Y tế - Sức khỏe
Tin nóng dịch Covid-19 ngày 7/8: Diễn biến mới nhất về cấp phép khẩn cấp vắc-xin Nano Covax
D.Ngân - 07/08/2021 08:33
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết trong sáng nay (7/8), Bộ Y tế họp hội đồng thẩm định và sẽ có thông báo chính thức với báo chí về vắc-xin Nano Covax.

 Giảm 987 ca mắc tại các ổ dịch

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 7/8, nước ta có thêm 7.334 ca nhiễm mới gồm một ca nhập cảnh và 7.333 ca ghi nhận trong nước (1.281 ca cộng đồng). So với ngày 6/8, số lượng ca mới trong ngày giảm 987 người.

Một số tỉnh như Long An, Khánh Hòa, Tiền Giang có số lượng ca mắc mới giảm. TP.HCM có thêm 3.930 ca (giảm 130 ca so với 6/8). Con số này ở Bình Dương là 882 ca (giảm 287 ca so với ngày 6/8).

Tính đến 7/8, Việt Nam có 200.715 ca nhiễm trong đó có 2.339 ca nhập cảnh và 198.376 ca mắc trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 196.806 ca, trong đó có 63.863 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Chiều 7/8, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, 28 trường hợp mới được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2.

Như vậy, trong ngày 7/8, Thành phố có 82 người nhiễm SARS-CoV-2. Một số ổ dịch cũ tiếp tục có thêm trường hợp nhiễm virus trong ngày, điển hình là Công ty SEI (nguồn lây từ Bắc Giang), nhà thuốc Đức Tâm, Tân Mai (Hoàng Mai). Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm mới không lớn, chủ yếu là F1 đã được cách ly từ trước.

Số ca nhiễm virus mới được phát hiện trong ngày hôm nay chủ yếu đến từ việc truy vết các F0 được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc từ cộng đồng. 66/82 trường hợp nhiễm virus được thành phố xác định qua quá trình này.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1.727 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, 190 trường hợp liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, các chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến nay đã có 1.458 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Hà Nội tận dụng thời gian giãn cách để kiểm soát dịch

Với việc giãn cách xã hội thêm 2 tuần, Hà Nội quyết tâm tận dụng thời gian để kiểm soát dịch bằng cách nâng cao năng lực xét nghiệm và giám sát y tế.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu, diễn biến dịch ở Hà Nội còn phức tạp, khó lường và dự báo còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Do vậy, người dân cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định giãn cách. Thời gian qua, vẫn có các trường hợp đi lại không cần thiết. Một số người vẫn đến cơ quan làm việc.

Cụ thể, môi trường làm việc trong phòng điều hòa kín, kém thông khí làm tăng nguy cơ lây lan virus. Do đó, các cơ quan có thể bố trí cho người lao động làm việc trực tuyến hoặc tạm gác những việc chưa cấp thiết.

Bên cạnh đó, người dân đi chợ vẫn còn nhiều, trong khi chợ là nơi đông người, nhất là chợ đầu mối, người từ khắp nơi đổ về, không loại trừ có trường hợp nhiễm virus.

Vì vậy, theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, mục đích giãn cách là tiếp tục phát hiện ổ dịch mới, từ đó, truy vết, phong tỏa, ngăn vùng đỏ không lây lan, bảo vệ vùng xanh để dịch không xâm nhập.

Chuyên gia cũng dự kiến sau 2 tuần giãn cách tiếp theo, dịch ở Hà Nội sẽ được kiểm soát và có thể nơi lỏng giãn cách. Tuy nhiên, khi gỡ bỏ giãn cách thì phải nới lỏng từ từ theo hoạt động, vùng nguy cơ, không nới lỏng toàn thành phố, tất cả hoạt động một thời điểm.

Hoạt động nào có nguy cơ cao cho sự lây lan dịch bệnh thì vẫn chưa được phép hoạt động. Địa bàn nào còn nguy cơ rất cao - vùng đỏ (có ca F0) vẫn phải giãn cách. Cần dựa trên đánh giá nguy cơ và thực tế để đưa ra quyết định phù hợp.

Đánh giá về kết quả chống dịch 2 tuần giãn cách xã hội vừa qua, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho hay, nếu dừng giãn cách xã hội thì những thành quả, kết quả đạt được thời gian qua khó đảm bảo được.

“Việc tiếp tục giãn cách nhằm khoanh vùng, truy vết, cách ly, xử lý các ổ dịch. Đồng thời tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, chuẩn bị thế chủ động một cách toàn diện”, ông Phong nói.

Vắc-xin Nano Covax được cấp phép thử nghiệm giai đoạn 3 với mức liều 25mcg

Theo đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vắc-xin Nano Covax kéo dài đến tháng 2/2022. Tuy nhiên, nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển vắc-xin, Hội đồng đạo đức quốc gia đã họp khẩn cấp để đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và cho phép thực hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Đối với thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, để sớm có kết quả về tính sinh miễn dịch Hội đồng cho phép chỉ thực hiện các xét nghiệm về tính sinh miễn dịch ở giai đoạn 3a trên 1.000 người tình nguyện.

Cho đến ngày 6/8/2021, Hội đồng đạo đức quốc gia chưa nhận được hồ sơ, báo cáo chính thức nào từ các nghiên cứu viên chính và Tổ chức nhận thử về hiệu lực bảo vệ của vắc-xin Nanogen.

Kết quả cuộc họp sáng ngày 7/8/2021, Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc-xin Nano Covax với dữ liệu theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên của giai đoạn 1 trên 60 người tình nguyện với 3 mức liều 25 mcg, 50 mcg, 75 mcg.

Trên cơ sở cập nhật kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, Hội đồng quyết định tiếp tục cho phép triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với mức liều 25mcg theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, đối với việc nghiên cứu phát triển vắc-xin phòng chống Covid-19 trong nước, chúng ta khẩn trương nhưng cần phải khoa học, chặt chẽ để đảm bảo số liệu đưa ra đủ tin cậy.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ông đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Hội đồng về việc cần thành lập ngay tổ hỗ trợ, phân tích, đánh giá, giám sát số liệu và quy trình của 2 đơn vị tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, và phải có báo cáo trước ngày 14/8/2021.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị nhận thử như Học viện Quân y, Viện Pasteur TP.HCM và đơn vị độc lập là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kết hợp với nhà sản xuất là Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen: Sau khi Hội đồng đã cho phép nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 và giữa kỳ giai đoạn 2 phải khẩn trương hoàn thiện.

Thứ trưởng đề nghị Hội đồng tiếp tục họp vào ngày 15/8/2021 để đánh giá kết quả giai đoạn 3a.

Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị cân nhắc xem xét có tiến hành thêm nghiên cứu bổ sung về việc tiêm mũi 3 vắc-xin Nano Covax hay không. Bên cạnh đó, xem xét bổ sung các chủng mới của virus Corona (như chủng Delta) vào nghiên cứu ở thời điểm thích hợp.

Đặc biệt, theo yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Y tế, quan điểm của Bộ Y tế rất ủng hộ, tạo mọi điều kiện để các tỉnh tham gia thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, phải tuân thủ đúng theo các quy trình, quy định về thử nghiệm lâm sàng. Bộ Y tế không đồng ý việc lợi dụng ưu tiên thử nghiệm lâm sàng vào mục đích thương mại.

Sóc Trăng triển khai phương án điều trị, đáp ứng tình huống dịch xấu hơn

Theo báo cáo của Sở Y tế Sóc Trăng, tính đến 17 giờ ngày 6/8/2021, Sóc Trăng ghi nhận 388 trường hợp xác định dương tính với SARS-CoV-2 ở tất cả 11/11 huyện, thị trấn, thành phố của Tỉnh.

Tại các cơ sở y tế trên địa bàn Tỉnh, hiện đang điều trị cho 336 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 10 trường hợp bệnh nhân nặng, trung bình có khoảng 20 ca mắc mới mỗi ngày, đã điều trị khỏi 48 ca. Đến nay, Sóc Trăng đã có 4 trường hợp tử vong do mắc Covid-19.

Hiện tại các cơ sở y tế của tỉnh Sóc Trăng có khoảng 720 giường phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đó, có 18 giường hồi sức, cấp cứu.

Để đáp ứng công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, Tỉnh đã thực hiện triển khai bệnh viện dã chiến đặt tại cơ sở của Bệnh viện Sản Nhi cũ với quy mô 150 giường bệnh, trong trường hợp cần thiết, có thể mở rộng thành 300 giường, với 50 giường hồi sức, cấp cứu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tỉnh, bệnh viện này cần khoảng 10 ngày nữa mới hoàn thành.

Tổ Công tác Bộ Y tế kiến nghị Sóc Trăng thực hiện phương án điều trị các bệnh nhân Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, để tối ưu hóa các cơ sở y tế, nhân lực, và trang thiết bị.

Trong đó, tầng 1 chăm sóc các ca mắc không triệu chứng, ước tính, chiếm khoảng 80% số lượng ca bệnh; tầng 2 điều trị các bệnh nhân có triệu chứng hoặc có bệnh nền nặng, ước tính, chiếm khoảng 20 % và tầng 3 điều trị các bệnh nhân nặng cần hồi sức chuyên sâu, các ca có diễn biến phức tạp.

Tổ Công tác Bộ Y tế khuyến nghị, nếu số ca F0 không triệu chứng tăng nhanh, có thể chuyển đổi công năng các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh thành các trung tâm thu dung và chăm sóc F0 không triệu chứng và đề nghị chuyển đổi công năng Bệnh viện Quân dân y thành bệnh viện điều trị Covid-19 cho các bệnh nhân thuộc tầng 2 của tháp điều trị 3 tầng.

Trong trường hợp số ca bệnh thuộc phân loại tầng 2 vượt quá 150, thì nên xem xét chuyển Bệnh viện 30/4 thành bệnh viện điều trị tầng 2. Đồng thời, lên phương án chi tiết về công tác điều trị trong trường hợp Sóc Trăng có thể có 600 ca bệnh trong 10 ngày tới.

Trong thời gian tới, Tổ Công tác Bộ Y tế sẽ hỗ trợ Sóc Trăng đào tạo nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19 với các lớp bồi dưỡng kiến thức về: Các nguyên tắc phòng chống dịch; Kiểm soát nhiễm khuẩn; Cấp cứu và hồi sức cơ bản, Kỹ thuật thở máy, với các hình thức đào tạo trực tuyến hay trực tiếp “cầm tay, chỉ việc”.

Hà Nội thêm 36 ca mắc Covid-19 mới

Trưa ngày 7/8, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 36 trường hợp mắc mới, nâng số mắc trong ngày lên 54 trường hợp.

Số bệnh nhân mới ghi nhận thuộc các chùm ca bệnh: 2 bệnh nhân thuộc chùm sàng lọc ho sốt; 28 bệnh nhân thuộc chùm ho sốt thứ phát; 3 bệnh nhân thuộc chùm Tân Mai, Hoàng Mai; 2 bệnh nhân thuộc chùm Bắc Giang tại công ty SEI; 1 bệnh nhân thuộc chùm Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng

Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã có 1.699 trường hợp dương tính, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.027 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 672 ca.

62.332 người đã khỏi bệnh

Theo Bộ Y tế, tính từ 18h30 ngày 6/8 đến 6h ngày 7/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.794 ca nhiễm mới ghi nhận trong nước.

Các tỉnh, thành phố có số mắc cao nhất là TP.HCM (1.836), Bình Dương (882), Đồng Nai (466), Tiền Giang (165), Long An (160), Bà Rịa - Vũng Tàu (100)…

Bộ Y tế họp hội đồng thẩm định liên quan việc cấp phép khẩn cấp vắc-xin Nano Covax.

Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 197.175 ca nhiễm gồm 2.338 ca nhập cảnh và 194.837 ca mắc trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 193.267 ca, 59.558 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình điều trị, tổng số ca khỏi bệnh là 62.332 người. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 518 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.

***

Ngày 6/8, Công ty Nanogen gửi báo cáo hỏa tốc tới Bộ Y tế công bố kết quả ban đầu về hiệu quả của vắc-xin Nano Covax.

Nhóm nghiên cứu báo cáo hiệu giá kháng thể trung hòa của vắc-xin Nano Covax cao gấp hơn 2 lần so với nhóm khỏi bệnh, tương đương hiệu quả bảo vệ là 90% trong việc ngăn ngừa Covid-19 có triệu chứng. 

Sau khi tiêm vắc-xin 3 tháng, hàm lượng kháng thể đặc hiệu của người tiêm Nano Covax vẫn cao hơn 3 lần so với nhóm khỏi bệnh.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết trong sáng nay (7/8), Bộ Y tế họp hội đồng thẩm định và sẽ có thông báo chính thức với báo chí.

Diễn biến dịch Covid-19 tại Hà Nội: Nhiều ca mắc mới từ công trường xây dựng BV Đa khoa Hà Đông

Liên quan công trường xây dựng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, thành phố phát hiện thêm 4 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Tổng cộng tại các ổ dịch ghi nhận 18 ca mắc mới.

Như vậy, từ đêm 5/8 đến nay, công trường này ghi nhận tổng cộng 32 trường hợp nhiễm Covid-19.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc đối với toàn bộ bệnh nhân, người nhà, cán bộ y tế và nhân viên các công ty thuê ngoài. Kết quả cho thấy 600 mẫu gộp đều âm tính với SARS-CoV-2.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1.663 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, 190 trường hợp liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, các chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến nay đã có 1.394 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Thông qua tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng mới đây, thành phố đã phát hiện thêm tổng cộng 672 trường hợp nhiễm Covid-19

Một số khu cách ly, phong tỏa ở Trà Cú chưa đảm bảo yêu cầu chống dịch

Ngày 6/8, đoàn công tác Bộ Y tế đã có buổi khảo sát, đánh giá tình hình phòng chống dịch tại một số khu phong tỏa, khu cách ly trên địa bàn Huyện Trà Cú –một trong những huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Trà Vinh.

Huyện Trà Cú ghi nhận trường hợp F0 đầu tiên trong cộng đồng ngày 20/6 từ TP HCM về địa phương tại xã An Quảng Hữu qua khai báo y tế. Tính đến ngày 6/8, huyện Trà Cú ghi nhận 190 trường hợp F0, trong đó có 102 trường hợp liên quan đến Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong.

Qua khảo sát thực tế tại điểm cách ly tập trung trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Trà Cú và một số khu dân cư nguy cơ lây nhiễm cao, đoàn công tác Bộ Y tế nhận định các địa điểm này chưa đáp ứng đủ những yêu cầu phòng, chống dịch như: Thiếu vùng đệm sạch, không đảm bảo 5K trong khu cách ly, thiếu quần áo bảo hộ, không đảm bảo nhân lực y tế túc trực thường xuyên trong khu cách ly… 

Do đặc thù của huyện Trà Cú là một trong những huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất tại tỉnh Trà Vinh với 62.88% dân số người dân tộc Khmer, đồng thời đây là huyện thuần nông với điều kiện kinh tế còn khó khăn nên công tác phòng, chống dịch tại “điểm nóng” này đang thiếu thốn cả nhân lực, vật lực trong khi đó toàn huyện có tới 7 khu cách ly và 4/15 xã phong tỏa. 

Nhận định sơ bộ về tình hình phòng, chống dịch tại địa phương, TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur HCM cho rằng đây là giai đoạn vàng trong chống dịch, các cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện Trà Cú cần phải cố gắng hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời đoàn công tác Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng cho địa phương. 

TS Nguyễn Vũ Thượng đề nghị, trước mắt huyện Trà Cú cần tái cấu trúc, tập huấn toàn huyện về công tác truy vết, xét nghiệm và điều trị.

Song song với đó, Sở Y tế tỉnh Trà Vinh hỗ trợ huyện Trà Cú xác định các điểm nguy cơ cao, khoanh vùng, rà soát tất cả các trường hợp về từ khu công nghiệp.

Địa phương cần siết chặt việc kiểm soát trong các khu phong tỏa và Chỉ thị 16 trên địa bàn toàn huyện đồng thời thành lập tổ điều phối truy vết tuyến huyện, xử lý dữ liệu nhằm đánh giá tình hình, diễn biến dịch trên địa bàn một cách chính xác từ đó đưa ra chiến lược khoanh vùng dập dịch hiệu quả.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Trà Cú cần phối hợp chặt chẽ với CDC tỉnh Trà Vinh, Sở Y tế tỉnh trong công tác tầm soát, lấy mẫu tại các địa bàn có nguy cơ cao đến rất cao, đảm bảo không bỏ sót các ca F0 trong cộng đồng. 

Sau khi trao đổi với đoàn công tác Bộ Y tế, đại diện Sở Y tế tỉnh Trà vinh cùng các cơ quan ban ngành đã nhanh chóng vạch ra kế hoạch nhằm khắc phục những khó khăn trước mắt và ứng phó lâu dài trong trường hợp tình hình dịch có khả năng diễn biến phức tạp hơn.

Bình Dương: Doanh nghiệp hỗ trợ hàng chục nghìn chai ô-xy để điều trị bệnh nhân Covid-19

Trước những diến biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Công ty Cổ phần Khí đặc biệt Việt-Nga (Khu công nghiệp VSIP 2A, phường Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên) đã hỗ trợ miễn phí khí ô-xy cho các bệnh viện, khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bình Dương.

Được biết, Công ty Việt-Nga sẽ hỗ trợ mỗi bệnh viện, trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 khoảng 5.000 chai ô-xy loại 40 lít, 6,1m3, áp suất 150 bar, vỏ chai là vật liệu thép. 

Tổng số chai khí ô-xy mà phía Công ty Cổ phần Khí đặc biệt Việt-Nga dự kiến hỗ trợ theo kế hoạch là từ 20.000 đến 50.000 chai, tùy theo điều kiện về nhân lực, năng lực chuyên chở và tình hình hoạt động của nhà máy.

Ban giám đốc Công ty Cổ phần Khí đặc biệt Việt-Nga cho biết, trong điều kiện thuận lợi về hoạt động sản xuất và vận chuyển, Công ty có thể sẽ tăng thêm số lượng chai ô-xy hỗ trợ cho tỉnh.

Ngày 6/8, có mặt tại Công ty Cổ phần Khí đặc biệt Việt-Nga để kiểm tra khu vực sản xuất ô-xy, Tổ công tác đặc biệt Bộ Y tế đánh giá cao những đóng góp, trách nhiệm xã hội cũng như nỗ lực của Công ty hỗ trợ Bình Dương trong giai đoạn chống dịch COVID-19.

Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, Công ty Cổ phần Khí đặc biệt Việt-Nga là một trong những đơn vị hỗ trợ cung cấp miễn phí ô-xy cho tỉnh Bình Dương. 

Trong giai đoạn dịch bệnh đang căng thẳng thì đây là hành động rất thiết thực, 50.000 bình ô-xy ước tính lên tới hàng tỉ đồng. Trong quá trình sản xuất, Công ty cũng đảm bảo an toàn, huy động toàn bộ nhân sự làm việc để kịp đáng ứng nhu cầu của tỉnh.

“Tổ công tác Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Bình Dương sẽ phối hợp, tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ cho các công ty cung ứng ô-xy trên toàn tỉnh. Một đơn vị chuyên trách sẽ làm nhiệm vụ xét nghiệm bằng test nhanh cho các lái xe, phụ xe để đảm bảo an toàn khi giao ô-xy đến các cơ sở y tế….”, ông Nam nhấn mạnh.

Một khó khăn mà Công ty Cổ phần Khí đặc biệt Việt-Nga đang gặp phải là thiếu van bình ô-xy, tuy nhiên Công ty đã đưa ra các giải pháp và triển khai lập tức việc nhập khẩu van để đáp ứng kịp thời nhu cầu cho tỉnh.

“Ô-xy và bình không thiếu, chỉ thiếu van nhưng chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục, bàn bạc, phối hợp với công ty khác để đáp ứng nhu cầu của tỉnh Bình Dương”, lãnh đạo Công ty Cổ phần Khí đặc biệt Việt-Nga cam kết.

Tin liên quan
Tin khác