Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Tổng giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. |
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương, có địa phương đã công bố dịch sởi. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi và công tác giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người bệnh.
Chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế tổ chức thu dung, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh sởi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi theo hướng dẫn của ngành Y tế; thực hiện việc theo dõi sức khoẻ của trẻ em, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh;
Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận, chia sẻ, cập nhật tình hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch sởi;
Khẩn trương tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp; không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin sởi;
Tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời;
Bảo đảm hậu cần, thuốc, thiết bị, vật tư, hoá chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh sởi; đảm bảo vắc-xin khi công bố dịch sởi. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh sởi; thông tin thường xuyên, đầy đủ, chính xác về tình hình dịch bệnh; ngăn chặn, xử lý thông tin không đúng về dịch sởi.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Bộ Y tế theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan và địa phương trong việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Hà Nội: Thu hồi thuốc viên nén Prednisolon 5mg; đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành công văn 5694/SYT-NVD thông báo thu hồi thuốc viên nén Prednisolon 5mg vì vi phạm mức độ 3. Trước đó, ngày 13/11/2024, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng đã ra văn bản số 3716/QLD-CL thông báo về việc này.
Thuốc được thu hồi là viên nén Prednisolon 5mg (Prednisolon 5mg); số GĐKLH: VD-27065-17; Số lô: 020523, NSX: 10/05/23; HD: 10/05/26 do Công ty cổ phần dược phẩm Tipharco sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hoà tan. Lô thuốc viên nén Prednisolon 5mg (Prednisolon 5mg) trên được xác định là vi phạm mức độ 3.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn rà soát, thu hồi triệt để thuốc viên nén Prednisolon 5mg (Prednisolon 5mg); số GĐKLH: VD-27065-17; Số lô: 020523, NSX: 10/05/23; HD: 10/05/26 do Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco sản xuất; gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi về Sở Y tế, Cục Quản lý Dược theo quy định. Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi của các đơn vị, cơ sở.
Phòng y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có).
Sở Y tế Hà Nội cũng đã ban hành 3 văn bản thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng. Những sản phẩm này cũng đã bị Bộ Y tế thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc.
Văn bản 5692/SYT-NVD thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi lô sản phẩm kem nám 3 in 1 SH Today Hai Duong Cosmetics - Hộp 1 lọ 15g, số tiếp nhận Phiếu công bố: SCB: 005217/19/CBMP-HCM; Số lô: 0404024; NSX: 08/04/2024; HSD: 3 năm kể từ ngày sản xuất; Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và sản xuất: Công ty TNHH Sản xuất thương mại mỹ phẩm Hải Dương, (Địa chỉ: 38/13 Nguyễn Sơn, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh).
Văn bản 5693/SYT-NVD thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi lô sản phẩm Kem dưỡng trắng mịn da Nairem Collagen - Hộp 1 lọ 8g, Số lô: 01; NSX: 14/06/2024; HSD: 3 năm kể từ ngày sản xuất; Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và sản xuất: Công ty TNHH một thành viên sản xuất và thương mại mỹ phẩm Nhật Việt (Địa chỉ: 19B đường 42, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, TP.HCM; Địa chỉ sản xuất: 21 đường 42, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, Thành phố Thủ Đức, TP.HCM).
Hai loại mỹ phẩm trên có mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Propylparaben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Văn bản 5695/SYT-NVD đình chỉ lưu hành, thu hồi lô sản phẩm Sữa tắm em bé Gia Minh - Hộp 1 lọ 180ml, Số lô SX: 082024; NSX: 19/08//2024; HSD: 18/08/2027; Số tiếp nhận Phiếu công bố: 185/24/CBMP-HY; Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty TNHH Thương mại HD Gia Minh (Địa chỉ: Lô 1-2 phố Hồ, phường Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh); Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Quang Xanh (Địa điểm kinh doanh số 2 - Khu phố Mới, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) sản xuất.
Lý do là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.
Sở Y tế Hà Nội thông báo đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn khẩn trương rà soát, ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm nêu trên.
Sở Y tế cũng đề nghị phòng y tế 30 quận, huyện, thị xã thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm nêu trên; kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của các cơ sở (nếu có);
Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm và người dân biết để không buôn bán, sử dụng các loại mỹ phẩm nêu trên, bảo vệ sức khỏe của người dân.
Rung nhĩ mà không biết, người đàn ông bị đột quỵ, suy tim
Sau điều trị đột quỵ, ông Đạt, 63 tuổi, mệt mỏi, khó thở kéo dài, đi khám phát hiện suy tim do biến chứng bệnh rung nhĩ.
PGS-TS.Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khẳng định, rung nhĩ là căn nguyên gây ra hàng loạt tình trạng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim…
Điều nguy hiểm là nhiều bệnh nhân rung nhĩ không có triệu chứng hoặc các triệu chứng rất mơ hồ, chỉ biết mình mắc bệnh sau khi nhập viện vì đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc các bệnh lý tim mạch khác.
Hai năm trước, ông Đạt (Ninh Thuận) bị tai biến mạch máu não (đột quỵ), sau điều trị để lại di chứng yếu nửa người trái, đi lại khó khăn.
Hơn một năm sau ông thấy mệt nhiều, không thể leo quá một tầng cầu thang, nhịp tim lúc nhanh lúc chậm. Ông nghỉ ngơi nhiều hơn nhưng tình hình không cải thiện.
Ông chia sẻ, cuộc sống của tôi sau khi bị tai biến chỉ quanh quẩn trong nhà, nay thu hẹp lại còn một tầng lầu. Toàn thân rã rời, không thiết ăn uống, nằm nhiều nhưng không ngủ được, tôi chán nản nghĩ chẳng lẽ từ nay phải gắn bó với chiếc giường bệnh suốt đời.
Vượt chặng đường hơn 300 km, ông Đạt nhập viện trong trạng thái kiệt sức, cảm giác không thở nổi, vùng ngực như bị ép chặt. Qua thăm khám kết quả cho thấy ông suy tim nặng, giãn lớn hai tâm nhĩ và hở van hai lá.
Đặc biệt, điện tâm đồ ECG ghi nhận bệnh lý rung nhĩ mạn tính. Rất có thể rung nhĩ là tình trạng bệnh tiềm ẩn, không được phát hiện và điều trị nên gây biến chứng đột quỵ, suy tim tiến triển cho ông Đạt.
Ở những bệnh nhân rung nhĩ, hai ngăn trên của tim (tâm nhĩ) co bóp rất nhanh và hỗn loạn. Điều này khiến máu bị ứ đọng trong tâm nhĩ, tạo điều kiện hình thành những cục máu đông trong tim.
Cục máu đông có nguy cơ được tim bơm ra, di chuyển theo mạch máu đến não gây đột quỵ, đến mạch vành gây nhồi máu cơ tim hoặc đến các cơ quan khác gây tắc mạch máu ngoại biên.
Ngoài ra khi bị rung nhĩ, nhịp tim đập không đều, thường đập nhanh liên tục, lâu ngày làm tim co bóp kém, yếu đi và giảm hiệu quả bơm máu đi nuôi cơ thể.
Tình trạng này kéo dài làm tăng nguy cơ suy tim cũng như nặng thêm các bệnh lý tim mạch khác, thậm chí gây tử vong.
Bệnh nhân được điều trị nội khoa bằng thuốc kiểm soát nhịp tim, thuốc chống đông để ngăn ngừa hình thành huyết khối trong tim và giảm nguy cơ tái đột quỵ.
Vài ngày sau ông đỡ mệt nhiều, nhịp tim duy trì ở mức 80 lần/phút, có cảm giác thèm ăn trở lại, đi lại nhẹ nhàng dọc hành lang bệnh viện.
Một tuần sau ông khỏe lên, triệu chứng suy tim cải thiện tốt, ăn uống ngon miệng và được xuất viện. Bác sỹ tư vấn cho ông chế độ ăn, hình thức vận động, cách sinh hoạt phù hợp, tái khám định kỳ để kiểm soát tốt bệnh, phòng biến chứng.
Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim thường gặp nhất, phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Mặc dù tỷ lệ mắc rung nhĩ chỉ 1%, nhưng bệnh này được phát hiện ở khoảng 9% số người trên 75 tuổi.
Ở độ tuổi 80, nguy cơ bị rung nhĩ tăng lên 22%. Số ca mắc bệnh ngày càng tăng trên toàn thế giới, dự kiến tăng gấp đôi hoặc gấp ba vào năm 2050.
Nhiều người còn xa lạ với khái niệm “rung nhĩ”, không nghĩ bệnh có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng. Như trường hợp ông Đạt, ông kể không biết đến bệnh này cho tới khi được chẩn đoán mắc rung nhĩ.
Thậm chí lúc ông điều trị đột quỵ, bác sỹ cũng không xác định nguyên nhân là do rung nhĩ. Bệnh vì thế tiến triển âm thầm, trở thành mạn tính rồi khiến ông suy tim, khó thở đến kiệt sức. Ước tính cứ 3 người mắc rung nhĩ thì 1 người không biết mình mắc bệnh.
Xây dựng lối sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đồng thời ngăn ngừa rung nhĩ. Nên đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày, đi cầu thang bộ thay vì thang máy, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu và caffeine, tránh căng thẳng kéo dài, kiểm soát tăng huyết áp, điều chỉnh mức cholesterol, ổn định lượng đường trong máu.
Người lớn tuổi, người có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh van tim, bệnh nhân đột quỵ… nên đi khám bác sỹ chuyên khoa loạn nhịp tim để được tư vấn và lên kế hoạch tầm soát, từ đó phát hiện sớm và điều trị rung nhĩ triệt để.