Theo ông Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), việc tổ chức hội nghị giao ban giữa lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị tại các vùng là để có điều kiện trao đổi cụ thể, thắng thắn các vấn đề, đặc biệt là các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, cũng như các đề xuất, kiến nghị với Tập đoàn để thực hiện hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ, vì mục tiêu chung phát triển Tập đoàn.
Thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, các đơn vị vùng Cẩm Phả đã bám sát chỉ đạo, điều hành của Tập đoàn và kế hoạch sản xuất kinh doanh, chủ động trong sản xuất, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, nỗ lực thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ.
Kết quả sau 9 tháng, vùng Cẩm Phả có sản lượng than nguyên khai sản xuất đạt trên 12,7 triệu tấn, bằng 69,07% kế hoạch năm; bốc xúc đất đá 55.324 m3, bằng 55,98% KH năm; mét lò đào 93.596m, bằng 72,19% kế hoạch năm; sản lượng than tiêu thụ đạt 16,360 triệu tấn, bằng 72,97% kế hoạch năm.
Một số đơn vị đạt kết quả cao trong sản xuất than nguyên khai như Than Đèo Nai đạt 83,53% kế hoạch năm; Khe Chàm đạt 80,58% kế hoạch năm; Thống Nhất đạt 76,58% kế hoạch năm.
Tiền lương bình quân của người lao động tại Công ty Than Khe Chàm đạt 19,92 triệu đồng/người/tháng; Công ty Than Dương Huy đạt 19,8 triệu đồng/người/tháng; Công ty Than Quang Hanh đạt 18,01 triệu đồng/người/tháng; Công ty Than Mông Dương đạt 17,95 triệu đồng/người/tháng; Công ty Xây lắp mỏ đạt 18,45 triệu đồng/người/tháng; các đơn vị khối cơ khí, dịch vụ đạt từ 10,5-14 triệu đồng/người/tháng…
Tại vùng Hạ Long, trong 9 tháng đầu năm 2023, các đơn vị đã sản xuất than nguyên khai và than sạch đạt từ 76% kế hoạch năm trở lên.
Tiêu biểu như Công ty Than Hòn Gai sản xuất than nguyên khai đạt trên 1,56 triệu tấn, bằng 82% kế hoạch năm, tiêu thụ đạt trên 1,8 triệu tấn, bằng 93% kế hoạch năm. Công ty Than Hà Tu sản xuất than đạt trên 2 triệu tấn, bằng 80% kế hoạch năm, tiêu thụ đạt trên 2,8 triệu tấn, bằng 105% kế hoạch năm.
Công ty Tuyển than Hòn Gai có sản lượng tiêu thụ than đạt 10,5 triệu tấn, bằng 90% kế hoạch năm; Công ty Chế biến than Quảng Ninh có lượng than tiêu thụ đạt 4 triệu tấn, bằng 109% kế hoạch năm.
Đáng chú ý là Trường Cao đẳng TKV có kết quả tuyển sinh nghề mỏ hầm lò đạt 5.410 học sinh, bằng 118,9% kế hoạch năm.
Doanh thu và tiền lương của các đơn vị khối than cơ bản hoàn thành kế hoạch Tập đoàn giao. Cụ thể, thu nhập bình quân của người lao động tại Công ty Than Hòn Gai đạt 19,4 triệu đồng/người/tháng; Công ty Than Hà Lầm đạt 18,8 triệu đồng/người/tháng; Công ty Than Hà Tu đạt 12,8 triệu đồng/người/tháng.
Tại các đơn vị dịch vụ như Công ty Hoa tiêu hàng hải cũng đạt 23,5 triệu đồng/người/tháng; Công ty Giám định đạt 16,2 triệu đồng/người/tháng…
Nhiệt điện than hiếm đóng góp khoảng 50% sản lượng điện cả nước |
Theo báo cáo của vùng Miền Tây (Quảng Ninh), 9 tháng đầu năm 2023 các đơn vị sản xuất than đạt sản lượng than khai thác từ 72-77,2% kế hoạch năm.
Cụ thể, Công ty Than Vàng Danh đạt trên 3 triệu tấn, bằng 77,2% kế hoạch năm; Công ty Than Mao Khê đạt 1,687 triệu tấn, bằng 72% kế hoạch năm; Công ty Than Uông Bí đạt 1,89 triệu tấn, bằng 76% kế hoạch năm; Than Nam Mẫu đạt 1,67 triệu tấn, bằng 75,9% kế hoạch năm. Các chỉ tiêu mét lò đào, than tiêu thụ, doanh thu cơ bản tại vùng Miền Tây (Quảng Ninh) cũng đạt kế hoạch đề ra. Công ty Kho vận Đá Bạc có sản lượng than tiêu thụ đạt trên 9,4 triệu tấn, bằng 79,5% kế hoạch năm.
Thu nhập bình quân của người lao động các đơn vị sản xuất than tại đây đều đạt trên 100% kế hoạch như Công ty Than Vàng Danh đạt 20 triệu đồng/người/tháng, bằng 116% kế hoạch năm; Công ty Than Mạo Khê đạt 21 triệu đồng/người/tháng, bằng 111% kế hoạch năm; Công ty Than Uông Bí đạt gần 18 triệu đồng/người/tháng, bằng 102,6% kế hoạch năm…
Bên cạnh đó, Giám đốc các đơn vị cũng đã phản ánh các khó khăn trong công tác đổ thải, giải phóng mặt bằng, công tác đầu tư, tái cơ cấu, các vấn đề liên quan đến địa phương và các cơ quan chức năng, các kiến nghị, đề xuất với Tập đoàn…, đồng thời có ý kiến về thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuât, tháo gỡ các khó khăn, về việc làm, tiền lương, bố trí sắp xếp lao động, giải quyết các chế độ chính sách, xây dựng nhà ở, chăm lo đời sống cho người lao động…
Khẩu hiệu an toàn ở mọi nơi để nhắc nhở người lao động |
Yêu cầu các đơn vị tập trung cao độ cho sản xuất, đảm bảo an toàn lao động, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 và chuẩn bị tốt cho kế hoạch năm 2024, Tổng giám đốc TKV, ông Đặng Thanh Hải nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện tốt “3 An” là An toàn - An ninh - An sinh.
Trong đó, an toàn lao động là mục tiêu quan trọng hàng đầu cùng với thực hiện tốt công tác quản lý, quản trị nội bộ, bảo vệ tài nguyên, tài sản, an ninh trật tự trong sản xuất và trên địa bàn. Đồng thời các đơn vị cần quan tâm đảm bảo việc làm, thu nhập và chăm lo đời sống, giữ chân người lao động.
“Sau hội nghị giao ban 3 vùng này, Tập đoàn cũng sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, các kiến nghị đề xuất của các đơn vị để ổn định, phát triển sản xuất”, ông Hải cho hay.
Cũng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong chỉ đạo điều hành, thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là trong công tác quản lý, quản trị, đảm bảo an toàn lao động, an ninh trật tự trong sản xuất, Chủ tịch HĐTV TKV Ngô Hoàng Ngân đã đề nghị các đơn vị vùng Hạ Long tăng cường sản xuất, chế biến than từ sản phẩm ngoài than; các đơn vị vùng Miền Tây nghiêm túc chấn chỉnh công tác an toàn lao động, rà soát lại công nghệ, kiểm soát khí mỏ, không để xảy ra tai nạn lao động và sự cố nghiêm trọng.
Để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm, các đơn vị cũng cần tích cực, chủ động trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rà soát các chỉ tiêu kế hoạch, cũng như các quy chế, quy định để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển sản xuất, sớm triển khai các dự án trọng điểm.
Mục tiêu trước mắt là trong quý IV/2023, các đơn vị tập trung đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng, đáp ứng than cho nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh và cả nước.