Ngăn tình trạng “cấp khống”
Theo Bộ Y tế, trước đó, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong lĩnh vực khám sức khỏe, trong những năm qua, Bộ Y tế đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành nhiều Thông tư quy định, hướng dẫn về hoạt động khám sức khỏe của nhiều ngành nghề, nhiều nhóm đối tượng như khám sức khỏe đi làm, đi học, lái xe, lái tàu, phi công, thuyền viên, khám tuyển nghĩa vụ quân sự...
Bộ Y tế yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe thuộc quyền quản lý tăng cường chất lượng trong công tác khám sức khỏe người lái xe, chú trọng các chuyên khoa như mắt, tâm thần, cơ xương khớp. |
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy nhiều cơ sở dễ dãi trong việc cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe. Cá biệt, có nơi còn “cấp khống” mà không tiến hành thăm khám.
Trước thực tế nêu trên, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông - Vận tải, Sở Y tế các tỉnh, thành; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ, bệnh viện trực thuộc trường đại học về tăng cường quản lý nhà nước với công tác khám sức khỏe.
Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành kiểm tra, thanh tra các cơ sở thực hiện khám sức khỏe thuộc ngành quản lý; chấn chỉnh, xử lý theo các mức độ đối với các thiếu sót, tồn tại phát hiện trong quá trình thanh, kiểm tra.
Các cơ quan, tổ chức, khi tiếp nhận hồ sơ có giấy khám sức khỏe, nếu có nghi ngờ cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời xử lý.
Đặc biệt, Cục Y tế, Bộ Công an, Cục Y tế Giao thông vận tải, Sở Y tế tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra hoạt động khám sức khỏe đối với người lái xe thuộc thẩm quyền quản lý nhằm ngăn chặn và hạn chế việc cấp giấy khám sức khỏe giả, cấp khống giấy khám sức khỏe.
Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe thuộc quyền quản lý phối hợp cung cấp thông tin của cán bộ được giao đầu mối phụ trách công tác khám sức khỏe, thông tin về bác sĩ thực hiện khám sức khỏe người lái xe (họ và tên, chữ ký đăng ký ...) liên quan đến vụ việc cần xác minh khi được đề nghị.
Phối hợp với chính quyền địa phương, công an sở tại trong hoạt động thông tin truyền thông, xử lý đối với các trường hợp làm giả giấy khám sức khỏe, cố tình làm trái các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khám và cấp giấy khám sức khỏe.
Bộ này cũng yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe thuộc quyền quản lý tăng cường chất lượng trong công tác khám sức khỏe người lái xe, chú trọng các chuyên khoa như mắt, tâm thần, cơ xương khớp.
Đối với các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc trường đại học; y tế bộ ngành, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường quản lý công tác khám sức khỏe và cấp giấy khám sức khoẻ, kiểm tra, thanh tra công tác khám sức khỏe và phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc xử lý, giải quyết các trường hợp vi phạm về khám sức khỏe như giấy khám sức khỏe giả, cấp giấy khám sức khỏe khi không có người khám.
Hơn 31 triệu người được cấp hộ chiếu vắc-xin
Đến nay hơn 31 triệu người đã có hộ chiếu vắc-xin. Hộ chiếu vắc-xin sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC- COVID. Hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam có thể được sử dụng tại 81 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Mã QR của hộ chiếu vắc-xin có thời hạn 12 tháng kể từ ngày Bộ Y tế ký số xác nhận. Khi mã hết hạn, người dân sẽ được thông báo và tự động khởi tạo mã QR mới để sử dụng.
Hộ chiếu vắc-xin sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC- COVID hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới.
Hiện nay, hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam đã được kết nối với hệ thống của EU. Qua đó, các phần mềm COVID-19 của các quốc gia thuộc EU có thể xác thực được hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam. (Ví dụ: App CovidCheck của Thụy Sĩ, App Corona-Warn của Đức,…)
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đồng ý chấp nhận chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 của EU cấp cho công dân EU.
Theo đó, chứng thư số tương ứng với khoá bí mật đã được sử dụng để ký số lên hộ chiếu vắc-xin của các quốc gia tham gia EU DGC sẽ được đưa vào hệ thống của Việt Nam thông qua kết nối với EU gateway.
Công dân, cơ quan chức năng có thể sử dụng ứng dụng NEAC QR offline do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng để kiểm tra tất cả hộ chiếu vắc-xin của EU và các nước đã tham gia hệ thống.
Trước đó, ngày 11/5 vừa qua, Uỷ ban châu Âu (EC) cũng đã ban hành Quyết định công nhận hộ chiếu vắc-xin điện tử của Việt Nam.