Ngân hàng
Tin vào sự ổn định của VND và tỷ giá
Thùy Vinh - 03/08/2013 07:48
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Bộ phận kinh doanh tiền tệ, Phòng kinh doanh vốn và ngoại tệ của Ngân hàng HSBC Việt Nam khẳng định, HSBC tin vào sự ổn định cao của tiền đồng và tỷ giá trong những tháng cuối năm.

Thưa ông, đâu là lý do khiến tỷ giá VND/USD biến động mạnh những ngày qua?

Tỷ giá VND/USD giảm trong những ngày qua phản ánh đúng tương quan cung- cầu ngoại tệ trên thị trường. Số liệu thống kê về kim ngạch xuất nhập khẩu từ cơ quan chuyên trách cho thấy, thặng dư thương mại trong tháng 6 của cả nước là 286 triệu USD và số liệu sơ bộ trong tháng 7 là thặng dư 200 triệu USD.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Bộ phận kinh doanh tiền tệ,
Ngân hàng HSBC Việt Nam

Ngoài ra, trong vài tuần qua, chúng tôi còn nhận thấy nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dành cho các giao dịch mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (DN) đang diễn ra khá sôi động ở trong nước.

Cũng không thể không nhắc đến sự phối hợp nhịp nhàng giữa các vụ chức năng ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh lãi suất tiền đồng đến mức phù hợp, tạo sức hấp dẫn hơn khi các ngân hàng, các DN và người dân khi nắm giữ đồng nội tệ.

Nhu cầu về ngoại tệ hiện ra sao? Ông đánh giá thế nào về xu hướng tỷ giá từ nay đến cuối năm? Liệu áp lực nhập khẩu và thanh toán cuối năm có đẩy tỷ giá tăng?

Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định quan điểm của mình về sự tin tưởng vào sự ổn định của tiền đồng trong năm 2013 và đến nay, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm này cho những tháng cuối năm.

Chúng tôi đánh giá như vậy, dựa trên các lý do sau:

Vài năm gần đây, yếu tố chính chi phối cung - cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn là nguồn thu - chi từ hoạt động xuất nhập khẩu. Các yếu tố khác như cung cầu ngoại tệ từ đầu tư nước ngoài và nhu cầu dân cư có tỷ trọng nhỏ và không mang tính chi phối, có thể làm ảnh hưởng lớn đến tỷ giá.

Trong hoạt động xuất nhập khẩu, hai yếu tố then chốt (là sức cầu nội địa cho họat động nhập khẩu và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới) sẽ không có thay đổi đáng kể trong những tháng còn lại của năm 2013.

2013 là năm để Việt Nam từng bước tái cơ cấu nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng, chậm, nhưng chắc và bền vững.

Đương nhiên, các chính sách điều hành tiền tệ của NHNN sẽ không thể thật hoàn hảo và thị trường đôi khi cũng tìm thấy những khe hở của các chính sách này.

Do đó, sẽ có có sự dịch chuyển cơ cấu, cách thức kinh doanh và đôi khi những dịch chuyển này đã tạo ra những con sóng nhất thời về tỷ giá, lãi suất.

Nhưng cái quan trọng nhất là, các nền tảng cơ bản nhất của thị trường về sức mua, sức tiêu thụ nội địa, nhu cầu đầu tư từ phía DN… vẫn chưa thể thay đổi mạnh, thì những con sóng này chỉ là sóng ngắn.

Theo ông, trong bối cảnh hiện nay có tiền nhàn rỗi nên gửi tiết kiệm, hay bỏ vào các kênh đầu tư khác?

Việc đầu tư tiền nhàn rỗi vào kênh gửi tiết kiệm, hay các kênh khác (chứng khoán, địa ốc, vàng và ngoại tệ) phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của từng nhà đầu tư.

Theo tôi, kênh tiền gửi tiết kiệm là rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Tin liên quan
Tin khác