Tăng 472 ca mắc sau 24h
Tính từ 17h ngày 27/10 đến 17h ngày 28/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.892 ca nhiễm mới, gồm 4.876 ca trong nước và 16 ca nhập cảnh (tăng 472 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố với 1.980 ca cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bạc Liêu (-242), Đắk Lắk (-174), TP.HCM (-71).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (+246), Hà Giang (+165), Bình Dương (+97).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 905.477 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.193 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 900.669 ca, trong đó, 811.146 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (429.082), Bình Dương (231.024), Đồng Nai (63.715), Long An (34.541), Tiền Giang (16.124).
Theo Hệ thống Quản lý Covid-19 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, trong ngày 28/10, 1.649 F0 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số điều trị khỏi lên 813.963.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.687 ca, chủ yếu cần thở oxy qua mặt nạ. 20 bệnh nhân được can thiệp ECMO.
Từ 17h ngày 27/10 đến 17h30 ngày 28/10, số ca tử vong trên cả nước là 54 trường hợp, không thay đổi so với một ngày trước đó.
Các bệnh nhân tử vong được ghi nhận tại TP.HCM (25), Bình Dương (6), Tiền Giang (4), Long An (4), Tây Ninh (4), Đồng Nai (3), Sóc Trăng (2), Kiên Giang (1), Cần Thơ (1), Đắk Lắk (1), Bạc Liêu (1), An Giang (1), Ninh Thuận (1).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.910 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 60 ca.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua, ngành Y tế đã thực hiện 116.209 xét nghiệm cho 201.090 lượt người.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay là 21.900.217 mẫu cho 59.785.860 lượt người.
Trong ngày 28/10, nước ta đã tiêm được 1.170.967 liều vắc-xin Covid-19. Như vậy, tổng số liều vắc-xin Covid-19 được tiêm là 77.145.612 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 54.520.772 liều, tiêm mũi 2 là 22.624.840 liều.
Hà Nội: 33 ca mắc, trong đó có 11 ca tại cộng đồng
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 27/10 đến 18h ngày 28/10, trên địa bàn thành phố ghi nhận 33 ca dương tính với virus SARS-Cov-2, trong đó có 11 ca tại cộng đồng, 11 ca tại khu cách ly và 11 ca tại khu phong tỏa.
Các bệnh nhân này phân bố tại 10 quận, huyện: Quốc Oai (12), Mê Linh (9), Hoàng Mai (3), Đống Đa (2), Nam Từ Liêm (2), Long Biên (1), Đông Anh (1), Gia Lâm (1), Bắc Từ Liêm (1), Hà Đông (1) và phân bố theo các chùm ca bệnh.
Chùm liên quan ổ dịch tại huyện Quốc Oai (13); chùm liên quan ổ dịch tại thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh (9); chùm liên quan ổ dịch Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (5); chùm ho, sốt thứ phát (5); chùm liên quan đến các tỉnh có dịch (1).
Như vậy, tính từ ngày 24/10 đến nay, ổ dịch này đã ghi nhận 50 ca dương tính được phân bố tại 5 quận, huyện: Quốc Oai (37), Thanh Oai (6), Hà Đông (5), Sơn Tây (1) và Ba Đình (1).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4 đến nay) là 4.264 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.669 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.595 ca.
Ngày 28/10, TP.HCM ban hành hướng dẫn mới sẽ không phong tỏa khu phố theo quy mô lớn mà chỉ khoanh vùng phạm vi gia đình nơi F0 sinh sống.
Việc triển khai tiêm vắc-xin Pfizer cho trẻ cũng đang được đẩy nhanh tại TP.HCM. Sau một ngày, gần 40.000 trẻ đã được tiêm, đạt tiến độ 5%.
Từ ngày 27/10, TP.HCM cũng đã cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được phục vụ khách ăn tại chỗ tới 21h và không bán, không phục vụ đồ uống có cồn, trừ quận 7 và TP.Thủ Đức. Việc thí điểm bán thức uống có cồn ở TP.Thủ Đức và quận 7 không đồng nghĩa tất cả hàng quán ở 2 địa phương được mở bán, mà tùy vào thực tế, chính quyền địa phương quyết định.
Thông tin về ca mắc mới ở Hải Dương
Theo Báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương, trong ngày hôm nay (28/10), trên địa bàn ghi nhận 1 trường hợp sinh năm 1980 (nam, trú tại thôn Thủ Pháp, xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện) dương tính với SARS-CoV-2. Đáng chú ý, công dân này trở về từ vùng dịch TP.HCM và đã được cách ly từ trước.
Qua điều tra của cơ quan chức năng xác định, ngày 25/10 công dân đi từ vùng dịch TP.HCM về quê.
Ngay trong đêm cùng ngày, cả gia đình ca dương tính được đưa đi cách ly tập trung tại trường mần non Xã Đoàn Kết và ở phòng riêng, không tiếp xúc với ai trong khu cách ly.
Vào sáng 27/10, công dân được lấy mẫu xét nghiệm chụm tại Trạm Y tế xã Đoàn Kết và có kết quả nghi ngờ.
Tiếp đó, nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm tiếp tục làm xét nghiệm và hôm nay cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Cũng theo ngành Y tế Hải Dương, trong ngày hôm nay tại ổ dịch huyện Bình Giang không ghi nhận ca mắc mới.
Các đơn vị đã điều tra, giám sát lấy mẫu 14 F1 cho kết quả xét nghiệm âm tính. Tại ổ dịch xã Minh Hoà (thị xã Kinh Môn), thị trấn Nam Sách và các ổ dịch cũ không ghi nhận ca mắc mới.
Đến chiều nay (28/10), Hải Dương còn 11 bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, có 3 trường hợp được điều trị khỏi về nhà và 318 trường hợp F1 cách ly tập trung.
Đồng loạt tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ tại TP.HCM
Trước đó, ngày 27/10, TP.HCM đã tổ chức tiêm vắc-xin cho khoảng 1.800 học sinh nhóm tuổi 16 - 17 tại huyện Củ Chi và quận 1. Trong đó, 1.500 học sinh Củ Chi tiêm buổi sáng và 300 học sinh quận 1 tiêm buổi chiều.
Để tiêm chủng an toàn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đưa ra những lưu ý để các bậc phụ huynh và học sinh lưu ý. |
Theo thống kê, TP.HCM có 980.000 em từ 12-17 tuổi dự kiến được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian tới. Qua khảo sát, có 92,13% phụ huynh, người giám hộ đồng ý cho các em tiêm vắc xin.
Để tiêm chủng an toàn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đưa ra những lưu ý để các bậc phụ huynh và học sinh lưu ý.
Theo đó, trước khi tiêm, trẻ em cần được giải thích để hiểu tầm quan trọng của tiêm vắc xin. Trẻ nên mặc áo ngắn tay hay áo dễ lộ cánh tay khi đi tiêm. Phụ huynh mang đầy đủ giấy tờ cần thiết theo quy định đến điểm tiêm và khai báo y tế trước khi đi tiêm.
Trong suốt quá trình tiêm, phụ huynh cần an ủi trẻ. Ngoài ra, để ngăn ngừa ngất xỉu và các chấn thương liên quan đến ngất xỉu, trẻ nên được ngồi hoặc nằm trong khi tiêm và trong 15 phút sau khi tiêm vắc xin.
Sau khi tiêm, phụ huynh và học sinh cần ở lại trong 15-30 phút để có thể quan sát trẻ trong trường hợp trẻ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức.
Khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, trẻ có thể bị một số tác dụng phụ, đó là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể trẻ đang xây dựng lớp bảo vệ và sẽ biến mất sau vài ngày.
Cụ thể, tại các vị trí tiêm có hiện tượng đau, đỏ, sưng. Toàn thân có thể mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn.
Phụ huynh có thể dùng những loại thuốc giảm đau để giảm bớt tác dụng phụ ở trẻ nếu không có chống chỉ định nào khác. Ngoài ra, phụ huynh có thể làm giảm đau và khó chịu nơi vị trí tiêm cho trẻ bằng cách đắp khăn sạch, mát và ướt lên vị trí này, kèm vận động cánh tay trẻ nhẹ nhàng. Cần cho trẻ uống nhiều nước và ăn mặc thoáng.
Đặc biệt, theo dõi trẻ nếu thấy có vết đỏ hoặc vết thương nơi tiêm trở nên nặng hơn sau 24 giờ hoặc nếu các tác dụng phụ ở trẻ khiến phụ huynh lo lắng hoặc dường như không biến mất sau một vài ngày thì cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Hà Nam xuất hiện ổ dịch mới
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam xác định, ca mắc Covid-19 mới đã tiếp xúc với nhiều người trong đám ma ở xã Trung Lương, huyện Bình Lục.
Theo đại diện CDC tỉnh Hà Nam, những ngày qua, trên địa bàn phát hiện thêm một số ổ dịch mới với 10 ca mắc Covid-19 cộng đồng.
Qua công tác truy vết xác định, trong ngày 20 và 21/10, 2 F0 ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm đã đến một đám ma ở xã Trung Lương, huyện Bình Lục.
Tại đây, họ đã tiếp xúc gần với ông Đ.N.L (sinh năm 1958, xã Trung Lương). Ngày 25/10, 2 người ở thị trấn Kiện Khê có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Ngày 26/10, ông Đ.N.L đã đi khám và xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho kết quả dương tính. Sau đó, Trung tâm y tế huyện Bình Lục đã lấy mẫu xét nghiệm PCR cho ông Đ.N.L cùng những người liên quan.
Đêm 26/10, CDC Hà Nam đã thông báo hai vợ chồng ông L cùng một người thợ làm việc trong xưởng mộc với ông L trên địa bàn xã Trung Lương có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay trong đêm 26/10 và sáng 27/10, lực lượng y tế đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện Bình Lục tổ chức truy vết nhanh, lấy mẫu, khoanh vùng tạm thời phong tỏa hẹp nhằm kiểm soát dịch, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Hơn 1.500 mẫu bệnh phẩm được lấy để xét nghiệm, thực hiện mục tiêu tầm soát nhanh, khống chế ổ dịch
Theo CDC Hà Nam, kể từ ca bệnh bệnh nhân 687.470 ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP. Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều 19/9 đến chiều 27/10, toàn tỉnh ghi nhận 878 ca mắc COVID-19.
Hiện Hà Nam còn 1.545 trường hợp F1 đang cách ly y tế (trong đó 333 người cách ly tập trung và 1.212 người cách ly tại nhà).