Cả nước có 699 ca Covid-19 mới
Tính từ 16h ngày 17/6 đến 16h ngày 18/6, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 699 ca nhiễm mới đều ở trong nước tại 36 tỉnh, thành phố, có 509 ca trong cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Thừa Thiên Huế (-17), Phú Thọ (-14), Vĩnh Phúc (-12). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (+21), Hồ Chí Minh (+15), Nghệ An (+11).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 729 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.737.107 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.426 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.729.341 ca, trong đó có 9.594.558 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.603.801), TP. Hồ Chí Minh (609.814), Nghệ An (485.265), Bắc Giang (387.675), Bình Dương (383.794).
5.889 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.597.375 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 55 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 47 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; thở máy không xâm lấn: 2 ca; thở máy xâm lấn: 3 ca; ECMO: 0 ca
Từ 17h30 ngày 17/6 đến 17h30 ngày 18/6 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.083 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49, tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.514.123 mẫu tương đương 85.823.796 lượt người. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 225.255.875 liều.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 201.966.884 liều: Mũi 1 là 71.488.967 liều; Mũi 2 là 68.831.884 liều; Mũi 3 là 1.508.271 liều; Mũi bổ sung là 14.968.006 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 43.450.365 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 1.719.391 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.514.225 liều: Mũi 1 là 8.953.920 liều; Mũi 2 là 8.560.305 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 5.774.766 liều: Mũi 1 là 4.975.443 liều; Mũi 2 là 799.323 liều.
Cần thiết mũi vắc-xin tăng cường?
Các chuyên gia y tế Australia kêu gọi người dân đi tiêm mũi vắc-xin tăng cường phòng Covid-19 để đối phó với biến thể phụ BA.5 của Omicron. Số ca nhiễm biến thể BA.5 ở Australia tăng mạnh từ đầu tháng 6 này.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 - 2023. |
Bộ Y tế Tây Ban Nha cũng thông báo kế hoạch tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 thứ 4 cho toàn dân, dự kiến vào cuối năm nay. Tây Ban Nha đã triển khai tiêm mũi vắc-xin thứ 4 cho nhóm người cao tuổi và người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm.
Tại Đức, các chuyên gia cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới vào mùa hè này, nhất là tại các viện dưỡng lão.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các biến thể phụ của Omicron ngày càng trở nên phổ biến tại Đức, song hầu hết các biện pháp phòng dịch đã được dỡ bỏ.
Theo Viện Robert Koch (RKI), trong một tuần qua, biến thể phụ BA.5 chiếm 24% số các mẫu bệnh phẩm dương tính với Covid-19, tăng gấp đôi so với tuần trước đó.
Hiện theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay số mắc Covid-19, ca tử vong vẫn tiếp tục tăng ở khu vực châu Mỹ và số tử vong tiếp tục gia tăng ở khu vực Tây Thái Bình Dương, châu Phi.
Tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tác động hậu Covid-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ; hơn nữa miễn dịch do tiêm vắc-xin phòng bệnh và miễn dịch mắc phải không bền vững, các biến thể mới, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn có thể tiếp tục xuất hiện trên thế giới.
Tại Việt Nam, số mắc Covid-19 trong thời gian qua có xu hướng giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay, số mắc mới mỗi ngày hiện còn khoảng 600 - 700 ca mỗi ngày (thấp nhất gần 12 tháng qua), nhưng số mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố.
Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay.
Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2... có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc Covid-19 trong thời gian tới.
Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc-xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng. Xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 - 2023.
Tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo đảm hoàn thành tiêm mũi 3 cho người cần tiêm và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022.
Bộ Y tế thường xuyên ban hành các Công điện gửi các tỉnh, thành phố về tăng cường công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Cà Mau phát động tuần lễ cao điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Lãnh đạo ngành Y tế Cà Mau kêu gọi tất cả các công dân đang sinh sống, lao động, học tập… trên địa bàn tỉnh tiếp tục tham gia tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại để luôn giữ đủ lượng kháng thể nhằm chống lại sự xâm nhập của virus Covid-19.
Đó là việc làm rất cần thiết, đặc biệt đối với những ai chưa tiêm đủ thì nên tiêm đủ, những ai đã trì hoãn việc tiêm (nhất là người già, người mắc bệnh nền) thì nên đi tiêm lại nhằm bảo đảm điều kiện sức khoẻ.
Trước đó, chiều 16/6, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn chỉ đạo tổ chức đợt cao điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Theo chỉ đạo trên, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị thực hiện việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhất là tiêm liều nhắc lại lần 1 và lần 2.
Chính quyền các địa phương trong tỉnh Cà Mau chỉ đạo xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho đến hết tháng 6, bảo đảm tiêm đạt cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm liều nhắc lại lần 1 và lần 2 đạt tỷ lệ theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 114/TB-VPCP, ngày 15/4/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Những địa phương nào trong tỉnh triển khai không nghiêm túc việc tiêm vắc-xin trên địa bàn, còn đối tượng tiêm (kể cả liều bổ sung, liều nhắc lại) nhưng để tồn đọng vắc-xin, để vắc-xin hết hạn sử dụng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Chính quyền cấp xã chủ động rà soát tất cả các đối tượng trên địa bàn quản lý để tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19, bảo đảm không để sót người chưa được tiêm theo quy định, kể cả việc tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại.
Theo số liệu từ Sở Y tế Cà Mau, toàn tỉnh hiện có hơn 99,43% người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm mũi 2. Tuy nhiên, tỷ lệ người tiêm mũi nhắc lại lần 1, lần 2 (tức mũi 3, mũi 4) và tỷ lệ tiêm trong độ tuổi từ 5-11 tuổi còn khá thấp.
Cụ thể, mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho người 18 tuổi trở lên mới đạt 36,05% và mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) chỉ đạt 2,94%; tỷ lệ trẻ từ 5-11 tuổi tiêm 1 mũi chiếm 48,09% và tiêm mũi 2 chỉ đạt 12,3%