Chủ quan với những vết xước nhỏ
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua (từ 11 đến 18/8), trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm 3 bệnh nhân mắc uốn ván chỉ vì chủ quan với những vết xước nhỏ.
Ảnh minh hoạ. |
Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân 65 tuổi, ở huyện Ba Vì, Hà Nội. Bệnh nhân va phải cạnh bê tông cứng dưới ruộng bùn và bị thương ở gan bàn chân phải, sưng nề, tự rửa vết thương và uống kháng sinh nhưng không tiêm phòng uốn ván.
Sau vài ngày, ông này thấy đau nhức nhiều tại vết thương, cứng nhẹ cơ hàm, nói khó, ăn uống kém, đi khám tại Bệnh viện Quân y 105 và được chẩn đoán uốn ván. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị.
Ca thứ hai là nam bệnh nhân 50 tuổi, cũng ở huyện Ba Vì. Bệnh nhân va vào đinh sắt ở chuồng thỏ và bị xước da, chảy máu vùng mu bàn tay phải nhưng không tiêm phòng uốn ván.
Sau khi xuất hiện cứng hàm, mỏi miệng, nuốt sặc, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán mắc uốn ván.
Ca thứ ba là nữ bệnh nhân 77 tuổi, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Trước khi vào viện 7 ngày, trong khi di chuyển trên mặt đường, bệnh nhân bị vấp và một ngón chân quệt xuống mặt đường. Vết thương ở ngón chân sưng lên nhưng bệnh nhân không tiêm phòng uốn ván.
Sau đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng cứng hàm, khó há miệng, ăn uống rơi vãi..., được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán mắc uốn ván.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 18 trường hợp mắc uốn ván, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2022, trong đó có 2 ca tử vong.
Theo các bác sĩ, uốn ván là bệnh nguy hiểm. Người dân có thể mắc bệnh chỉ qua một vết xước hay vết thương nhỏ trên da trong quá trình sinh hoạt, lao động. Giải pháp hữu hiệu nhất để phòng uốn ván là tiêm vaccine uốn ván.
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thông tin về tai biến y khoa
Liên quan đến tai biến y khoa xảy ra, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 vừa có thông tin chính thức về vụ việc gửi tới cá cơ quan báo chí. Theo đó, ngày 30/7/2023, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 có tiếp nhận thăm khám và điều trị ngoại trú cho cháu L.H.Đ với triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ.
Lần 1, ngày 30/7/2023, cháu Đ. được gia đình đưa tới khám với triệu chứng: mắt phải kết mạc cương tụ có giả mạc mỏng, giác mạc trong; mắt trái mi sưng nề, kết mạc cương tụ giả mạc dày, giác mạc trong, mắt trái có chỉ định bóc giả mạc lần 1.
Lần 2, ngày 1/8/2023, cháu Đ. tái khám theo hẹn, mắt phải kết mạc còn viêm, không có giả mạc; mắt trái giả mạc dày có chỉ định bóc giả mạc lần 2; hai mắt giác mạc trong.
Tới ngày 3/8/2023, cháu Đ được đưa tới tái khám. Mắt trái mi sưng nề có giả mạc dày, giác mạc đục. Nhận thấy tình trạng của cháu Đ. có chuyển biến nặng đột xuất, sau khi tham vấn chuyên môn với chuyên gia giác mạc của Bệnh viện mắt Trung ương, Bệnh viện đã ký chuyển cháu lên Bệnh viện Mắt Trung ương
Bệnh viện thừa nhận có sai sót trong việc chưa kịp thời liên lạc với gia đình để thông tin những phần việc mà Bệnh viện đã làm sau thời gian cháu Đ. chuyển viện. Để khắc phục việc này, lãnh đạo Bệnh viện đã gọi điện, nhắn tin, gặp mặt trực tiếp bố mẹ cháu để hỏi thăm, chia sẻ.
Hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã tổ chức họp nhiều lần, rà soát các khâu và đến thời điểm hiện tại, bệnh viện nhận thấy quy trình bao gồm các bước tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị, theo dõi từng giai đoạn, tiên lượng, giải thích cho bệnh nhân, xử lý tình huống khi có diễn biến bất thường được thực hiện đúng, đủ và đảm bảo chuyên môn, y đức.
Việc xảy ra là tiến triển bất thường nằm ngoài quy trình y khoa cho một ca bệnh vốn không có tiên lượng xấu khi đến khám, không phải mong muốn của tất cả các bên.
Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, lắng nghe, chia sẻ tâm tư của gia đình, lãnh đạo bệnh viện rất mong muốn tiếp đón các chuyên gia y tế độc lập do gia đình mời tới để cùng tham gia vào Hội đồng chuyên môn đánh giá một lần nữa việc tiến triển bất thường nằm ngoài quy trình y khoa, để đưa ra những kết luận mang tính trung thực, khách quan, giúp gia đình được giải toả tâm lý trong sự việc này.