Thêm 11.126 người mắc Covid-19
Tính từ 16h ngày 22/11 đến 16h ngày 23/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.132 ca nhiễm mới, gồm 6 ca nhập cảnh và 11.126 ca ghi nhận trong nước (tăng 827 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 6.010 ca trong cộng đồng).
Ngày 23/11, Sở Y tế Bình Dương đăng ký bổ sung thông tin cho 28.000 ca nhiễm trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi tỉnh rà soát và thu thập đầy đủ thông tin của các F0 đã được lấy mẫu từ những ngày trước đó.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-343), Cần Thơ (-181), Đắk Lắk (-91).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bà Rịa - Vũng Tàu (+310), Bình Phước (+232), Vĩnh Long (+198).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.070 ca/ngày.
Từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.143.967 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với tỷ lệ số ca nhiễm trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 11.607 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.110.836 ca, với 908.493 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hai tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (459.123), Bình Dương (277.406), Đồng Nai (83.385), Long An (37.554), Tiền Giang (24.056).
Trong ngày, Bộ Y tế công bố 1.034 F0 khỏi bệnh, nâng tổng số được điều trị khỏi lên 911.310 ca.
Số bệnh nhân thể nặng đang điều trị là 5.295 ca, tăng 303 ca so với một ngày trước đó. Trong đó, 9 người cần được can thiệp ECMO.
Từ 17h30 ngày 22/11 đến 17h30 ngày 23/11, cả nước ghi nhận 167 ca tử vong tại TP.HCM (62), An Giang (28), Bình Dương (12), Đồng Nai (11), Long An (9), Kiên Giang (7), Cần Thơ (7), Tây Ninh (6), Tiền Giang (5), Đồng Tháp (3), Vĩnh Long (3), Cà Mau (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bến Tre (2), Sóc Trăng (2), Quảng Ngãi (1), Trà Vinh (1), Lâm Đồng (1), Ninh Thuận (1), Bạc Liêu (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 121 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.118 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm.
Trong 24 giờ qua, ngành Y tế đã thực hiện 115.555 xét nghiệm cho 244.547 lượt người. Số lượng xét nghiệm đã thực hiện từ 27/4 đến nay là 25.148.019 mẫu cho 66.370.020 lượt người.
Trong ngày 22/11, 2.006.892 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 110.917.609 liều, trong đó, tiêm 1 mũi là 67.337.689 liều, tiêm mũi 2 là 43.579.920 liều.
Bình Dương đăng ký bổ sung 28.000 F0
Theo lãnh đạo Sở Y Tế tỉnh Bình Dương, địa phương này đang chờ văn bản phản hồi từ phía Bộ Y tế về đề nghị cấp mã số bổ sung cho 28.000 trường hợp F0 tại tỉnh này.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương, số lượng 28.000 F0 này được ghi nhận trong đợt bùng phát dịch lần 4 (từ ngày 27/4 đến nay) trên địa bàn tỉnh, được khẳng định bằng xét nghiệm rRT-PCR.
Do lượng lớn F0, công tác sổ dung, cập nhật thông tin có thời điểm chưa kịp thời. Hiện các F0 này đều khỏi bệnh và được cấp giấy xác nhận.
Tính từ đợt dịch lần 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 248.708 ca mắc Covid-19 (qua xét nghiệm rRT-PCR) và 2.616 trường hợp tử vong. Như vậy, nếu số lượng 28.000 F0 đăng ký bổ sung được Bộ Y tế chấp nhận công bố, tổng số ca mắc trên toàn tỉnh Bình Dương sẽ tăng hơn 11%.
Bình Dương còn 2.757 bệnh nhân đang được điều trị Covid-19 (tầng 1 là 1.848 bệnh nhân, tầng 2 là 528 bệnh nhân và tầng 3 là 381 bệnh nhân). Số ca nặng, nguy kịch cần thở ô-xy là 249 người.
Đến nay, tỉnh đã tiêm 4.223.864 liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó, có 2.437.760 mũi 1 và 1.786.104 mũi 2). Số trẻ 12-17 tuổi đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là 144.520 liều.
Toàn tỉnh đã thành lập 162 Trạm y tế lưu động, trong đó có 99 Trạm y tế lưu động tại các xã, phường; 43 Trạm y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp và 20 Tổ lưu động của Quân y.
Hà Nội ghi nhận 250 ca dương tính tại 27 quận, huyện
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 22/11 đến 18h ngày 23/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 250 ca dương tính, trong đó có 95 ca tại cộng đồng, 111 ca tại khu cách ly và 44 ca tại khu phong tỏa.
Đây là ngày thứ 8 Thành phố Hà Nội ghi nhận liên tiếp số ca mắc vượt mốc hơn 200 ca/ngày trong hơn 1 tuần qua.
250 bệnh nhân này phân bố tại 27/30 quận, huyện: Hoàng Mai (42), Nam Từ Liêm (35), Ba Đình (27), Quốc Oai (18), Hai Bà Trưng (17), Chương Mỹ, Long Biên (11); Thanh Xuân, Thường Tín, Hà Đông (9); Mê Linh, Đông Anh (7); Thanh Trì, Thạch Thất, Đống Đa (6); Cầu Giấy, Gia Lâm (5); Thanh Oai, Tây Hồ (4); Hoàn Kiếm (3); Phú Xuyên, Mỹ Đức (2); Đan Phượng, Long Biên, Ứng Hòa, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm (1).
250 ca này phân bố tại 12 chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm ho, sốt thứ phát (147); chùm sàng lọc ho, sốt (36); ổ dịch La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba Đình (24); ổ dịch Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (14); ổ dịch Phú La, quận Hà Đông (9); chùm liên quan các tỉnh có dịch (5); chùm liên quan các tỉnh có dịch thứ phát (5); ổ dịch kho hàng Shopee - Khu công nghiệp Đài Tư (5); ổ dịch chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (2); ổ dịch đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy (1); ổ dịch thôn Mới, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ (1); ổ dịch Yên Nội, Đồng Quang, huyện Quốc Oai (1).
Riêng 95 ca cộng đồng được phân bố theo 4 chùm ca bệnh, ổ dịch: Ho, sốt thứ phát (55); sàng lọc ho, sốt (36); liên quan các tỉnh có dịch (3); ổ dịch Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (1) và phân bố tại các quận, huyện: Quốc Oai (16), Thường Tín (9), Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thanh Trì, Thạch Thất, Long Biên (6), Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm (5), Thanh Oai (4), Hà Đông (4), Đông Anh (4), Tây Hồ (3), Đống Đa (3), Hoàn Kiếm (2), Phú Xuyên (2), Gia Lâm (2), Ba Đình (2), Ứng Hòa (1), Mê Linh (1).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4 đến nay) là 8.262 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 3.045 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 5.217 ca.
TP.HCM ban hành hướng dẫn mới chăm sóc F0 tại nhà
TP.HCM đang triển khai cách ly, điều trị cho gần 52.000 bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ tại nhà.
Ngày 23/11, Sở Y tế TP.HCM ban hành Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà, phiên bản 1.6, có cập nhật nhiều lưu ý mới.
Cụ thể, F0 mới là người có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2, có đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà. Các điều kiện này bao gồm: F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ (không suy hô hấp;
Nồng độ oxy trong máu bằng hoặc trên 96% khi thở khí trời; nhịp thở từ 20 lần/phút trở xuống. Nơi cách ly điều trị tại nhà phải không có người già, người mắc bệnh nền, phụ nữ có thai…).
Người bệnh trong độ tuổi từ 1 đến 50, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì.
Tuy nhiên, người có bệnh nền ổn định, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 hoặc 1 mũi đủ 14 ngày, vẫn có thể được xem xét cách ly, điều trị tại nhà.
F0 tại nhà có khả năng tự chăm sóc bản thân; tự dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế khi cần. F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân cần có người trợ giúp.
Trạm y tế xã, phường là đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin về F0 trên địa bàn mình (qua phần mềm quản lý chuỗi lây nhiễm; qua UBND và các tổ chức quần chúng địa phương; do người bệnh tự khai báo…).
Trong vòng 24 giờ sau khi tiếp nhận thông tin, y tế xã, phường phải tiếp cận người bệnh, khảo sát nơi ở, sau đó quyết định F0 có điều trị tại nhà hay không và quyết định cấp gói thuốc A (thuốc tăng cường sức khỏe), gói B (thuốc kháng đông, kháng viêm) hay gói C (thuốc kháng virus).
F0 điều trị tại nhà lưu ý không bi quan, giữ tâm lý thoải mái, giữ liên lạc thường xuyên với nhân viên y tế, nhân viên tư vấn để được giải đáp kịp thời thắc mắc, băn khoăn.
Mỗi ngày đo thân nhiệt, đo nhịp thở, đo nồng độ ô-xy trong máu ít nhất 2 lần hoặc đo khi cảm thấy mệt, khó thở (nếu tự đo được).
Nơi cách ly điều trị nên thông thoáng, không dùng máy lạnh và thường xuyên được vệ sinh khử khuẩn.
Người bệnh phải đeo khẩu trang thường xuyên, rửa tay sát khuẩn; súc miệng nước muối. Thường xuyên tập thở, tập thể dục nâng cao sức khỏe. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống đủ hoặc nhiều nước hơn so với bình thường.
Khai báo y tế ít nhất 1 lần/ngày hoặc khi có triệu chứng bệnh qua ứng dụng “Y tế HCM” hoặc qua phiếu tự theo dõi sức khỏe. F0 hạn chế tiếp xúc trực tiếp người khác và vật nuôi.
F0 điều trị tại nhà cần báo ngay cho nhân viên y tế khi gặp phải một trong các hiện tượng sau: Khó thở hoặc hụt hơi; trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, thở hõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè...
Khi nhịp thở tăng quá 21 lần/phút với người lớn và quá 40 lần/phút với trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi; quá 30 lần/phút với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, cũng cần báo ngay bác sĩ.
Nếu F0 có nồng độ oxy trong máu dưới 96%; mạch nhanh trên 120 nhịp/phút, hoặc dưới 50 nhịp/phút; huyết áp tối đa dưới 90mmHg, huyết áp tối thiểu dưới 60mmHg; thấy đau tắc ngực thường xuyên; lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, trẻ em khóc quấy hoặc li bì khó đánh thức, co giật hoặc sốt trên 38 độ C… phải báo ngay bác sĩ để được trợ giúp kịp thời.
F0 điều trị tại nhà được lấy xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14.
Nếu âm tính, y tế địa phương sẽ báo cáo UBND xã, phường để ra quyết định hết thời gian cách ly điều trị.
Người cùng nhà xét nghiệm khi có triệu chứng bệnh. Nếu F0 trở nặng, tổ phản ứng nhanh địa phương có trách nhiệm vận chuyển cấp cứu kịp thời người bệnh đến cơ sở điều trị phù hợp.
An Giang: 98% ca tử vong do chưa tiêm vắc-xin phòng COVID-19
Theo Sở y tế tỉnh An Giang, ngày 22/11, An Giang ghi nhận thêm 294 trường hợp tử vong do COVID-19 trong tổng số 21.257 người mắc, chiếm tỷ lệ 1,38%.
Qua phân tích cho thấy, độ tuổi trên 50 tuổi, có bệnh lý nền chiếm 85,71%; số người chưa tiêm vắc-xin là 287 người (chiếm tỷ lệ 97,62%), trong đó tiêm 1 mũi 5 người (1,70%), tiêm 2 mũi 2 người (0,68%). Theo đó, những người trên 50 tuổi có bệnh nền, chưa tiêm vắc-xin là đối tượng có nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19.
Bác sỹ Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết thêm: Hiện nay, lượng vắc-xin phòng COVID-19 được phân bổ cho tỉnh An Giang đủ để tiêm bao phủ 100% cho người dân trên 18 tuổi; các đơn vị, địa phương đang triển khai tiêm cho trẻ từ 12 – 18 tuổi. Do đó, tất cả người dân, nhất là những người trên 50 tuổi, có bệnh nền, tiền sử dị ứng hay vì bất kỳ lý do nào khác, không nên ngần ngại, lựa chọn khi tiêm vaccine COVID-19.
Ngành y tế An Giang tiếp tục khuyến cáo: trước tình trạng dịch còn diễn biến phức tạp và khó lường, người dân nên khẩn trương đến Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để được khám sàng lọc, tư vấn và chỉ định tiêm vắc-xin phù hợp để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình trước diễn biến dịch COVID-19.
Cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị
Trong điều trị Covid-19 cho người dân, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định cơ quan này đã cơ bản đảm bảo đủ trong cả 4 giai đoạn dịch.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế cơ quan này đã cơ bản đảm bảo đủ trong cả 4 giai đoạn dịch. |
Với một số loại thuốc thiếu trên quy mô toàn cầu như dịch lọc máu liên tục, Bộ Y tế đã có giải pháp tăng cường nhập khẩu. Trong giai đoạn dịch căng thẳng, số lượng nhập khẩu đã tăng 200%, đồng thời, Bộ Y tế cũng hướng dẫn các cơ sở nghiên cứu, sản xuất sản phẩm này, nên đã giải quyết được việc thiếu cục bộ.
Đặc biệt, với một số liệu pháp mới, thuốc mới có hiệu quả vượt trội trong điều trị bệnh nhân Covid-19 như sử dụng các thuốc kháng virus (Remdesivir, Favipiravir, Molnupiravir), các kháng thể đơn dòng, Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu thành phẩm và nguyên liệu để nghiên cứu và sản xuất, kịp thời phục vụ điều trị và nghiên cứu trong nước.
Tính đến nay, Bộ đã cho nhập 2,2 triệu lọ (khoảng 100 nghìn liều) Remdesivir; 9,5 triệu viên thử lâm sàng Molnupiravir (khoảng 470 nghìn liều) và 2 triệu viên Favipiravir (cao hơn so với nhu cầu của khối điều trị chỉ là 1,3 triệu viên).
Với kháng thể đơn dòng, Bộ Y tế đã cho nhập 109 nghìn hộp Tolicizumab (khoảng 30 nghìn liều); 16,5 nghìn hộp Casirivimab and Imdevimab (khoảng 33 nghìn liều). Riêng các thuốc kháng virus đã được cấp phép và nhập khẩu đủ đáp ứng nhu cầu hiện tại và sẵn sàng dự phòng cho các tình huống dịch.
Thuốc Molnupiravir giúp giảm 50% bệnh nhân Covid-19 nhập viện. Vì thế, để kịp thời cấp phép thuốc Molnupiravir phục vụ điều trị, Bộ Y tế đã trình Chính phủ cơ chế cấp phép đối với thuốc điều trị Covid-19 với việc thừa nhận kết quả thẩm định, cấp phép của nước SRA để cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Ngoài ra, thuốc điều trị Covid-19 sản xuất trong nước tương tự thuốc đã được cấp phép lưu hành tại nước SRA (cùng hoạt chất, dạng bào chế, đường dùng) được cho phép miễn thử nghiệm lâm sàng để cấp phép lưu hành.
Bộ Y tế cũng đã cấp phép để các doanh nghiệp đã nhập 8,95 triệu viên thuốc chứa Molnupiravir (tương ứng 447.400 liều) để thử nghiệm lâm sàng và điều trị thử nghiệm.
Ngoài ra, Bộ còn cấp phép nhập khẩu 10.369,07 kg Molnupiravir cho 39 cơ sở sản xuất trong nước để nghiên cứu sản xuất thuốc. Điều quan trọng là, nếu việc nghiên cứu thành công và được chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ có khoảng 26 triệu viên tương ứng cho 1,3 triệu liều.
Cần Thơ: Ca mắc Covid-19 tăng nhanh, lập 50 đội y tế lưu động
Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, trong ngày 22/11, địa phương này ghi nhận 989 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Số ca nhiễm Covid-19 ở Cần Thơ từ ngày 8/7 đến nay là 18.172 ca.
Trong số ca mắc mới, 433 có ca cách ly tại nhà, 49 ca trong khu cách ly, 338 ca ở khu phong tỏa, 115 ca tầm soát ở cơ sở y tế và 54 ca tầm soát cộng đồng. Trong ngày, có 237 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi lên 9.567 người.
Nhằm hỗ trợ cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 và theo dõi F1 cách ly tại nhà, UBND TP.Cần Thơ vừa ban hành quyết định thành lập 50 đội y tế lưu động. Mỗi đội y tế lưu động sinh viên và bác sĩ của Trường Đại học Y dược Cần Thơ hỗ trợ hoạt động.
Để 50 đội y tế lưu động hoạt động hiệu quả từ đầu, UBND TP.Cần Thơ đề nghị Trường Đại học Y dược Cần Thơ hỗ trợ 200 nhân sự là sinh viên y dược và 10 bác sĩ tham gia hoạt động.
Đội y tế lưu động chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Trung tâm Y tế quận, huyện và thực hiện công tác giám sát theo dõi F1 cách ly y tế tại nhà, F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng ở mức độ nhẹ được quản lý cách ly, điều trị tại nhà trên địa bàn được phân công.
Đội sẽ hỗ trợ trạm y tế trong công tác khám, chữa bệnh, theo dõi sức khỏe, cấp phát thuốc, lấy mẫu xét nghiệm cho F1 và F0 được quản lý cách ly, điều trị tại nhà.
Bên cạnh đó, các đội y tế lưu động còn hỗ trợ trạm y tế phát hiện các trường hợp F0 có dấu hiệu diễn biến nặng để kịp thời phân loại, báo cáo trạm y tế liên hệ với cơ sở thu dung, điều trị để chuyển tuyến người bệnh.
Các đội vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia giám sát, kiểm tra, theo dõi và tuân thủ các quy định trong việc cách ly y tế F1 và quản lý, cách ly điều trị F0 tại nhà.
Bắc Ninh: Tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu
Tỉnh Bắc Ninh đã ra văn bản về việc tạm dừng hoạt động đối với các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ; tạm dừng tổ chức tiệc cưới (mời khách).
Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu dừng hoạt động đối với các dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, phòng tập thể hình, yoga, spa…
Các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ chỉ cho phép bán hàng mang về, không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người đến hết ngày 30/11.
Tạm dừng hoạt động tổ chức tiệc cưới (mời khách) cho đến khi có thông báo mới.
Tỉnh Bắc Ninh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 21h đến 4h sáng hôm sau, trừ các trường hợp: thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về,… (phải có giấy tờ liên quan như: thẻ nhân viên, giấy xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp hoặc giấy tờ chứng minh khác).
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ bắt buộc phải yêu cầu khách hàng quét mã QR, đồng thời phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K; kịp thời phát hiện F0.
Quản lý hiệu quả việc cách ly tại nhà, các cơ sở cách ly tập trung, tuyệt đối không để lây lan trong các khu, điểm cách ly và từ các khu, điểm cách ly ra cộng đồng. Chuẩn bị dự phòng các cơ sở cách ly, điều trị F0 mới không triệu chứng trong trường hợp bùng phát dịch.
Bạc Liêu: Những người chưa tiêm vắc-xin không được ra ngoài
Trước nguy cơ dịch bệnh gia tăng khi số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng liên tục tăng cao, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành quyết định siết chặt một số hoạt động trên địa bàn tỉnh từ ngày 21/11.
Cụ thể, tỉnh Bạc Liêu yêu cầu không tổ chức các hoạt động tập trung trên 10 người kể cả trong nhà và ngoài trời, ngoài phạm vi công sở, cơ sở y tế, điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Mọi người không được ra đường từ 20h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau trừ một số lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, khẩn cấp.
Đối với các cơ sở, quán ăn, uống, nhà hàng chỉ được bán mang về và chỉ được phép hoạt động từ 4h sáng đến 19h hằng ngày; chợ truyền thống, chợ đầu mối phải được phân luồng và kiểm soát chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng thời, chính quyền các xã, phường, thị trấn phát phiếu đi chợ, hoặc các hình thức khác phù hợp cho các hộ gia đình trên địa bàn.
Người dân được đi chợ (hoặc siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng) tối đa 2 lần/tuần khi khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, khi được tiêm đủ 2 liều vắc-xin hoặc khi đã tiêm 1 liều vắc-xin trên 14 ngày.
Người được tiêm 1 liều vắc-xin dưới 14 ngày thì chỉ được đi chợ tối đa 1 lần/tuần. Những người chưa tiêm vắc-xin thì không được đi chợ. Chính quyền cấp xã cấp phát thẻ đi chợ và tổ chức đi chợ hộ hoặc các hình thức khác phù hợp cho người dân trên địa bàn khi có yêu cầu.
Hà Nam ghi nhận thêm 12 F0 liên quan đến ổ dịch cũ tại khu công nghiệp
Tối 22/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam công bố thêm 24 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Trong đó có 10 trường hợp liên quan đến ổ dịch cũ tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II; 2 trường hợp mới ghi nhận tại một doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Đồng Văn III; 3 bệnh nhân chăm người nhà tại Bệnh viện Dã chiến số 1 Lam Hạ và 5 trường hợp trở về từ các địa phương khác.
Luỹ kế kể từ ca bệnh BN687.470 ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP. Phủ Lý vào chiều 19/9 đến nay, Hà Nam ghi nhận 1.276 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã.
Phân tích dịch tễ cho thấy các ca bệnh được phát hiện tập trung chủ yếu ở TP Phủ Lý với 664 trường hợp; huyện Thanh Liêm 126 trường hợp; huyện Kim Bảng 54 trường hợp; Bình Lục 52 trường hợp; huyện Lý Nhân 31 trường hợp và huyện Duy Tiên 40 trường hợp.
Ngoài ra, có 181 ca bệnh ghi nhận trong khu công nghiệp và 108 F0 phát hiện tại các công ty, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.
Vĩnh Phúc thí điểm điều trị F0, cách ly F1 tại nhà riêng
Từ ngày 22/11, tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu triển khai thí điểm điều trị F0; cách ly F1 tại nhà riêng hoặc các khu vực mà người bị cách ly lựa chọn (nhà riêng, nhà văn hóa, nhà dân thuê...) theo quy định của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành y tế.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các địa phương phải ứng phó linh hoạt, sáng tạo, kịp thời thông qua việc thích ứng với từng trường hợp cụ thể, từng ổ dịch cụ thể, phải có các biện pháp linh hoạt ứng phó kịp thời để bảo đảm nhanh nhất, kịp thời tách F0 ra khỏi cộng đồng, bảo đảm an toàn cho người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh xác định chuyển trạng thái từ kiểm soát bằng mệnh lệnh hành chính, giới nghiêm, cấm, dừng hoạt động, sang trạng thái tuân thủ tự giác, tự nguyện, tự kiểm soát, kiểm tra theo cơ chế xác suất và xử lý nghiêm các vi phạm.
Chuyển từ kiểm soát phân vùng theo địa giới hành chính (lập chốt chặn) sang hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, xác lập cơ chế tự kiểm soát tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong từng gia đình.
Các tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải triển khai xét nghiệm sàng lọc tầm soát SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên định kỳ ít nhất 3-5% hằng tuần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tăng tỷ lệ xét nghiệm khi xuất hiện các nguy cơ cao hơn.
Các cơ quan, đơn vị hoàn thiện ngay tủ thuốc và nội quy phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị. Bảo đảm sẵn sàng cơ số kit test nhanh kháng nguyên để kiểm soát dịch bệnh tại cơ quan mình.
Các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tự thành lập tủ thuốc thiết yếu phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ động tự thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên định kỳ hằng tuần hoặc ngay khi ra/vào tỉnh, khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao để tự bảo vệ bản thân, gia đình mình.
Nếu xuất hiện F0 trên địa bàn, chậm nhất sau 2 giờ phải đưa ngay vào cơ sở điều trị. Chậm nhất sau 24 giờ phải rà soát toàn bộ khu vực có liên quan, tách các F0 khác (nếu có) ra khỏi cộng đồng; chậm nhất sau 72 giờ đưa địa phương trở về trạng thái bình thường mới.
Thực hiện nghiêm 4 tại chỗ: thẩm quyền tại chỗ, nhân lực tại chỗ, phương tiện tại chỗ, gắn trách nhiệm tại chỗ.
Chủ tịch UBND/Trưởng ban chỉ đạo cấp huyện được toàn quyền quyết định các vấn đề xử lý cục bộ, nội bộ tại địa phương theo quy định (cho dừng học, cho dừng hoạt động, khoanh vùng, quyết định người đi cách ly y tế tập trung, cách ly y tế tại nhà...) bằng các biện pháp cấp bách, tạm thời phù hợp trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó phải nhanh chóng khôi phục trạng thái “bình thường mới” trong thời gian sớm nhất.
Ngày 22/11, theo báo cáo của tỉnh, có thêm 76 ca mắc mới. Hiện nay, toàn tỉnh có 5 xã, thị trấn bị phong tỏa, cách ly y tế. Đó là xã Bồ Sao và xã Lũng Hòa, thị trấn Thổ Tang của huyện Vĩnh Tường; xã Trung Kiên của huyện Yên Lạc; xã Bạch Lưu của huyện Sông Lô. Tỉnh đã quyết định kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 2, triển khai thu dung, điều trị bệnh nhân.