Điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tiệc Trung thu
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có văn bản chỉ đạo Sở Y tế Hà Giang điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT huyện Xín Mần.
Ảnh minh họa |
Trước đó, tối ngày 15/9, tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Xín Mần, tập thể khối THCS gồm 300 em học sinh tổ chức liên hoan Trung Thu. Ăn xong khoảng 15 phút, một số học sinh bị buồn nôn, bủn rủn chân tay, choáng váng, đau đầu, đau bụng. Sau đó, có 55 học sinh được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần khám với chẩn đoán nghi ngộ độc thực phẩm.
Đến ngày 17/9, trong số 55 học sinh nhập viện thì 29 em có biểu hiện ngộ độc, 17 học sinh đã được ra viện, tiếp tục được theo dõi ở trường, số còn lại bị rối loạn tiêu hóa.
Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Hà Giang khẩn trương chỉ đạo tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở cung cấp thực phẩm có nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm.
Tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân;
Từ đó, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Thông tin ban đầu từ Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hà Giang cho biết, bữa ăn tối tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT huyện Xín Mần cho học sinh gồm: Cơm trắng, trứng rán, lạc rang và canh bí đỏ.
Sau bữa ăn chính, đến 19h30, nhà trường tổ chức liên hoan Trung thu tại các lớp cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 (khoảng 300 học sinh), đồ ăn gồm: Kẹo, bim bim, bánh gạo, thạch rau câu, nước sinh tố trà chanh.
Về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tập thể, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có Văn bản số 5411/BYT-ATTP gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Sở An toàn thực phẩm TP.HCM; Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh về việc tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua, công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là tại bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học... với quy mô hàng nghìn suất ăn.
Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể nêu trên, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học...
Tổ chức diễn tập và chuẩn bị các phương án xử lý, khắc phục hậu quả, sơ cứu, vận chuyển, cấp cứu cho các bệnh nhân cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tại các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng bếp ăn tập thể.
Hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể trên địa bàn xây dựng phương án phòng chống và xử lý khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và tự tổ chức diễn tập tình huống ngộ độc thực phẩm đông người tại cơ sở.
Hà Nội: Tập trung xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau bão lũ, ngập lụt
Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn ngành tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, ngập lụt sau bão, đặc biệt là tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, ổn định đời sống người dân.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế về công tác đáp ứng y tế trong mùa mưa lũ năm 2024, do ảnh hưởng của bão số 3 với cường độ rất mạnh, toàn thành phố có 27 quận/huyện, 184 xã/phường, 449 điểm ngập úng.
Với phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó, ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo tập trung nguồn lực cho công tác vệ sinh môi trường.
Tính đến chiều ngày 15/9, trên địa bàn thành phố còn 15 quận/huyện, 101 xã/phường, 302 điểm ngập úng. Tổng số hộ gia đình bị ngập là 39.116 hộ, số hộ hiện còn ngập 13.540 hộ, số hộ đã được xử lý môi trường là gần 24.000 hộ. Bên cạnh đó, thành phố có 52 điểm chân rác bị ngập, trong đó đã xử lý được 36 điểm.
Về cấp phát thuốc, hóa chất khử trùng, các trung tâm y tế đã cấp 5.450 kg Cloramin B, 620kg vôi bột, 30,4 kg phèn chua phục vụ cho công tác xử lý nước, môi trường.
Tình hình ngập úng tại các cơ sở y tế, tính đến chiều ngày 15/9 có 5 Trạm Y tế là Mỹ Lương và Nam Phương Tiến A (TTYT huyện Chương Mỹ), Trạm Y tế Ngô Quyền (Trung tâm y tế Sơn Tây), Trạm Y tế Phù Lưu và Hồng Quang (Trung tâm y tế Ứng Hòa) còn bị ngập.
Các trạm bị ngập được bố trí sang các địa điểm tạm thời để đảm bảo an toàn về nhân lực, tài sản, trang thiết bị, thuốc, …tiếp tục thực hiện công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức nhân dân địa phương.
Về tình hình dịch, bệnh trong khu vực ngập lụt, theo báo cáo có 508 bệnh nhân mắc bệnh về da, 42 ca mắc bệnh tiêu hóa, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt, 1 ca mắc sốt xuất huyết.
Các đơn vị đã chủ động cấp phát thuốc phòng bệnh gồm thuốc kháng sinh đường ruột, thuốc bôi ngoài da, men tiêu hoá, thuốc nhỏ mắt cho người dân tại các điểm ngập úng như tại huyện Quốc Oai phát 21 loại thuốc, huyện Sóc Sơn phát 9 loại thuốc, huyện Chương Mỹ phát 13 loại thuốc.
Tại các cơ sở y tế đảm bảo tốt hoạt động khám, chữa bệnh trên địa bàn. Tổ chức thường trực khám chữa bệnh 24/24 giờ, không để gián đoạn công tác khám chữa bệnh.
Trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện trên địa bàn, hệ thống y tế tư nhân sẵn sàng tham gia cứu nạn, nhận và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khi có yêu cầu của cấp trên.
Tiếp tục triển khai các hoạt động tổng vệ sinh môi trường khi nước rút theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom xử lý xác động vật phát sinh các bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho bệnh nhân và người dân tại cộng đồng về công tác nước sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh thường xuất hiện sau mùa mưa bão, ngập lụt, phòng chống tai nạn thương tích với nhiều hình thức (truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình bị ngập, phát tờ rơi, phát thanh hàng ngày…)
90% người bệnh ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá
Có tiền sử hút thuốc lá 20 năm, gần đây, ông Phạm Văn Mạnh (68 tuổi, Hà Nội) xuất hiện ho kéo dài, đã uống thuốc những không khỏi. Ông Mạnh đến Bệnh viện K khám, sau khi chụp X-quang có nốt mờ ở phổi, bác sĩ cho ông chụp CT lồng ngực, phát hiện ung thư phổi giai đoạn 2.
Ung thư phổi là bệnh ung thư hay gặp, khó phát hiện nhất và kết quả điều trị hiệu quả thấp, gây tử vong nhiều nhất hiện nay. Theo thống kê của Globocan (Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế) năm 2022 thì Việt Nam có tỷ lệ ung thư phổi cao, đứng thứ 2 ở nam giới với 17,8%, và thứ 2 ở nức với 7,8% trong các loại ung thư thường gặp.
Theo số liệu của Bộ Y tế, 90% bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá. Khói thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.
Ngoài ung thư phổi, thuốc lá gây ra 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Ở trẻ em, phơi nhiễm khói thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, hen suyễn, kém phát triển chức năng phổi.
Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc ung thư phổi của những người có thói quen hút thuốc lá cao gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ mắc bệnh tùy thuộc vào loại tế bào ung thư.
Ung thư phổi là ung thư hay gặp nhất ở nam giới, tỷ lệ tử vong khoảng 20% trong tổng số các ung thư nói chung. Theo số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Riêng tại Việt Nam năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với hơn 26.000 ca mắc mới và hơn 23.000 ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này.
Theo chuyên gia hô hấp, những người nên chủ động tầm soát ung thư phổi khi có một trong các dấu hiệu bất thường như ho nhiều, ho dai dẳng có đờm, mệt mỏi, hụt hơi, sụt cân không rõ nguyên nhân… Đặc biệt, những người có tiền sử hút thuốc lá, khuyến cáo nên đi tầm soát ung thư phổi định kỳ từ sau 40 tuổi.
Khi đi tầm soát ung thư phổi, thông thường, người dân sẽ được chỉ định làm một trong các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sau: Chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp, hay còn gọi là chụp CT ngực liều thấp;
Chụp X quang tim phổi; Xét nghiệm tế bào đờm. Ngoài ra, để chẩn đoán xác định, đánh giá mức độ xâm lấn tại chỗ, hoặc di căn, người bệnh sẽ được thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu như chụp CT ngực, chụp PET/CT, nội soi phế quản, siêu âm phế quản, siêu âm nội soi phế quản, MRI (não, ngực), sinh thiết phổi.