Nguy cơ bùng phát các đợt dịch tại Hà Nội
Dù đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, khống chế sự lây lan của sốt xuất huyết từ rất sớm nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này trên địa bàn Hà Nội vẫn đối mặt với không ít khó khăn.
Ảnh minh hoạ |
Bác sĩ Vương Trương Trọng, Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng. 6 tháng đầu năm nay, khoa tiếp nhận 98 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó riêng tháng 6-2023 có hơn 10 ca.
Tuy nhiên, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 7/2023 đã ghi nhận tới 7 ca bệnh phải nhập viện điều trị. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết hiện nay của Hà Nội nắng nóng và mưa nhiều sẽ tạo điều kiện để muỗi sinh sôi, phát triển và nguy cơ bùng phát dịch nếu không dự phòng tốt.
Tương tự, thời điểm hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương có khoảng 30 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị nội trú.
Đáng lưu ý, gần 2 tuần trở lại đây, số ca mắc có xu hướng gia tăng, trong đó, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng.
Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cảnh báo, sốt xuất huyết có nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
Do đó, người dân chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà và khi đến bệnh viện đã trong tình trạng nặng. Một người có thể mắc sốt xuất huyết 2 lần với 2 type khác nhau trong một mùa dịch. Do đó, người đã từng mắc bệnh tuyệt đối không được chủ quan.
Đánh giá về tình hình dịch sốt xuất huyết trong năm nay, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương), thống kê sơ bộ 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 ca sốt xuất huyết, trong đó có 8 ca tử vong.
So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tuy giảm, song đáng lưu ý là tại khu vực miền Bắc, dịch bệnh có dấu hiệu phức tạp hơn, đặc biệt là Hà Nội - nơi đang đối mặt với nguy cơ là “điểm nóng” về sốt xuất huyết...
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nếu như cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2023, trên địa bàn thành phố ghi nhận từ 130 đến 170 ca sốt xuất huyết/tuần thì đến giữa tháng 7 đã tăng gấp khoảng 2 lần (với 290 ca/tuần).
Ngoài ra, ổ dịch cũng tăng gấp 3 lần, từ 7 ổ dịch mới trong tuần 27 (từ ngày 30/6 đến 7/7) đã tăng lên 22 ổ dịch trong tuần 28 (từ ngày 7 đến 14-7).
Từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố Hà Nội có tổng số 1.114 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong (số mắc tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 72 ổ dịch sốt xuất huyết.
Hiện còn 27 ổ dịch, trong đó ổ dịch có nhiều bệnh nhân nhất với 160 người là xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất; tiếp đến là thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín với 24 bệnh nhân; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất có 29 bệnh nhân…
Kết quả kiểm tra, giám sát tại các ổ dịch cho thấy một số tồn tại như xử lý ổ dịch muộn, chưa triệt để, chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tỷ lệ phun hóa chất chưa đạt yêu cầu...
Đặc biệt, ở những khu vực có mật độ dân cư đông, nhiều khu nhà trọ, ý thức phòng, chống dịch của người dân chưa cao.
Cảnh báo nguy cơ đau tim và tử vong do thời tiết
Ngày 18/7, Tổ chức Khí tượng thế giới cảnh báo đợt nắng nóng bao trùm Bắc Bán cầu sẽ tăng cường trong tuần này, khiến nhiệt độ ban đêm gia tăng và kéo theo nguy cơ đau tim và tử vong cao.
Trong thông báo chính thức, WMO cho biết nhiệt độ tại Bắc Mỹ, châu Á, Bắc Phi và Địa Trung Hải sẽ vượt ngưỡng 40oC và duy trì trong những ngày tiếp theo.
Theo WMO, nhiệt độ tối thiểu vào ban đêm cũng sẽ đạt mức kỷ lục cao mới, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca lên cơn đau tim và tử vong.
Tổ chức này cho biết đa số lo ngại dồn vào ban ngày khi nhiệt độ lên đến mức tối đa, song thực tế ban đêm mới là khoảng thời gian tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe, đặc biệt là với nhóm những người dễ bị tổn thương.
Trước đó, hôm 17/7, Liên hợp quốc thông báo mức nhiệt 48,8oC ghi nhận trên đảo Sicily của Italy ngày 11/8/2021 là mức nhiệt cao kỷ lục mới ở châu Âu, trong khi Trung Quốc cũng thông báo mức nhiệt cao kỷ lục vào giữa tháng 7 ở khu vực Tây Bắc nước này - nơi nhiệt độ lên tới 52,2oC ở làng Sanbao, thuộc Khu tự trị Tân Cương.
Nhiệt độ đo được ở Thung lũng Chết, bang California - một trong những khu vực nóng nhất trên thế giới, trong chiều 16/7 đã lên tới gần mức kỷ lục 52oC.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh, thời tiết cực đoan đang tác động mạnh đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước. Điều này càng khẳng định tính cấp thiết của việc nhanh chóng cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ứng dụng hệ thống cảnh báo thần kinh trong phẫu thuật u não xâm lấn phức tạp
Bệnh nhân là ông Tô Ngọc Q. (65 tuổi, trú tại phường Cao Thắng, Hạ Long). Khoảng 6 tháng trước đây, ông Q. xuất hiện tình trạng đau đầu, chóng mặt, ù tai và được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thăm khám.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, bệnh nhân Q. có khối u ở góc cầu tiểu não bên trái, kích thước 3x4cm. Nhận định đây là ca u não khó và phức tạp do khối u vị trí góc tiểu cầu não trái chèn ép, xâm lấn vào các vùng chức năng và dây thần kinh quan trọng, trong đó có dây thần kinh số 7 và số 8 (dây thần kinh liên quan đến giác quan và vận động).
Kỹ thuật này đòi hỏi kỹ thuật cực khó bởi u xâm lấn các dây thần kinh không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chỉ cần sơ suất nhỏ là có thể gây tổn thương, nguy cơ biến chứng cao.
Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống đã hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quyết định phẫu thuật bóc tách u góc tiểu cầu kết hợp ứng dụng hệ thống cảnh báo thần kinh trong mổ tiên tiến. Sau khi được bác sĩ tư vấn, bệnh nhân và gia đình đã đồng ý phẫu thuật.
Với sự hỗ trợ của chuyên gia đầu ngành tuyến trung ương, kíp bác sĩ khoa Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống phối hợp với khoa Gây mê hồi sức tiến hành mở xương xọ, màng cứng, sau đó sử dụng kính vi phẫu phẫu tích đi vào khối u góc cầu tiểu não trái.
Dưới sự hỗ trợ của hệ thống định vị dẫn đường Navigation và hệ thống cảnh báo thần kinh, phẫu thuật viên khéo léo lấy khối u ra ngoài an toàn, bảo tồn nguyên vẹn vùng não lành và dây thần kinh quan trọng. Với nỗ lực của toàn bộ ê-kíp, cuộc mổ diễn ra thuận lợi, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Sau mổ, bệnh nhân tiến triển tích cực, tỉnh táo, không nôn, đau ít vết mổ và đã vận động nhẹ nhàng. BS.CKII Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, khối u góc tiểu cầu não trái của bệnh nhân Q. có kích thước tương đối lớn, chèn ép vào dây thần kinh số 7, số 8 nên việc phẫu thuật bóc tách u vô cùng phức tạp.
Trước đây, những trường hợp như của bệnh nhân Q. tỷ lệ di chứng sau mổ rất cao, nhiều người lựa chọn ra nước ngoài phẫu thuật.
Hiện nay với sự hỗ trợ đắc lực của các trang thiết bị hiện đại như hệ thống máy định vị thần kinh, cảnh báo phẫu thuật thần kinh, một số bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương đã triển khai cho kết quả tốt, bệnh nhân hầu như không bị di chứng thần kinh sau mổ.
Vì vậy, Khoa Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống đã quyết định thực hiện cuộc mổ lấy u góc tiểu cầu não xâm lấn phức tạp với sự hỗ trợ của hệ thống cảnh báo thần kinh hiện đại.
Để thực hiện phẫu thuật lấy u não cho bệnh nhân Q., ngoài kính vi phẫu và hệ thống định vị Navigation, Bệnh viện còn sử dụng hệ thống cảnh báo thần kinh trong mổ tiên tiến nhất hiện nay.
Thiết bị này có nhiều ưu điểm vượt trội, hệ thống sẽ cảnh báo bằng tín hiệu nếu phẫu thuật viên trong quá trình bóc tách u tiến sát hay chạm phải dây thần kinh số 7 và số 8, giúp kíp mổ không phạm phải 2 dây thần kinh này trong suốt cuộc mổ diễn ra, nhờ đó sẽ đảm bảo cuộc mổ an toàn, hạn chế những biến chứng nguy hiểm, người bệnh mau phục hồi.
Hệ thống cảnh báo thần kinh trong mổ là một thiết bị công nghệ hiện đại, giúp phẫu thuật viên kiểm soát chặt chẽ đường đi của dụng cụ mổ, thăm dò cảnh báo khi đến vùng giáp ranh nguy hiểm thông qua hệ thống phản hồi tín hiệu theo thời gian thực trong suốt quá trình mổ diễn ra, qua đó sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ va chạm dẫn tới tổn thương dây thần kinh quan trọng.
Khi các dây thần kinh bị kích thích bởi các tác động ngoại lực, hệ thống này sẽ phát các tín hiệu cảnh báo ở các mức độ khác nhau để phẫu thuật viên kịp thời định hướng lại đường mổ trong quá trình bóc tách u.
Việc đưa vào sử dụng các thiết bị công nghệ thế hệ mới, ưu việt như hệ thống cảnh báo thần kinh đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, hạn chế tối đa tổn thương thần kinh sau phẫu thuật lấy u não, giúp cuộc mổ chính xác và an toàn, bệnh nhân hồi phục nhanh, ít biến chứng, qua đó cải thiện đáng kể chất lượng điều trị người bệnh.