Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra sản xuất tại Nhà máy Alumin |
Đóng góp tích cực
Theo ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc TKV, kể từ khi Tổ hợp Dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin Nhân Cơ đi vào vận hành thương mại (ngày 1/7/2017), TKV luôn chú trọng triển khai áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn.
Cụ thể, đã xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong các công đoạn sản xuất alumin; cải tiến dây chuyền thiết bị; đẩy mạnh tin học hóa, tự động hóa; sử dụng tối đa nước tuần hoàn; giảm tiêu hao vật tư... Nhờ đó, các chỉ tiêu về sản lượng, chất lượng sản phẩm đều tốt hơn thiết kế. Sản phẩm của dự án được xuất khẩu sang một số nước.
Dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin Nhân Cơ đã tạo việc làm trực tiếp cho hơn 1.100 lao động, tạo động lực phát triển cho ngành dịch vụ, phụ trợ, góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp; tăng đóng góp ngân sách cho địa phương. Đồng thời, TKV đã thực hiện tốt 5 yêu cầu tại Kết luận số 245-TB/TW ngày 24/4/2009 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 775/NQ- UBTVQH13 ngày 23/6/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về đảm bảo môi trưởng tự nhiên; giữ vững an ninh quốc phòng; gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển hạ tầng giao thông, hiệu quả kinh tế của dự án.
Kết quả thực hiện thí điểm 2 tổ hợp alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng) đã được Bộ Công thương tổng kết, được Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị đánh giá cao và chỉ đạo tiếp tục mở rộng hai dự án, phát triển ngành công nghiệp bauxite - alumin - nhôm trong thời gian tới (tại Kết luận số 31-KL/TW ngày 7/3/2022 của Bộ Chính trị).
Cũng theo Kết luận số 31-KL/TW về định hướng phát triển ngành công nghiệp bauxite - alumin - nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nhu cầu thị trường tiêu thụ, hiện trạng trữ lượng tài nguyên…, TKV đã xây dựng định hướng đầu tư phát triển lĩnh vực bauxite - alumin - nhôm của Tập đoàn gắn với Chiến lược Phát triển khoáng sản và Chiến lược Phát triển TKV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch Hội đông Thành viên TKV, trong buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông mới đây, đã đề nghị địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho TKV thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Tập đoàn sẽ sớm triển khai dự án theo kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban sẽ cùng TKV và tỉnh Đắk Nông nghiên cứu quy hoạch tổng thể về khoáng sản trên địa bàn để mang lại hiệu quả cao hơn. Cụ thể là, hỗ trợ khai thác những tiềm năng hiện có như nâng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ hoặc xây dựng một vài nhà máy ngay tại hạ tầng của Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV.
Sau khi các bên phối hợp, thống nhất sẽ cùng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng thể chiến lược đầu tư tại tỉnh Đắk Nông.
Không xuất khẩu khoáng sản thô
Kể từ khi đi vào hoạt động, Công ty Nhôm Lâm Đồng đã luôn chú trọng áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, các chỉ tiêu về sản lượng, chất lượng sản phẩm, tiêu hao vật tư chủ yếu (xút, than, điện) đều tiết kiệm và tốt hơn rất nhiều so với thiết kế.
Đến nay, công suất của nhà máy đạt 735.000 tấn alumin, bằng 113% công suất thiết kế.
Song song với việc nâng cao sản lượng trong sản xuất - kinh doanh, Công ty luôn duy trì công tác bảo đảm an toàn trong sản xuất, an toàn lao động, an toàn môi trường, được các cơ quan giám sát, quản lý và cộng đồng dân cư tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao.
Mô hình “Nhà máy - Công viên” đã được triển khai tại nhà máy, khai trường, đáp ứng tốt các tiêu chí về “Sáng - Xanh - Sạch”. Ngoài ra, Công ty đã đưa vào sử dụng thử nghiệm phần mềm Nhận lệnh sản xuất theo chủ trương “Công trường, phân xưởng nói không với sổ sách”.
Hiện nay, tổng số lao động của Công ty là 1.354 người, trong đó, có 1.101 lao động là người địa phương (tỉnh Lâm Đồng) và 55 người dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân của người lao động đều tăng qua các năm, như năm 2013 là 5,3 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2022 đạt 15,7 triệu đồng/người/tháng. Đời sống người lao động luôn được quan tâm, chú trọng, các chế độ được duy trì hàng năm với xu hướng và mục tiêu năm sau luôn tốt hơn năm trước.
Năm 2023, Công ty Nhôm Lâm Đồng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tối ưu hơn nữa trong công tác quản lý, vận hành dây chuyền sản xuất, quản trị chi phí, trong đó, tập trung phát huy hiệu quả chương trình chuyển đổi số…, phấn đấu tiếp tục hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm.