Mắc bệnh lý mạn tính là tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, nhưng bệnh nhân N.V.Đ (50 tuổi, Hà Nội) lại chủ quan không điều trị thường xuyên.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, cách 2 ngày đi khám, bệnh nhân xuất hiện đau bụng thượng vị nhiều, buồn nôn, nôn khan nhiều, gia đình quá lo lắng nên đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám.
Bác sĩ chuyên khoa I Đào Việt Hưng, Chuyên khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec trực tiếp thăm khám bệnh nhân cho biết, bệnh nhân có chẩn đoán xác định viêm tụy cấp Balthazar E do tăng Triglycerid, gout cấp, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Bác sĩ Hưng chia sẻ, ngay khi có kết quả chẩn đoán viêm tụy cấp, các bác sĩ đã hội chẩn nhanh và tư vấn, giải thích cho gia đình về việc bệnh nhân nhập viện luôn điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhân được thực hiện phác đồ điều trị đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, truyền tĩnh mạch insulline liên tục 6 IU/giờ, dinh dưỡng tĩnh mạch, kháng sinh, PPI, thuốc giảm đau và tạm nhịn ăn, đặt sonde dạ dày dẫn lưu. Đáp ứng tốt phác đồ điều trị, bệnh nhân sức khỏe ổn định và xuất viện sau 9 ngày điều trị.
Theo bác sĩ Hưng, tụy có vai trò đặc biệt quan trọng, đó là nơi sản xuất ra dịch tụy chứa các enzyme tiêu hóa quan trọng. Nhờ các enzyme này, thức ăn mới được phân giải thành acid amin cấu trúc đơn giản, cho phép cơ thể hấp thu và sử dụng.
Viêm tụy cấp thường gây giảm sản sinh enzyme này, làm rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, tuyến tụy cũng là cơ quan sản sinh insulin - hormone có vai trò điều chỉnh đường huyết. Viêm tụy thường dẫn tới đái tháo đường do thiếu hụt insulin.
Cũng theo bác sĩ Hưng, viêm tụy cấp là tình trạng tuyến tụy bị viêm sưng đột ngột, xảy ra trong thời gian ngắn, bệnh có thể diễn tiến đến suy cơ quan, nhiễm trùng huyết, hoại tử tụy… nếu không điều trị kịp thời biến chứng nguy hiểm hơn gây tử vong.
Bệnh lý này do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó chủ yếu là do sỏi mật, bia rượu, tăng mỡ máu, thuốc hoặc do virus...
Khi mắc viêm tụy cấp, người bệnh thường có dấu hiệu đau bụng trên, hoặc lan ra sau lưng, sốt, mạch nhanh, buồn nôn, nôn, chướng bụng, chán ăn... Tuy nhiên, những biểu hiện này dễ gặp trong những bệnh lý khác (tiêu biểu như bệnh dạ dày) khiến người dân chủ quan, không thăm khám kịp thời, có thể để lại hậu quả khôn lường.
Vì vậy, khi có dấu hiệu bất thường nào của cơ thể, người dân nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám kịp thời và kiểm soát bệnh lý sớm nhất.
Bác sĩ Hưng lưu ý, trong dịp Tết Nguyên Đán, gia đình nào cũng có bữa ăn thịnh soạn nhiều đạm, nhiều dầu mỡ, ít chất xơ và thói quen dùng bia rượu để chúc tụng, cũng như việc lười vận động càng làm cho bệnh viêm tụy gia tăng.
Để tránh xa viêm tụy, bác sĩ khuyên người dân nên thực hiện lối sống khoa học và thực hiện kiểm tra định kỳ, cụ thể như sau: Ăn uống lành mạnh, khoa học với chế độ ăn nhạt để tránh sỏi mật.
Do đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy cấp; bổ sung chất xơ trong mỗi bữa ăn như rau cải xanh, nấm, khoai lang...; bỏ thuốc lá, hạn chế uống bia rượu; tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày; khám sức khỏe định kỳ, nhất là người bị mỡ máu, tiểu đường...
Đã có hơn 3.782 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn dịp Tết
Theo Bộ Y tế, tổng số khám, cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông trong ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn là 3.782 trường hợp.
Báo cáo nhanh của Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ ngày 10/2 (mùng 1 Tết Giáp Thìn) cho biết, số lượt tai nạn nghi liên quan đến giao thông phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 1.568 trường hợp; chuyển tuyến trên điều trị là 689 trường hợp. Tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện là 6.163 trường hợp.
Trong ngày mùng 1 Tết có tổng số 280 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa (163 trường hợp phải nhập viện điều trị), không có trường hợp tử vong.
Tổng số khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế khác là 36 trường hợp (9 trường hợp phải nhập viện điều trị), có 1 trường hợp tử vong.
Tổng số bệnh nhân còn lại đến thời điểm 7 giờ ngày 9/2/2024 (ngày 30 Tết) tại các cơ sở khám, chữa bệnh có 102.740 bệnh nhân, trong đó, tổng số bệnh nhân đến khám cấp cứu là 51.559 bệnh nhân; tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 19.530 bệnh nhân. Tổng số ca đẻ, mổ đẻ thực hiện tại bệnh viện là 2.198 ca.
Tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh tại thời điểm 7 giờ ngày 10/2/2024 (ngày Mùng 1 Tết) là 85.186 bệnh nhân.
Bảo vệ sức khỏe của trẻ trong dịp Tết Nguyên Đán
Đbảo vệ sức khỏe của trẻ trong và sau tết, các bậc phụ huynh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ dịp tết như sau:
Cho trẻ ăn những thực phẩm phù hợp với độ tuổi, dễ hấp thu và đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn gồm: chất bột đường (cơm, bún, phở…), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng…), nhóm chất béo (dầu, mỡ...) và nhóm vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả).
Cần chú ý bổ sung rau củ quả hàng ngày vì trong rau quả có nhiều vitamin, chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Thiếu vitamin và khoáng chất có thể khiến cơ thể giảm khả năng miễn dịch và dễ bị ốm. Ngoài ra, rau quả còn có tác dụng gây thèm ăn, kích thích chức năng tiết dịch của các tuyến tiêu hóa.
Giữ cho thời gian biểu của trẻ đều đặn: cho trẻ ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, đảm bảo trẻ ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày, thời gian các bữa ăn không bị chênh lệch so với ngày thường, không để trẻ mất bữa. Tránh cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo, uống nước ngọt, đặc biệt là thời điểm gần bữa ăn chính.
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, nhất là trẻ nhỏ. Trẻ được ngủ ngon, ngủ đủ giấc sẽ phát triển tốt. Ngược lại, nếu rối loạn giấc ngủ vào ban đêm trẻ không chỉ chậm lớn, mệt mỏi hay quấy khóc, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Sức khỏe của trẻ chỉ đảm bảo khi bữa ăn và giấc ngủ không bị thay đổi.
Uống đủ nước sạch mỗi ngày: nước là thành phần quan trọng của các tế bào trong cơ thể, là môi trường hoặc dung môi hóa học cho các phản ứng xảy ra trong cơ thể (tiêu hóa, hấp thu, chuyển hóa…), ở trẻ em lượng nước chiếm 2/3 trọng lượng. Thiếu nước có thể khiến trẻ mệt mỏi, uể oải. Nên cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, nước ép trái cây, hạn chế các loại nước có ga, nước ngọt và tránh xa rượu, bia.
Đảm bảo các món ăn của trẻ phải được nấu mới, ăn chín, uống sôi tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và tăng cảm giác ngon miệng. Không cho trẻ ăn các thực phẩm dễ bị ôi thiu, nghi ngờ ôi thiu, thức ăn chế biến từ bữa trước...
Khi phải đi xa cần chuẩn bị quần áo đề phòng thời tiết thay đổi: nắng nóng, lạnh... làm trẻ dễ mắc bệnh.
Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết sẽ giúp trẻ em và mọi người trong gia đình có sức khỏe tốt để tận hưởng kỳ nghỉ Tết trọn vẹn, nhiều niềm vui.