp xúc người từ vùng dịch về trong gần một tháng qua. Hàng ngày bà đi chợ làng vào các buổi sáng sớm, thỉnh thoảng phụ hồ xây tường rào cho một gia đình cùng thôn.

Ngày 10/10, bà H. có triệu chứng sốt, đau họng, tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ nên đã gọi y tá thôn đến khám, truyền dịch. Ngày 12-14/10, bà đỡ sốt nhưng vẫn đau họng, thỉnh thoảng ho.

Đến 9h ngày 17/10, bệnh nhân được con rể đưa đi khám tại Phòng khám Hoa Lư - Hà Nội (TP.Ninh Bình) bằng taxi.

Tại đây, bà H. khai báo y tế, test nhanh hai lần đều cho kết quả dương tính với Covid-19. Sau đó, 16h cùng ngày, kết quả xét nghiệm rRT-PCR của bệnh nhân cũng là dương tính.

Hiện tại, nữ bệnh nhân có sốt nhẹ , ho từng tiếng, không khó thở. Bệnh nhân được gắn mã số tại Ninh Bình ngày 17/10.

Sau khi phát hiện F0 trên, UBND huyện Ý Yên đã chỉ đạo truy vết, xác minh các ca tiếp xúc gần. Kết quả ban đầu lực lượng chức năng phát hiện 30 F1. Đến 7h ngày 18/10, 16 trường hợp đã được đưa đi cách ly tập trung.

Ngoài chùm lây nhiễm tại thôn Đằng Động, CDC Nam Định còn phát hiện 2 ca mắc khác.

Một trường hợp là cháu bé 12 tuổi ở xã Tân Khánh, huyện Vụ Bản, được phát hiện trong khu cách ly tập trung. Bệnh nhân từ TP.HCM về địa phương ngày 10/10, được cách ly tập trung ngay sau đó.

Kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính, lần 2 (17/10) dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, bệnh nhân này được cách ly, điều trị tại Trung tâm y tế huyện Vụ Bản.

Trường hợp thứ hai ở xóm 19, Giao Thiện, Giao Thủy, cũng được phát hiện trong khu cách ly tập trung.

Người này là mẹ của hai ca mắc Covid-19 trước đó. Bà có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính, đến ngày 17/10, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm y tế huyện Giao Thủy.

Ngành Y tế hiện phong tỏa toàn bộ thôn Đằng Động, xã Yên Hồng và tổ dân phố số 1, thị trấn Lâm (vùng 1).

Toàn bộ xã Yên Hồng và thị trấn Lâm (vùng 2) thực hiện theo phương châm “ai ở yên nhà ấy” chờ xét nghiệm.

Sở Y tế, CDC Nam Định sẽ xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân của các xã Yên Quang, Yên Phong, Yên Dương, Yên Tiến, Yên Bằng, Yên Khánh, thị trấn Lâm và những người đã đến khu vực chợ Mụa (xã Yên Dương).

Sở Y tế, CDC Nam Định cũng điều chỉnh lượng vắc-xin Covid-19 đã được phân bổ cho tỉnh để ưu tiên tiêm cho người dân huyện Ý Yên.

Chống dịch với nhiều biện pháp chưa có trong tiền lệ

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong đợt dịch thứ 4, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được áp dụng trên thực tiễn để đáp ứng với diễn biến mới của dịch bệnh, nhất là đối với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta.

Hướng dẫn mới nhất của Giao thông vận tải về xét nghiệm Covid-19, các tỉnh, thành phố chỉ xét nghiệm hành khách ở vùng dịch cấp 4, vùng phong toả.

Cụ thể, việc kết hợp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong điều trị người bệnh đã góp phần giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới. 

Tác động phối hợp của giãn cách xã hội, xét nghiệm rộng, điều trị sớm, bao phủ vắc-xin, bảo đảm an sinh đã đem lại kết quả tích cực.

Đó là, áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp giám sát, truy vết nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh. 

Các biện pháp tổ chức cách ly được điều chỉnh, cập nhật theo diễn biến dịch bệnh và năng lực cách ly của từng địa bàn. Nhiều biện pháp cách ly lần đầu tiên được triển khai trong phòng, chống dịch tại nước ta.

Bên cạnh đó theo người đứng đầu ngành Y tế, vừa qua các địa phương đã từng bước tăng cường năng lực xét nghiệm. Huy động, điều phối hiệu quả các lực lượng hỗ trợ từ các địa phương;

Kết hợp hiệu quả phương pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT- PCR; thực hiện việc gộp mẫu (gộp 5, gộp 10...) để làm tăng tốc độ xét nghiệm và giảm chi phí; chủ động tầm soát lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao.

Về điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, ngành Y tế đã tập trung toàn lực để điều trị giảm tử vong, thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến; phân tầng điều trị; trang bị hệ thống ô-xy y tế, huy động sự tham gia của y tế tư nhân.

Đặc biệt, thành lập các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn là giải pháp đột phá, đạt hiệu quả cao, giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại xã, phường, góp phần giảm bệnh nặng, giảm tử vong. Triển khai các mô hình chăm sóc, điều trị tại nhà, kết hợp Đông - Tây y.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, với kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên; chiến lược vắc-xin đã phát huy hiệu quả, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch.

Đến nay, đã tiếp nhận 92,5 triệu liều vắc-xin Covid-19 và tiêm được hơn 61 triệu liều. Đến ngày 16/10/2021, đã có 60,2% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin và 24,7% đã tiêm đủ liều vắc-xin.

Chiến dịch đã huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước, ở Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, công an, quân đội, công lập và khu vực tư nhân.

Chỉ xét nghiệm hành khách ở vùng dịch cấp 4, vùng phong toả

Theo hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, do Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành hoạt động vận tải được tổ chức phù hợp theo 4 cấp độ dịch:

Cấp 1 (nguy cơ thấp, bình thường mới) tương ứng với màu xanh, cấp 2 (nguy cơ trung bình) tương ứng với màu vàng, cấp 3 (nguy cơ cao) tương ứng với màu cam, cấp 4 (nguy cơ rất cao) tương ứng với màu đỏ.

Việc đánh giá theo cấp độ từ quy mô cấp xã, khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.

Hành khách tham gia giao thông (trừ vận tải hàng không, đường sắt) phải đáp ứng các yêu cầu sau: tuân thủ thông điệp 5K, khai báo y tế, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế.

Chỉ yêu cầu xét nghiệm khi có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ vùng có dịch ở cấp 3 và khách đến từ vùng có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa ổ dịch). 

Không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn. Xét nghiệm hành khách trong các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…

Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp khi có yêu cầu điều tra dịch tễ hoặc đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Việc xét nghiệm Covid-19 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ. 

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định mới về phòng, chống dịch Covid-19 đối với các đối tượng áp dụng tại hướng dẫn tạm thời này thì thực hiện theo quy định mới.

Hà Nội gỡ bỏ các chốt kiểm soát ở khu vực Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Đúng 0h ngày 18/10, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã tiến hành gỡ phong tỏa các chốt tại  khu vực Bệnh viện Hữu nghị sau 18 ngày cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19.

Về việc tháo gỡ chốt phong tỏa, đến thời điểm này đã đủ 14 ngày theo quyết định của phong tỏa áp dụng với tầng 7 và tầng 8 nhà D của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Trước đó, ngày 17/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã kỹ văn bản hoả tốc số 8798/ KCB- BYT gửi UBND TP.Hà Nội và UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về việc đồng ý cho Bệnh viện này  trở về trạng thái hoạt động bình thường mới từ 0h ngày18/10.

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp và ban, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận người bệnh có đủ điều kiện ra viện, chuyển viện, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, không thuộc đối tượng F0 được chuyển về theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc tiếp tục chăm sóc y tế tại các bệnh viện của địa phương.

Bộ Y tế cũng đồng ý với đề nghị của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho phép các nhân viên y tế đang làm việc tại tòa nhà B5 chủ động về theo dõi sức khoẻ tại nhà trong vòng 7 ngày (các nhân viên y tế làm việc tại tòa nhà B5 đều được trang bị phòng hộ ngay từ khi có ca nhiễm, kết quả xét nghiệm ít nhất 6 lần âm tính, đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin)

Phú Thọ triển khai các biện pháp chống dịch

Ngay sau khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 tại TP.Việt Trì là chị Đ.T.Q, ở khu 8, xã Chu Hóa, TP.Việt Trì, UBND TP.Việt Trì đã phong tỏa xã Chu Hóa đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch. 

Trong ngày 17/10, ngành Y tế đã huy động 100 cán bộ y tế thần tốc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên cho toàn bộ người dân tại 8 khu dân cư trên địa bàn xã Chu Hóa để kịp thời phát hiện các trường hợp nguy cơ.

​Lực lượng lấy mẫu gồm cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Y dược cổ truyền và phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi. Việc lấy mẫu xét nghiệm được tiến hành tại nhà văn hóa các khu dân cư.

Ngay từ sáng sớm, người dân được thông báo về việc lấy mẫu xét nghiệm nên đã có mặt đầy đủ, đúng giờ tại nhà văn hóa và thực hiện trình tự lấy mẫu theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, đảm bảo an toàn phòng dịch.

Sau một ngày thần tốc xét nghiệm, đến 19h00 cùng ngày, lực lượng y tế đã xét nghiệm 5.966 mẫu test nhanh SARS-CoV-2, phát hiện 53 trường hợp nghi ngờ dương tính.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc triển khai xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trên diện rộng là biện pháp hữu hiệu nhất để sớm khoanh vùng, truy vết và ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.

Tin liên quan
Tin khác