Việt Nam trong nhóm già hóa dân số nhanh nhất thế giới
Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
![]() |
Ảnh minh họa |
Thế giới hiện đang trải qua giai đoạn già hóa dân số với tốc độ chưa từng có, theo báo cáo của Liên hợp quốc, đến năm 2050, số người trên 60 tuổi sẽ chiếm khoảng 22% dân số toàn cầu.
Hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam cũng đang tăng nhanh chóng với khoảng 12% dân số và con số này dự kiến sẽ tăng lên 25% vào năm 2050.
Nhiều thách thức có thể kể đến như thiếu hụt, hạn chế về chính sách, hạ tầng, dịch vụ y tế chuyên biệt hay sức khỏe tinh thần của người cao tuổi cũng bị ảnh hưởng bởi sự cô đơn và trầm cảm.
Một thực tế đáng chú ý là mặc dù tuổi thọ trung bình ngày càng tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thì không lệ thuận với điều đó. Nhiều người cao tuổi phải sống với bệnh tật, giảm sút chất lượng sống, gây áp lực lớn lên gia đình và hệ thống y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin, người cao tuổi Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép: vừa là hậu quả tích lũy của các bệnh lý mãn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, sa sút trí tuệ… vừa có nguy cơ cao gặp phải các tình trạng suy giảm chức năng, biến chứng điều trị, lệ thuộc thuốc và giảm chất lượng sống.
Chính vì vậy, tiếp cận đa chuyên ngành trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân cao tuổi là xu hướng tất yếu, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và cá thể hóa cho người cao tuổi.
Mô hình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như nội, tim mạch, ung bướu, thần kinh, tâm thần, phục hồi chức năng, dinh dưỡng, dược lâm sàng, điều dưỡng… từ khâu dự phòng, sàng lọc sớm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc tại bệnh viện, phục hồi chức năng và chăm sóc tại nhà, tại cộng đồng.
Đây chính là lý do tại sao việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không đơn thuần là điều trị bệnh mà còn phải bao gồm các yếu tố dự phòng, phục hồi chức năng, chăm sóc tinh thần và hỗ trợ xã hội.
Trong những năm qua, Bộ Y tế đã và đang xây dựng nhiều chính sách, chiến lược nhằm thích ứng với già hóa dân số, trong đó có Chiến lược quốc gia về người cao tuổi cũng như tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế có năng lực chăm sóc người cao tuổi.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả bền vững, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển mô hình chăm sóc tích hợp, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, và đặc biệt là sự phối hợp liên ngành - không chỉ trong y tế mà cả trong các lĩnh vực bảo trợ xã hội, chính sách an sinh, đào tạo, và cộng đồng.
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phòng chống ô nhiễm không khí tại hội nghị toàn cầu
Tại hội nghị toàn cầu về ô nhiễm không khí và sức khỏe, Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực trong việc xây dựng các quy định và tuyên truyền phòng chống ô nhiễm không khí, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Từ ngày 25 đến 28/3/2025, Hội nghị toàn cầu lần thứ 2 về Ô nhiễm không khí và sức khỏe, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Chính phủ Colombia tổ chức, đã thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo, chuyên gia, và đại diện các quốc gia trên thế giới.
Hội nghị này là dịp để các quốc gia cùng thảo luận, chia sẻ các giải pháp, và đề ra các hành động thiết thực nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy hành động cho không khí sạch và tiếp cận năng lượng sạch.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và đoàn công tác của Bộ Y tế Việt Nam đã tham gia các phiên họp toàn thể và song song, chia sẻ những kinh nghiệm, thành tựu của Việt Nam trong công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước thách thức ô nhiễm không khí.
Tại phiên họp song song về “Luật pháp - Lập kế hoạch và thi hành các tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã báo cáo về các chiến lược mà Việt Nam đã thực hiện nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe cộng đồng. Những kinh nghiệm này bao gồm:
Xác định ô nhiễm không khí là vấn đề kinh tế và y tế công cộng quan trọng: Việt Nam đã sử dụng các số liệu khoa học và kết quả nghiên cứu để nhấn mạnh tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng, đồng thời xác định ô nhiễm không khí như một vấn đề cần giải quyết khẩn cấp.
Tăng cường phối hợp liên ngành: Việt Nam chú trọng việc phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhằm đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng chống ô nhiễm không khí.
Vai trò của truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng: Ngành Y tế Việt Nam đã chủ động trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, từ đó thúc đẩy sự tham gia của người dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
Sự tham gia của các tổ chức quốc tế: Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WHO, trong việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy định về chất lượng không khí, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng theo các hướng dẫn quốc tế.
Hài hòa các tiêu chuẩn không khí khu vực và tăng cường hợp tác quốc tế: Việt Nam đã cùng với các quốc gia trong khu vực xây dựng cơ chế hợp tác trong việc chia sẻ dữ liệu và kết quả nghiên cứu về ô nhiễm không khí, đồng thời tìm ra các giải pháp hợp lý để giảm thiểu ô nhiễm khu vực và toàn cầu.
Tại phiên họp toàn thể của Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đại diện cho Bộ Y tế Việt Nam đã phát biểu, cam kết tiếp tục tăng cường những nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Bộ Y tế sẽ triển khai một số hành động quan trọng trong thời gian tới, bao gồm:
Rà soát và sửa đổi các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng không khí, đảm bảo phù hợp với hướng dẫn của WHO, đồng thời mở rộng và nâng cấp hệ thống giám sát chất lượng không khí.
Nâng cao năng lực nghiên cứu và đánh giá tác động sức khỏe: Bộ Y tế sẽ kết nối dữ liệu chất lượng không khí với hệ thống giám sát sức khỏe, giúp đánh giá chính xác hơn tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng.
Tăng cường hợp tác liên ngành: Bộ Y tế cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các bộ ngành liên quan để lấy sức khỏe cộng đồng làm trung tâm của mọi chiến lược, chính sách.
Hội nghị toàn cầu lần thứ 2 về Ô nhiễm Không Khí và Sức Khỏe đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, không chỉ mở ra cơ hội hợp tác giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế mà còn tạo cơ hội để Việt Nam học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm và giải pháp mới. Hội nghị cũng là dịp để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, thể hiện quyết tâm và cam kết mạnh mẽ trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, các thông tin, công nghệ và giải pháp kỹ thuật mới về ô nhiễm không khí đã được chia sẻ, cập nhật, giúp các quốc gia tăng cường các nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường. Nhiều chuyên gia, tổ chức và các quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng các dự án hợp tác lâu dài trong lĩnh vực này.
Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ 38 học sinh trường Tuệ Đức TP.HCM đau bụng, buồn nôn sau ăn trưa
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khẩn trương điều tra và xử lý vụ việc 38 học sinh Trường Tiểu học - THCS Tuệ Đức (TP Thủ Đức, TP.HCM) nghi bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa.
Cục An toàn thực phẩm yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tạm đình chỉ cơ sở chế biến nếu phát hiện nguy cơ tiếp tục gây ngộ độc, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm.
Vụ việc được phát hiện vào ngày 26/3/2025, khi một số học sinh có các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy sau khi ăn trưa tại trường. Theo báo cáo ban đầu, bữa ăn tại trường được cung cấp bởi Công ty cổ phần quốc tế Haxeca Mekong.
Ngay sau khi nhận thông tin, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu điều tra nguồn gốc thực phẩm, xác định đơn vị cung cấp nguyên liệu, cũng như cơ sở chế biến. Cục cũng yêu cầu lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm để xét nghiệm làm rõ nguyên nhân. Nếu phát hiện có nguy cơ tiếp tục gây ngộ độc, cơ sở chế biến sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động.
Đặc biệt, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm và công khai kết quả điều tra để cảnh báo cộng đồng. Cục cũng đề nghị tăng cường quản lý tại các bếp ăn tập thể và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu, quy trình chế biến và lưu mẫu đúng quy định.
Theo thông tin từ nhà trường, sự việc bắt đầu được phát hiện vào sáng ngày 26/3, khi giáo viên chủ nhiệm lớp 1P6 nhận thông báo từ phụ huynh về việc hai học sinh có triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy và được đưa đi bệnh viện, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Sau bữa ăn sáng, thêm hai học sinh có các triệu chứng tương tự. Một học sinh được bác sỹ chẩn đoán ngộ độc thực phẩm, còn một học sinh bị đau bụng từ tối hôm trước.
Trưa cùng ngày, Ban giám hiệu trường đã tổ chức cuộc họp khẩn và xác nhận tổng cộng 38 học sinh có dấu hiệu nghi ngộ độc. Tuy nhiên, chỉ có 5 trường hợp được xác định đau bụng do sinh lý. Nhà trường đã tiến hành lấy mẫu thực phẩm gửi đi xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM, đồng thời thông báo đến phụ huynh để phối hợp theo dõi sức khỏe học sinh.
Tính đến 16h ngày 26/3, không phát sinh thêm trường hợp nghi ngộ độc, sức khỏe của các em học sinh đã ổn định. Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Đức cũng đã đến làm việc với trường, kiểm tra thực tế bếp ăn, hồ sơ và quy trình sơ chế. Kết quả kiểm tra cho thấy đơn vị cung cấp suất ăn đảm bảo vệ sinh, nhân viên có bảo hộ, và thực hiện lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định.
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh nguyên nhân vụ việc và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.
Trước đó, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã yêu cầu Phòng Y tế và Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Đức báo cáo cụ thể, tuy nhiên, do nhà trường đang tự xử lý và chưa có báo cáo đầy đủ nên chưa thể kết luận đây là vụ ngộ độc thực phẩm.
Vụ việc này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục, nhằm bảo vệ sức khỏe học sinh và cộng đồng.