Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 24/11: Cấp mới, gia hạn gần 500 giấy đăng ký lưu hành thuốc
D.Ngân - 24/11/2024 09:12
Theo Bộ Y tế, danh mục thuốc và nguyên liệu làm thuốc cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành mới nhất bao gồm gần 500 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài.

Bộ Y tế đã cấp mới, gia hạn gần 500 giấy đăng ký lưu hành thuốc

Thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, trong số gần 500 thuốc và nguyên liệu làm thuốc được cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành lần này có 325 thuốc sản xuất trong nước được cấp mới; 130 thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn; số còn lại thuộc danh mục thuốc có chứng minh tương đương sinh học.

Theo Bộ Y tế, danh mục thuốc và nguyên liệu làm thuốc cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành mới nhất bao gồm gần 500 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài.

Trong số thuốc, nguyên liệu làm thuốc được cấp mới và gia hạn, hơn 90% được cấp mới, gia hạn trong thời hạn 5 năm.

Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế. Các đơn vị phải in hoặc dán số đăng ký do Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.

Chỉ được sản xuất, lưu hành các thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Trước đó, Cục Quản lý Dược đã gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc theo Nghị quyết 80 của Quốc hội với gần 400 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân và các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo Cục Quản lý Dược, đến thời điểm hiện tại, Cục đã thực hiện cấp mới và gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo Luật Dược năm 2016 và Nghị quyết 80 của Quốc hội cho hơn 14.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Qua đó, duy trì thường xuyên trên 23.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc.

Đồng thời, Cục đã triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm công tác mua sắm vắc-xin, xây dựng danh mục và cơ chế dự trữ, mua sắm thuốc có nguy cơ thiếu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Một bé gái tử vong do bạch hầu ở Cao Bằng

Thông tin từ Sở Y tế Cao Bằng cho biết, bé Giàng Mí Hứ (sinh năm 2013, xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm) có dấu hiệu ho, sốt từ ngày 14/11 nhưng vẫn đi học.

Sau một tuần uống thuốc không khỏi, bệnh diễn biến nặng. Đến ngày 21/11, gia đình đã đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện để khám và điều trị.

Mặc dù đã được bác sỹ nỗ lực cứu chữa, bé gái vẫn tử vong cùng ngày. Nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm đã báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng và lấy mẫu dịch họng gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.

Chiều 23/11, kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định bệnh nhân Giàng Mí Hứ dương tính với vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae - tác nhân gây bệnh bạch hầu.

Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng đã chỉ đạo khẩn Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng trực tiếp đến giám sát, chỉ đạo và hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm trong công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn.

Trong vài năm gần đây, bệnh bạch hầu đã xuất hiện trở lại tại các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Những địa phương này thường thuộc vùng sâu, vùng xa, nơi tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh giảm hoặc gián đoạn, dẫn đến số ca bệnh tăng.

Mới đây, tỉnh Hà Giang, sau gần 20 năm không có ca bệnh, đã ghi nhận hơn 30 ca mắc bạch hầu, trong đó có trường hợp tử vong. Tỉnh Thái Nguyên ghi nhận 2 ca mắc, còn tỉnh Điện Biên ghi nhận 3 ca, trong đó có 1 ca tử vong.

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh bạch hầu thuộc nhóm B - các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

TP.HCM ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết

Sở Y tế TP.HCM cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết tại thành phố đang tăng liên tục và đã ghi nhận thêm 1 ca tử vong.

Tính đến tuần 46, TP.HCM ghi nhận 12.013 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm 2023 (16.636 ca), nhưng vẫn là địa phương có số ca mắc cao nhất khu vực phía Nam, chiếm 25% tổng số ca mắc của khu vực.

Tuy nhiên, từ tuần 37 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM có xu hướng tăng liên tục. Để phòng ngừa sốt xuất huyết, người dân cần duy trì các biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, phòng ngừa muỗi đốt.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các trung tâm y tế và trạm y tế địa phương điều tra, xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để đưa ra các biện pháp kiểm soát hiệu quả, tránh để dịch bùng phát.

Ngoài ra, việc giám sát các điểm nguy cơ gây dịch, đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch, và xử phạt vi phạm hành chính trong phòng chống dịch bệnh cũng cần được thực hiện quyết liệt.

Tin liên quan
Tin khác