Số liệu vừa được công bố, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong năm 2024 đạt 38,23 tỷ USD. Con số này giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm nước, và chưa đạt tới mục tiêu thu hút 39-40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay.
Mặc dù vậy, đây vẫn là một thành công lớn trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu vẫn đang chậm lại. Điều này một lần nữa cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào điểm đến Việt Nam.
2024 là năm có số vốn đầu tư nước ngoài giải ngân kỷ lục |
Hơn nữa, điểm đáng chú ý là trong khi vốn đăng ký giảm, thì vốn thực hiện lại đạt mức kỷ lục, với 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20,62 tỷ USD, chiếm 81,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, chiếm 7,2%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 4,2%.
LG Display đã tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD, đóng góp đáng kể cho tổng vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam thu hút được trong năm 2024 |
Quay trở lại với tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024, trong năm, có 3.375 dự án được cấp mới, với số vốn đăng ký đạt 19,73 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 7,6% về số vốn đăng ký.
Bên cạnh đó, có 1.539 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với số vốn tăng thêm đạt 13,96 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, có 3.502 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn là 4,54 tỷ USD, giảm 48,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1.397 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp, với giá trị góp vốn là 2,2 tỷ USD; 2.105 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,34 tỷ USD.
Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài kể từ năm 2020 tới nay |
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư nhất. Riêng với phần vốn cấp mới, số vốn đăng ký đã đạt 13,44 tỷ USD, chiếm 68,1% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 24,68 tỷ USD, chiếm 73,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,09 tỷ USD, chiếm 15,1%; các ngành còn lại đạt 3,91 tỷ USD, chiếm 11,6%.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,22 tỷ USD, chiếm 26,8% giá trị góp vốn; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 896,6 triệu USD, chiếm 19,8%; các ngành còn lại 2,42 tỷ USD, chiếm 53,4%.
Trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất, với 6,26 tỷ USD, chiếm 31,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc - 2,89 tỷ USD, chiếm 14,6%; Trung Quốc - 2,84 tỷ USD, chiếm 14,4%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) - 2,17 tỷ USD, chiếm 11,0%.