Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 1/9: TP.HCM đề xuất tiêm vắc-xin cho học sinh
D.Ngân - 01/09/2021 10:43
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM đề xuất tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh trong độ tuổi từ 12-18 trên địa bàn thành phố.

804 ca tử vong của bệnh nhân Covid-19 trong hai ngày

Theo Bộ Y tế, trong ngày ghi nhận 11.429 ca mắc Covid-19 tại 39 tỉnh, thành phố.

TP.HCM và Bình Dương tiếp tục dẫn đầu về số lượng ca mắc Covid-19 mới. Tuy nhiên, số F0 đã giảm so với hôm qua.

Theo đó, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.162 ca. Tại TP.HCM, F0 giảm 76 ca. Bình Dương giảm 1.090 ca, Tiền Giang giảm 20 ca. Đồng Nai tăng 125 ca, Long An tăng 7 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 473.530 ca nhiễm, đứng thứ 56/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo bình quân số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (cứ 1 triệu người có 4.700 ca nhiễm).

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 469.311, trong đó có 245.948 bệnh nhân được công bố khỏi Covid-19.

Trong bản tin tối, Bộ Y tế công bố 440 ca bệnh nhân Covid-19 tử vong trong ngày 31/8 và số lượng này trong ngày 1/9 là 364 ca.

Các tỉnh, thành có số người tử vong cao là TP.HCM (658), Bình Dương (78), Long An (14), Đồng Nai (12), Đồng Tháp (10).

Số còn lại ghi nhận ở Tiền Giang (9), Đà Nẵng (4), Khánh Hòa (4), Bình Phước (3), Hà Nội (2), Ninh Thuận (2), Thừa Thiên - Huế (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bến Tre (1), Lào Cai (1), Tây Ninh (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Phúc (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 11.868 người, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc. Số lượng này cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

***

Trong ngày 31/8, 230.415 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 20.210.381, trong đó, tiêm 1 mũi là 17.483.818 liều, tiêm mũi 2 là 2.726.563 liều.

Cùng ngày AstraZeneca chuyển thêm 3 lô vắc-xin Covid-19 với 2.016.460 liều về Việt Nam.

Trong đó, 2 lô với tổng cộng hơn 1,4 triệu liều được đưa về sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) hôm 30/8. Sáng nay, thêm 576.300 liều AstraZeneca tiếp tục về đến TP.HCM.

Đến nay, hợp đồng của Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) mang về hơn 10,1 triệu liều AstraZeneca trong tổng số khoảng 19,1 triệu liều vắc-xin này tại Việt Nam.

VNVC cho biết sẽ sớm chuyển giao phi lợi nhuận số vắc-xin này cho Bộ Y tế để kịp thời đưa về các địa phương tiêm phòng cho người dân.

Hà Nội có kéo dài giãn cách sau 6/9?

Tính từ 18 giờ ngày 31/8 đến 18 giờ ngày 1/9, Hà Nội ghi nhận 59 ca, trong đó có 31 ca tại khu cách ly, 27 tại khu vực phong tỏa, 1 ca tại cộng đồng. Riêng ổ dịch Thanh Xuân Trung ngày 1/9 ghi nhận 32 ca. Như vậy, tính từ ngày 23/8 đến nay, ổ dịch Thanh Xuân Trung có 380 ca.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.327 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.548 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.779 ca.

Với việc số ca mắc Covid-19 những ngày qua hạ nhiệt, liệu Thành phố có tiếp tục giãn cách, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết việc nới lỏng hay gia hạn giãn cách xã hội được Sở chỉ huy chống dịch Thành phố cân nhắc, thảo luận kỹ trước khi báo cáo để Thành ủy, UBND Hà Nội xem xét, cho ý kiến.

Tuy nhiên, dựa vào số liệu và diễn biến dịch bệnh những ngày gần đây, ông Tuấn cho rằng khả năng Thành phố phải giãn cách xã hội tiếp là rất cao.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng cho hay việc kéo dài giãn cách liên tục ảnh hưởng lớn tình hình kinh tế - an sinh - xã hội, đến tâm lý, cuộc sống của người dân. Do vậy theo lãnh đạo CDC Hà Nội, cơ quan này đang đánh giá thận trọng, bàn bạc kỹ để báo cáo lên Thành ủy, UBND Thành phố.

Đề cập đến việc kéo dài giãn cách, lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết tối thiểu phải giãn cách đủ một chu kỳ (15 ngày) thì mới đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, Thành phố sẽ có thể áp dụng giãn cách nửa chu kỳ nếu điều kiện cho phép.

30 người tại Hà Nội dương tính với SARS-CoV-2

CDC Hà Nội thông tin trong ngày 1/9 Hà Nội phát hiện 30 ca mắc Covid-19. Những người này đều được phát hiện trong khu cách ly, vùng phong tỏa.

Hà Nội thực hiện xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Quỳnh Danh

Ổ dịch Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) tiếp tục có diễn biến phức tạp khi ghi nhận thêm 23 trường hợp nhiễm Covid-19. Từ ngày 23/8 đến nay, khu vực này đã có tất cả 372 người cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Ngoài ra, 7 trường hợp vừa được thành phố phát hiện nhiễm Covid-19 đều là F1, đã được cách ly hoặc sống trong vùng phong tỏa. Các bệnh nhân có độ tuổi từ 10 đến 59, trú tại Yên Nghĩa (Hà Đông), Tân Lập (Đan Phượng) và Văn Miếu (Đống Đa).

Như vậy, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.298 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. 

Một số ổ dịch cũng đang có diễn biến phức tạp tại Hà Nội, bên cạnh Thanh Xuân Trung, là Văn Miếu (106 ca nhiễm Covid-19 từ ngày 30/7), Văn Chương (89 ca từ 17/7), ngõ 24 Kim Đồng (44 ca từ 24/8), chợ Ngọc Hà (16 ca từ 28/8) và Tân Lập (12 ca từ 28/8).

Với tình hình dịch phức tạp tại Hà Nội hiện nay, một số chuyên gia đề xuất Thành phố nên tập trung vắc-xin cho nhóm người cao tuổi và triển khai theo dõi F0 có triệu chứng nhẹ tại nhà.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, nhận định việc các ổ dịch trên liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 phần nào thể hiện sự tuân thủ 5K bên trong khu vực đó chưa tốt. Lúc này, vai trò của chính quyền cơ sở là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần có những sự thay đổi nhất định trong vấn đề tiêm chủng và quá trình cách ly, điều trị.

Chuyên gia cho rằng nếu đẩy nhanh được tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tương tự TP.HCM, Hà Nội sẽ có cơ hội chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vắc-xin còn hạn chế, Thành phố cần tập trung tiêm chủng cho nhóm người cao tuổi, mắc bệnh nền.

Hiện nay, Hà Nội vẫn áp dụng phương pháp cách ly tập trung với các trường hợp F1. Trong khi đó, tất cả F0 được phát hiện sẽ được đưa tới bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, với các ổ dịch phức tạp đã được khoanh vùng và phong tỏa, việc làm này có thể chưa thực sự tối ưu.

Tại các ổ dịch này, việc chúng ta cần làm là đảm bảo người dân bên trong không được ra ngoài. Phong tỏa vốn là biện pháp tách F0 và người tiếp xúc khỏi cộng đồng song việc chuyển các F0, F1 đến khu cách ly hay cơ sở y tế có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm trong quá vận chuyển hoặc tại chính khu cách ly tập trung.

Do đó, theo Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, tại những ổ dịch đã được phong tỏa, Thành phố nên xem xét cho F0 chưa có triệu chứng, diễn biến nhẹ và F1 cách ly tại chỗ.

TP.HCM đề xuất tiêm vắc-xin cho học sinh 

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM đề xuất tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh trong độ tuổi từ 12-18 trên địa bàn thành phố. 

Đề xuất này được đưa ra là để bảo đảm an toàn cho học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp vào học kỳ 2. Tổng số học sinh trong độ tuổi được đề xuất tiêm vắc-xin là hơn 642 nghìn học sinh.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, việc tiêm vắc-xin cho học sinh từ 12-18 tuổi nhằm bảo đảm cho học sinh được an toàn, an tâm và tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện, giữ vững chất lượng giáo dục. Đồng thời, bảo đảm tốt nhất công tác giáo dục toàn diện, đáp ứng mục đích, yêu cầu và nội dung chương trình năm học…

TP.HCM cũng cho biết, hiện có 80% giáo viên đã được tiêm vắc-xin mũi 1, một số giáo viên đã tiêm mũi 2. Nếu tình hình dịch bệnh ổn định, học sinh và giáo viên được tiêm ngừa đầy đủ có thể trở lại trường học trực tiếp.

Liên quan tới vấn đề tiêm chủng vắc-xin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phối hợp với Bộ Y tế triển khai chương trình tiêm cho học sinh, để các em sớm trở lại trường học.

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay trên thế giới rất hiếm loại vắc-xin có thể tiêm được cho trẻ em. 

TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng phía Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong các loại vắc-xin Covid-19 đang được tiêm, hiện chỉ có vắc-xin Pfizer đã được phê duyệt để tiêm cho người từ 12 đến 18 tuổi. 

Hãng này cũng đã thử nghiệm lâm sàng cho nhóm dưới 12 tuổi. 

Tại Mỹ, vắc-xin này được yêu cầu bổ sung đối tượng cho thử nghiệm lâm sàng trước khi FDA Mỹ thông qua cho nhóm trẻ nhỏ hơn. Tuy nhiên, vắc-xin đã có đủ độ an toàn để tiêm cho trẻ em. 

Trong khi đó, vắc-xin Moderna cũng đã xong thủ tục thử nghiệm lâm sàng và được công nhận tiêm cho trẻ em ở một số quốc gia ở Châu Âu. Một số vắc-xin khác cũng đã được phê duyệt cho nhóm tuổi này nhưng ở mức độ quốc gia thay vì mức độ toàn cầu.

Được biết, giữa tháng 7/2021, Bộ Y tế đã đàm phán với hãng Pfizer và đang làm thủ tục ký cam kết mua thêm 20 triệu liều vắc-xin Covid-19 tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi. Hiện theo thống kê, nước ta có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này. 

Trước đó, Bộ Y tế đã ký thoả thuận mua 31 triệu liều vắc-xin Pfizer phòng Covid-19. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, trong quý IV/2021, khoảng 47-50 triệu liều vaccine này sẽ về Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác