Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 21/2: Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân
D.Ngân - 21/02/2023 09:31
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương vừa đến thăm và làm việc với Bộ Y tế nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2023).

Tại buổi làm việc, đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành y tế trong thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Cùng với sự phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh tới xã phường, thôn bản, bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người dân.

Lĩnh vực y tế dự phòng ngày càng phát triển, ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm…, Công tác an toàn thực phẩm được nâng cao, các chỉ số sức khỏe của người dân đã được nâng lên rõ rệt và cao hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập.

Chất lượng dân số từng bước được cải thiện. Từng người dân, từ người yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… đều được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ y tế.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương vừa đến thăm và làm việc với Bộ Y tế nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2023)

Cũng theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Đại dịch Covid-19 vừa qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến toàn ngành Y tế và từng y, bác sỹ và mỗi người dân.

Trong những thời điểm gian nan, chúng ta đã chứng kiến nghĩa cử cao đẹp, đức hy sinh, trái tim nhiệt huyết, sự tỏa sáng từ tấm lòng nhân ái của đội ngũ y bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế không ngại hy sinh gian khổ, dấn thân đi vào tâm dịch tiếp xúc với những mối nguy hiểm, nhận về mình rủi ro, hết lòng phục vụ, chăm sóc người dân trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến…, trong số đó có nhiều y, bác sỹ, nhân viên y tế đã hy sinh, mãi mãi không trở về…

Trước thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua của ngành y tế, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh những khó khăn, thách thức trong thời gian tới sẽ còn nhiều, ông cho biết: Ngành y tế trong thời gian tới cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như đại dịch Covid-19 được dự báo vẫn có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, diễn biến phức tạp, khó lường hơn; sự xuất hiện, gia tăng của một số dịch bệnh mới nổi, đặt ra những yêu cầu mới về kiểm soát dịch bệnh.

Nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ngày càng cao, tạo sức ép lớn đối với việc cung cấp dịch vụ y tế; chi phí cho chăm sóc sức khoẻ ngày càng nhiều, trong khi nguồn lực của đất nước vẫn còn hạn hẹp, đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Những khó khăn như vậy cũng là cơ hội khẳng định những giá trị trân quý của nghề chữa bệnh cứu người, là dịp để ngành Y tế nhận diện thấu đáo thực trạng, xem xét toàn diện thách thức để xây dựng cho được những giải pháp dài hạn, thúc đẩy ngành có những bước phát triển mới.

Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt, làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên giáo dục y đức cho cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động trong ngành Y tế; Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, tiếp cận và làm chủ kỹ thuật tiến tiến, bảo đảm yêu cầu phát triển của ngành Y tế.

Ngoài ra, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế, tăng cường hợp tác công tư trong đầu tư cho sự nghiệp y tế. Tạo điều kiện cho mỗi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất; Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế giai đoạn 2021- 2025, theo Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; tăng cường công tác dự báo, trao đổi thông tin nhằm làm rõ và đề xuất các giải pháp giải quyết những vấn đề bất cập, nổi cộm trong lĩnh vực y tế....

Hà Nội triển khai thực hiện Đề án mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 597/KH-SYT về triển khai thực hiện Đề án mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Theo đó, Đề án mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh đưa ra các chỉ tiêu năm 2023. Cụ thể, tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 50%; Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát từ 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến trở lên (hội chứng Down, hội chứng Patau, sàng lọc Thalassemia) đạt 83%;

Sàng lọc Thalassemia cho đối tượng học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông; ưu tiên cho các xã thuộc huyện có đồng bào dân tộc thiểu số (trung bình khoảng ít nhất 5.000 ca/năm); Nâng cao chất lượng hoạt động, ứng dụng các kỹ thuật mới trong sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Các hoạt động chủ yếu, bao gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đối tượng, nâng cao nhận thức về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn trong toàn thành phố; tiếp tục nâng cao năng lực và quản lý, giám sát đánh giá đề án, trong đó có việc tổ chức giao ban định kỳ hàng quý nhằm đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu sàng lọc trước sinh, sơ sinh và kịp thời tháo gỡ những khó khăn và đưa ra giải pháp triển khai thực hiên của quý tiếp theo. Phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục triển khai thực hiện nội dung về sáng lọc trước sinh, sơ sinh. Tổ chức kiểm tra, giám sát tại các đơn vị nhằm đánh giá tình hình quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động sàng lọc trươc sinh và sơ sinh tại cơ sở.

Đồng thời, đảm bảo cung cấp đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm và vật tư tiêu hao phục vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Sàng lọc Thalassemia cho học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông ở các huyện còn khó khăn. Các hoạt động chuyên môn kỹ thuật và quy trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

Các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế triển khai tư vấn, thực hiện kỹ thuật siêu âm, các xét nghiệm thường quy về sàng lọc trước sinh để phát hiện các dấu hiêu nguy cơ và các bất thường về hình thái và cấu trúc thai nhi để chuyển tuyến lên trên; Tư vấn, thực hiện lấy mẫu máu gót chân của trẻ sơ sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế để chuyển đến Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tư vấn thực hiện sàng lọc khiếm thính. Các đơn vị được cấp máy đo độ bão hòa oxy qua da chủ động triển khai sàng lọc tim bẩm sinh cho trẻ sơ sinh ngay từ đầu năm; Tư vấn, hướng dẫn và điều trị theo phân tuyến cho các trường hợp dương tính, bị bệnh thông qua sàng lọc trước sinh, sơ sinh.

Đối với các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tham mưu, chỉ đạo hoạt động tư vấn, thực hiện lấy mẫu máu gót chân của trẻ sơ sinh trên địa bàn đối với trẻ tại trạm y tế và tuyến trên chưa được lấy mẫu máu gót chân để chuyển đến Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh của thành phố và khu vực; hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Thống kê, quản lý, theo dõi, tư vấn và cập nhật tình hình các đối tượng nguy cơ cao, đối tượng có kết quả dương tính và điều trị tại cộng đồng.

Tin liên quan
Tin khác