Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 26/4: TP.HCM duy trì 61 điểm tiêm vắc xin phòng covid-19 hoạt động xuyên lễ
D.Ngân - 26/04/2023 08:07
Trung tâm Sơ sinh - Bệnh viện Nhi Trung ương vừa điều trị thành công em bé người Kenya 800gr sinh non lúc 26 tuần tuổi (thai IVF) có suy hô hấp, viêm ruột, nhiễm khuẩn sơ sinh nặng.

Nuôi dưỡng thành công bé gái sinh cực non người Kenya

Hiện tại ,trẻ có thể tự bú mẹ, sức khoẻ ổn định và được ra viện.

Với tiền sử 2 lần bị tắc vòi trứng, chị Lydia Nanja N. (34 tuổi, Kenya) đã chọn phương pháp IVF để mang thai, nhưng do cổ tử cung ngắn nên chị phải khâu cổ tử cung ở tuần 24 để giữ thai, đến khi thai được 26 tuần tuổi, chị có dấu hiệu chuyển dạ phải nhập viện tỉnh để cấp cứu và sinh được bé gái L.W.D nặng 800gr.

Sau khi sinh, trẻ có tình trạng suy hô hấp, viêm ruột, nhiễm khuẩn sơ sinh nặng nên ngày 27/1 trẻ được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị, chăm sóc.

Tại Trung tâm Sơ sinh - Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được thở máy, kiểm soát thân nhiệt, kiểm soát nhiễm trùng và chăm sóc đặc biệt. Trẻ được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, kết hợp chăm sóc theo phương pháp ấp kangaroo (Chăm sóc trẻ đẻ non/ nhẹ cân bằng cách đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ hoặc người chăm sóc trẻ).

Bé L.W.D sinh non 26 tuần nặng 800gr. Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương

Sau khi sinh non, chị Lydia Nanja N (mẹ bé L.W.D vì quá lo lắng và căng thẳng) nên gần như mất sữa không cung cấp đủ sữa cho con.

Trẻ được nuôi bằng sữa từ Ngân hàng sữa mẹ - Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bé sinh cực non phải đối mặt với nhiều nguy cơ nặng  như: viêm ruột hoại tử,  nhiễm trùng,.. Việc sử dụng sữa mẹ thanh trùng khi sữa mẹ đẻ không đủ giúp giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng ở nhóm trẻ dễ bị tổn thương này.

Chính vì vậy, với các trẻ sinh non, như bé L.W.D, việc nuôi dưỡng trẻ bằng sữa mẹ luôn được bác sĩ Trung tâm Sơ sinh đặc biệt quan tâm, xem như “liều thuốc” đặc biệt giúp tăng cường khả năng sống sót cho trẻ.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể tiếp cận nguồn sữa từ ngân hàng do giá thành cao. Chị Lydia cũng trong hoàn cảnh khó khăn, không đủ khả năng chi trả viện phí. Trung tâm Sơ sinh vừa điều trị vừa tìm các nguồn hỗ trợ kinh phí để cho trẻ có thể được ăn sữa mẹ từ ngân hàng.

Sau 62 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé gái L.W.D đã được 1,6kg và được xuất viện trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình và các y bác sĩ. Biết gia đình khó khăn, các bác sĩ và Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện còn kêu gọi xin tài trợ để hỗ trợ viện phí cho bé.

Mỗi năm, Trung tâm Sơ sinh - Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị và nuôi dưỡng thành công hàng ngàn trẻ sinh non, mở ra cánh cửa tương lai cho nhiều mầm sống non nớt.

TP. Hồ Chí Minh: 61 điểm tiêm vắc-xin phòng covid-19 hoạt động xuyên các ngày nghỉ lễ

Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tiêm vắc-xin phòng covid-19 xuyên lễ cho người dân thành phố từ 18 tuổi trở lên với 61 điểm tiêm vắc-xin tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Trước tình hình diễn biến dịch bệnh covid-19 vẫn còn phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron trên địa bàn thành phố như XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1 cùng với miễn dịch cộng đồng bắt đầu có chiều hướng giảm dẫn đến số ca mắc mới tăng nhanh.

Trong các ngày gần đây, theo đó số ca nhập viện bắt đầu tăng cao trở lại, trong đó, hầu hết là người thuộc nhóm nguy cơ và những người chưa tiêm đủ vắc xin phòng covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Việc tuân thủ và triển khai hiệu quả “Chiến dịch bảo vệ thuộc nhóm nguy cơ” vừa được UBND thành phố ban hành mang ý nghĩa quyết định, trong đó, việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin phòng covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế vẫn luôn là biện pháp tốt nhất giúp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh covid-19.

Quảng Bình: 3 người bị ngộ độc do ăn thịt cóc

Khoa Nội tiêu hoá - Huyết học lâm sàng bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới vừa tiếp nhận 3 trường hợp là người trong một gia đình trú tại xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy bị ngộ độc do ăn thịt cóc.

Cả 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, tức ngực, khó thở, đau bụng.

Người nhà bệnh nhân cho biết, sáng ngày 24/4, người mẹ bắt được con cóc trong vườn nhà và đem vào làm bữa sáng. Sau khi ăn thịt cóc khoảng 30 phút, cả 3 người xuất hiện tình trạng nôn tháo, đi ngoài ra phân lỏng… và được đưa đi cấp cứu ngay sau đó.

Sau khi kiểm tra và nhận định 3 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn thịt cóc, các y bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu. Hiện, cả 3 đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục theo dõi.

BS.CKII Nguyễn Duy Thạch, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng khuyến cáo: cóc là loại động vật chứa độc tố (nhựa cóc) có tác động đến tim mạch, gây ảo giác, hạ huyết áp...

Khi xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, độc tố này dẫn tới ngộ độc cấp tính. Độc tố hấp thu qua da gây dị ứng, bỏng rát…

Người bị ngộ độc nhựa cóc có tỉ lệ tử vong rất cao. Vậy nên người dân khi phát hiện ngộ độc nhựa cóc cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất.

Tin liên quan
Tin khác