Giám sát, xử lý các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện ngập lụt
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết…
Giám sát, xử lý các bệnh truyền nhiễm trong mưa lũ. |
Để phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh và vệ sinh môi trường sau mưa lũ, ngập lụt, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, bổ sung và chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống thiên tai trên địa bàn phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Cụ thể là rà soát, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhất là vùng ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Đồng thời, chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi xảy ra các tình huống về thiên tai. Củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ và ngập lụt.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết. Đặc biệt là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Cung cấp đủ hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn có giấy phép lưu hành còn hiệu lực, còn hạn sử dụng để xử lý nước trong trường hợp khẩn cấp và hướng dẫn các biện pháp xử lý nước trong mưa lũ và ngập lụt.
“Thực hiện vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom xử lý xác động vật tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ”, Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và các biện pháp xử lý môi trường và xử lý nước.
Bảo đảm công tác thường trực cấp cứu khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, liên tục trong và ngoài cơ sở y tế, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho người bệnh và có phương án ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra tại các vùng bị mưa lũ và ngập lụt.
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mưa lũ và ngập lụt; các biện pháp xử lý môi trường và xử lý nước trong tình trạng khẩn cấp để phòng, chống dịch bệnh khi mưa lũ và ngập lụt xảy ra theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Có kế hoạch bảo đảm nguồn lực để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cho hoạt động của các cơ sở y tế trong các tình huống mưa lũ và ngập lụt; Chỉ đạo các cơ sở y tế luôn luôn đảm bảo đầy đủ nhân lực, thuốc, hóa chất, thiết bị và cơ sở vật t phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong vùng mưa lũ và ngập lụt.
Bảo đảm nguồn nước sạch sau mưa lũ
Theo hướng dẫn xử lý nước mùa mưa lũ của Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, ở những vùng ngập lụt sau bão, để đảm bảo có nguồn nước sinh hoạt sạch, phòng chống dịch bệnh, người dân cần thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn
Cụ thể, các hóa chất có thể sử dụng để khử trùng nước, nước giếng như: bột Cloramin B liều 10g/mét khối nước; Clorua vôi 20% liều 13g/mét khối nước; hoặc Clorua vôi 70% liều 4g/mét khối nước.
Người dân có thể sử dụng với xử lý nước giếng theo cách: múc 1 gầu nước, hòa lượng hóa chất như trên vào, khuấy cho tan hết, sau đó dân tưới đều gầu nước này vào giếng; thả cho gầu chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên, kéo xuống khoảng 10 lần cho hòa đều. Sau đó múc nước giếng đã khử trùng dội lên thành giếng để khử trùng. Để nước giếng ít nhất trong khoảng 30 phút mới nên sử dụng.
Người dân cần lưu ý, với nước đã xử lý khi múc lên vẫn chưa được trong hoàn toàn thì cần phải cho thêm bột Cloramin B để tiếp tục xử lý. Nước đã được khử trùng bằng Cloramin B vẫn phải đun sôi mới được uống.
Sau khi khử trùng, người dân ngửi thấy nước có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.
Cục Quản lý Môi trường y tế cũng hướng dẫn, nếu người dân không có hóa chất khử trùng nước, chỉ ăn uống nước đã đun sôi 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.
Các bước làm trong nước bằng phèn chua: sử dụng 1g phèn chua cho 20 lít nước; hòa lượng phèn chua tương đương thể tích nước cần làm trong vào 1 gáo nước cho tan hết; đổ gáo nước vào chum, vại, lu, thùng... rồi khuấy đều; chờ 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.
Nếu người dân không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước loại bỏ cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong.
Với nước ăn uống, quy trình xử lý chung như sau: làm trong nước bằng phèn chua hoặc vải lọc; khử trùng nước đã làm trong bằng Cloramin B hoặc Clorua vôi; đun sôi lên và có thể sử dụng để ăn, uống.
Xuất hiện các ổ dịch sởi trong trường học tại TP.HCM
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, ngay trong tuần đầu tiên của năm học mới, một số trường học ở thành phố đã ghi nhận các ổ dịch sởi. Hiện, việc kiểm soát dịch sởi trong trường học cũng như cộng đồng đang được các địa phương triển khai khẩn trương
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, ngay trong tuần đầu tiên nhập học đã ghi nhận các ổ dịch sởi trong trường học.
Tính chung trong tuần 36 (từ ngày 2 đến 8/9), TP ghi nhận 98 ca mắc sởi, tăng 33,8% so với trung bình 4 tuần trước. Tích lũy từ đầu năm đến nay, thành phố có 581 trường hợp mắc sởi.
Về quy mô, có 16/22 quận, huyện có ca mắc mới tăng so với trung bình 4 tuần trước; 172/312 phường xã có ca bệnh, 48 phường xã có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước. "Dịch sởi tại TP.HCM đang tăng rất nhanh theo chiều thẳng đứng, tăng cả về số lượng và đang lan rộng về phạm vi. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng vẫn còn thấp", bác sỹ Lê Hồng Nga nhận định.
Trước tình hình trên, UBND TP.HCM chỉ đạo UBND các huyện Bình Chánh, quận Tân Phú, quận 7 và thành phố Thủ Đức tập trung ưu tiên tổ chức tiêm vắc-xin cho trẻ ở các trường học, khu dân cư tại các phường, xã ghi nhận có ổ dịch sởi trong trường học. Lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu phải nhanh chóng tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi lên mức cao nhất.
Liên quan đến tiêm chủng, kể từ khi triển khai Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi đến nay, thành phố đã tiêm được 28.229 mũi vắc xin phòng sởi; trong đó, trẻ từ 1 - 5 tuổi là 19.821 mũi, trẻ từ 6 - 10 tuổi là 5.260 mũi, nhóm trẻ khác là 3.148 mũi.
Được biết, hiện TP đang huy động lực lượng từ các trung tâm y tế, trạm y tế, các bệnh viện tham gia công tác tiêm chủng. Mới dây, hai đơn vị tiêm chủng tư nhân là VNVC và FPT Long Châu cũng cam kết tham gia cùng thành phố trong chiến dịch.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Giám đốc Sở Y tế đề nghị các quận, huyện rà soát trẻ nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ và mời ra tiêm. Riêng 4 quận, huyện có ổ dịch trong trường học cần khẩn trương tổ chức tiêm ngay cho trẻ từ 5-10 tuổi trong các trường tiểu học.