Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 29/5: Hàng chục công nhân bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa
D.Ngân - 29/05/2024 07:44
Sau bữa ăn trưa tại công ty, hàng chục công nhân xuất hiện đau đầu, tê tay, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng… phải nhập viện cấp cứu.

Lại thêm 2 vụ ngộ độc thực phẩm

Ngày 28/5 tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn MLB TENERGY (địa chỉ ở Cụm công nghiệp thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành) xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm. Đây là một công ty may của Nhật Bản, có 1.573 công nhân, chia làm ở 2 xưởng sản xuất.

Ảnh minh họa.

Bữa trưa của các công nhân gồm có 5 món gồm: Cá bạc má rán, mướp xào giá, trứng luộc, canh rau, xoài tráng miệng... Đơn vị cung cấp nguyên liệu nấu ăn cho bếp ăn Công ty Trách nhiệm hữu hạn MLB TENERGY là Doanh nghiệp tư nhân Mạc Anh Hà (xã Hoa Thành, huyện Yên Thành).

Trong bữa ăn trưa này, bếp ăn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn MLB TENERGY phục vụ 1.416 suất ăn. Phân xưởng 1 ăn trưa lúc 11h15, phân xưởng 2 ăn lúc 11h55.

Sau bữa trưa 30 phút, nhiều công nhân bắt đầu xuất hiện đau đầu, tê tay, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, phát ban đỏ… Ngay lập tức, công ty và ngành Y tế huyện Yên Thành, gia đình đưa các công nhân đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Tính đến 17h30 chiều 28/5, có 73 công nhân được đưa đến cơ sở y tế trong huyện để cấp cứu, điều trị. Cụ thể, có 18 công nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn và 55 công nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cử Dược sĩ Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn công tác ra huyện Yên Thành chỉ đạo công tác cấp cứu, điều trị cho các công nhân bị ngộ độc.

Đồng thời, có công văn hỏa tốc gửi các cơ sở y tế, kích hoạt toàn bộ hệ thống cấp cứu, điều trị. Sẵn sàng vận chuyển, tiếp nhận, xử trí cấp cứu, điều trị cho các công nhân bị ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Yên Thành, Phòng Y tế huyện Yên Thành và các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai các hoạt động điều tra, xử trí, khắc phục kịp thời hậu quả vụ ngộ độc thực phẩm.

Cùng ngày, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang điều trị 6 bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì.

Theo thông tin từ các bệnh nhân, tối 24/5, cả 6 người đều ăn bánh mỳ tại tiệm bánh mì nằm trên địa bàn phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi. Đến sáng 25/5, sau khi xuất hiện các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt cao, đau đầu nên 6 bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu.

Tại đây, bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Hiện sức khỏe 6 bệnh nhân tạm ổn định, không có dấu hiệu biến chứng nặng, đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.

Được biết, sau khi nhận thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi đã lấy mẫu bánh mì và các nguyên liệu để kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Đưa Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ vào hoạt động

Bệnh viện K cơ sở 43 Quán Sứ (Hà Nội) chính thức đi vào hoạt động khám chữa bệnh ung bướu cho người dân sau thời gian dài nâng cấp, giảm quá tải cho các cơ sở khác của bệnh viện.

Tại lễ ký kết Thỏa thuận viện trợ dự án Hỗ trợ kỹ thuật "Nâng cấp trang thiết bị y tế tại Bệnh viện K" do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại giữa Bộ Y tế và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản vào sáng 28/5, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, cơ sở 43 Quán Sứ của bệnh viện chính thức đi vào hoạt động khám chữa bệnh cho người dân. 

Việc Chính phủ Nhật Bản viện trợ máy móc, thiết bị hiện đại nhằm tăng cường năng lực khám, chẩn đoán cho bệnh nhân ung bướu tại Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ theo dây chuyền công năng đã được Bộ Y tế phê duyệt, đặc biệt trong thời điểm Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ bắt đầu triển khai hoạt động khám bệnh, chữa bệnh sau một thời gian nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng.

Trong những năm qua, tỉ lệ mắc mới và tử vong do ung thư rất đáng lo ngại, ghi nhận năm 2022, Việt Nam có 180.480 ca mắc mới ung thư, hơn 120.0000 ca tử vong.

Tổng vốn viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản cho Bệnh viện K là 1,83 tỉ Yên (tương đương khoảng 300 tỷ đồng).

Dự kiến danh mục thiết bị viện trợ hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân như: Hệ thống PET/CT; hệ thống SPECT/CT; hệ thống chụp cộng hưởng từ 3.0 tesla; máy chụp cắt lớp vi tính (128 dãy); máy chụp mạch số hóa xóa nền một bình diện; máy chụp cắt lớp vi tính 4 chiều có chức năng mô phỏng; máy chụp X quang kỹ thuật số; hệ thống máy nội soi ….

Đây là một dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh ung bướu của ngành Y tế Việt Nam khi tỉ lệ tử vong hàng đầu do bệnh tật trong những năm gần đây tại Việt Nam đang chuyển dịch từ bệnh truyền nhiễm sang bệnh không lây nhiễm, trong đó, tỷ lệ tử vong liên quan đến bệnh ung thư chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ sự cảm ơn và sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản trong các dự án hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam trong thời gian qua.

Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ đã được xây mới 1 tòa nhà đa năng với diện tích khoảng 26.000 m2, trong đó bố trí các phòng ban chức năng của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư như khu khám bệnh, các labo đáp ứng quy mô khoảng 200 giường điều trị nội trú và 120 ghế điều trị ngoại trú ban ngày và thử nghiệm lâm sàng. 

Tại đây sẽ khám bệnh, chữa bệnh các chuyên khoa như ngoại khoa,nội khoa; các dịch vụ xét nghiệm cận lâm sàng như nội soi, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, xét nghiệm máu... đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ung bướu của người dân.  

Tin liên quan
Tin khác