Dấu hiệu của bệnh lý hiếm gặp
Một bệnh nhân 64 tuổi ở Hà Nội có biểu hiện đau đầu, tê bì, yếu liệt tay chân suốt ba ngày, đi khám bác sĩ phát hiện tụ máu ngoài màng cứng tủy sống.
Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân mắc bệnh hiếm. |
Đây là bệnh lý hiếm gặp, chỉ xuất hiện ở 1/1.000.000 người. Ước tính chiếm khoảng 0,3 % đến 0,9 % các tổn thương ngoài màng cứng. Hiện ở Việt Nam chỉ có một số lượng rất ít các báo cáo ca bệnh liên đến tụ máu ngoài màng tủy được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
TS.Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, máu tụ ngoài màng tủy tự phát (SSEH) là sự tụ máu trong khoảng trống nằm giữa màng cứng và xương. Bệnh viện mới ghi nhận 2 ca kể từ khi thành lập, trong đó đây là trường hợp đầu tiên điều trị bằng phương pháp nội soi.
Theo TS.Đức Anh, người bệnh không mắc bất kì bệnh nền nào, không sử dụng thuốc chống đông. Tình trạng đau đầu xuất hiện cách đây vài tháng. Bệnh nhân đã đi khám 2 bệnh viện trước đó và được chẩn đoán đau dây thần kinh chẩm trái. Bác sĩ cho thuốc uống nhưng tình trạng tê bì tay chân không cải thiện.
Theo bác sĩ, trước đây các ca bệnh máu tụ ngoài màng tủy được điều trị bằng phương pháp kinh điển là mổ mở. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, phẫu thuật nội soi ra đời mang lại nhiều lợi thế trong điều trị bệnh lý này.
Đây là phẫu thuật ít xâm lấn, bảo tồn tối đa cấu trúc cột sống, giúp người bệnh phục hồi nhanh, ít đau, ít chảy máu, thẩm mỹ và hạn chế được tối đa tổn thương trong quá trình phẫu thuật.
Cho đến nay, y văn mới ghi nhận có 2 trường hợp máu tụ ngoài màng tủy ở cột sống thắt lưng được phẫu thuật nội soi toàn bộ thành công.
Với tổn thương ở cột sống hiện chưa có bất kỳ báo cáo nào. Việc áp dụng thành công kỹ thuật này tại Bệnh viện Tâm Anh đã mang lại cho người bệnh cơ hội được điều trị bằng những kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới.
Hai giờ sau mổ, người bệnh được đưa về khoa hồi sức. Ngay trong ngày người bệnh đã hồi phục tốt và được về khoa phẫu thuật thần kinh để tiếp tục để tiếp tục chăm sóc.
Các bác sĩ hội chẩn cùng chuyên gia dinh dưỡng xây dựng phác đồ để người bệnh nhanh chóng phục hồi, cải thiện tốt. Hai ngày sau, bệnh nhân hết hẳn tình trạng tê bì tay chân, đau cổ. Người bệnh có thể vận động nhẹ, sinh hoạt bình thường và được xuất viện sau 5 ngày.
Hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rõ ràng nguyên nhân gây máu tụ ngoài màng tủy tự phát. Tuy nhiên, rối loạn đông máu, khối u, dị dạng mạch máu, nhiễm trùng hoặc chấn thương là những yếu tố nguy cơ có thể kể đến. Người mắc tăng huyết áp, dùng thuốc chống đông có nguy cơ cao mắc bệnh.
Máu tụ ngoài màng tủy nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt, có nguy cơ tiến triển, chèn ép vào tủy sống và các dây thần kinh gây tổn thương khó hồi phục.
Thêm rằng, không rõ triệu chứng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như đột quỵ. Cả hai bệnh lý này đều thuộc nhóm bệnh nguy hiểm, cần được điều trị khẩn cấp.
Do vậy, khi có biểu hiện đau cổ, lưng, suy giảm vận động, tê yếu tay chân… người bệnh cần đi khám sớm để ngăn ngừa tổn thương thần kinh nghiêm trọng, vĩnh viễn. Đặc biệt là với những người có yếu tố nguy cơ cao như sau sang chấn vùng cột sống, có bệnh lý về đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông.
Điều trị tụ máu ngoài màng tủy đòi hỏi phẫu thuật viên có kỹ năng, kinh nghiệm do nguy cơ tổn thương tủy rất cao. Tiến sĩ Đức Anh nói thêm, bệnh tụ máu ngoài màng tủy khó phát hiện do nhiều cơ sở y tế không đủ thiết bị chuyên dụng dẫn đến dễ bỏ sót trong quá trình chẩn đoán.
Hệ thống thiết bị hiện đại cũng là yếu tố then chốt giúp người bệnh được điều trị hiệu quả, hạn chế biến chứng và nhanh chóng phục hồi. Vì vậy, người bệnh khi thăm khám cần lựa chọn cơ sở y tế có chuyên môn cao trong lĩnh vực thần kinh-cột sống để không bỏ lỡ thời gian tốt điều trị bệnh và tốn kém chi phí.
Để phòng tránh bệnh hiệu quả, TS.Đức Anh khuyên, mỗi người nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Người có tiền sử mắc các bệnh lý nền thần kinh - cột sống, tăng huyết áp, sử dụng thuốc chống đông… nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và chủ động tái khám sức khỏe định kỳ. Người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ tổn thương cột sống ngay lập tức đi khám, chụp phim MRI để loại trừ những tổn thương nguy hiểm.
Một đêm cấp cứu 6 ca đột quỵ trẻ tuổi
Những ngày gần đây, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai liên tục quá tải bởi tiếp nhận người bệnh. Đặc biệt, trong một đêm, các bác sĩ cấp cứu cho 6 ca đột quỵ trẻ tuổi.
PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong 6 ca đột quỵ nhập viện vào một đêm, người trẻ tuổi nhất là 32, người lớn tuổi nhất là 42.
Nữ bệnh nhân 32 tuổi được đưa từ Hưng Yên lên cấp cứu trong tình trạng liệt nửa người trái hoàn toàn và nói ngọng giờ thứ nhất. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạnh cảnh giờ thứ nhất.
Ca bệnh trẻ tuổi được đưa vào cấp cứu trong đêm là nam bệnh nhân 36 tuổi (quê ở Bắc Ninh, làm việc tại Phú Quốc). Anh này được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Phú Quốc ra Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng liệt nửa người, nói khó. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu não do tắc động mạch cảnh trong.
Theo bác sĩ Tôn, đây là bệnh lý hiếm gặp của mạch máu não, thường xuất hiện ở người từ 30-50 tuổi. Tuy đã được can thiệp, song bệnh nhân tiến triển chậm. Nếu bệnh nhân đi tầm soát đột quỵ sớm sẽ không dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Cùng thời điểm đó, Trung tâm tiếp nhận nam thanh niên 32 tuổi nhập viện trong tình trạng liệt nửa người và không nói được. Nam thanh niên đang chơi cầu lông với bạn thì đột ngột liệt nửa người và nói khó, được bạn đưa thẳng vào Trung tâm Đột quỵ.
Đến viện trong "giờ vàng" - 1h sau khi có triệu chứng - nam thanh niên được chẩn đoán nhồi máu não cấp. Sau 30 phút trong phòng can thiệp, động mạch não giữa phải đã được tái thông hoàn toàn. Nhờ đến viện sớm, bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn.
Nặng nhất là ca cấp cứu trong đêm cho nữ bệnh nhân 40 tuổi chuyển từ tuyến dưới lên. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng không dùng thuốc.
Trong ca làm việc ban đêm, bệnh nhân đột ngột đau đầu và hôn mê. Khi đưa vào bệnh viên tuyến dưới, huyết áp của bệnh nhân lên tới 240/200 mmHg. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
Nữ bệnh nhân được chẩn đoán chảy máu đồi thị phải - cuống não với thể tích máu tụ 60ml và có tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong.
Để phòng chống đột quỵ ở người trẻ tuổi, PGS-TS Mai Duy Tôn khuyến cáo, người trẻ cần thường xuyên vận động, tập thể dục, kiểm soát cân nặng, bỏ hút thuốc lá, ăn uống lành mạnh.
Tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ như: Tim mạch, mỡ máu, tiểu đường, huyết áp... Khi có các biểu hiện đột quỵ như chân tay yếu, nói khó, nói ngọng, đau đầu, chóng mặt...thì cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị trong "giờ vàng".