Việc hoàn tất sáp nhập một công ty cùng ngành có nhiều tiềm lực sẽ giúp Vinamed dễ hiện thực hóa tham vọng sắp tới. |
Diện mạo sau sáp nhập
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho Vinamed với vốn điều lệ mới trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của công ty này thông qua, dựa trên phương án nhận sáp nhập Mediplast. Như vậy, với nền tảng có sẵn, cộng thêm sức mạnh được tiếp thêm từ Mediplast, Vinamed sẽ có thêm nguồn năng lượng mới trong giai đoạn tới.
Vinamed vốn là một trong những công ty giàu truyền thống nhất trong ngành thiết bị y tế, với tiền thân là Cục Vật tư và Xây dựng cơ bản (Bộ Y tế) và chuyển thành Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam từ giữa năm 1996. Năm 2016, Vinamed chuyển thành công ty cổ phần và đang tập trung hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và phân phối các thiết bị y tế.
Dự kiến, Vinamed sẽ phát hành bổ sung cổ phần bằng phương pháp chào bán cổ phần riêng lẻ để hoán đổi cho các cổ đông hiện hữu của Mediplast theo tỷ lệ 3:1.
Dù mới hoàn tất cổ phần hóa hơn 1 năm nay, nhưng Vinamed đã cho thấy nhiều tham vọng lớn và rõ ràng, việc hoàn tất sáp nhập một công ty cùng ngành có nhiều tiềm lực như Mediplast sẽ giúp đại gia này dễ dàng hiện thực hóa các tham vọng.
Ông Phạm Quang Huy, Chủ tịch HĐQT Vinamed cho biết, sau sáp nhập, Công ty vẫn duy trì Mediplast làm sản phẩm nhựa y tế và các sản phẩm tiêu hao trong y tế. Việc sáp nhập Mediplast vào Vinamed là một bước quan trọng trong việc xây dựng Vinamed như một doanh nghiệp chuyên doanh trong lĩnh vực y tế trên 5 lĩnh vực chính, tạo thành một chuỗi cung ứng sản phẩm - dịch vụ khép kín.
Các dự án giàu tham vọng
Vinamed đang ấp ủ một số kế hoạch đầu tư giàu tham vọng vào các dự án ngành y tế. Dự kiến đầu năm 2018, Công ty sẽ tham gia đầu tư Dự án Xây dựng khối 1 - Khu khám và điều trị dịch vụ của Bệnh viện Nhi đồng 1 theo hình thức đối tác công - tư (PPP). 2 đối tác cùng tham gia với Vinamed trong dự án này là Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng An Điền (Andienco).
Một dự án hợp tác xây dựng cơ sở vật chất bệnh viện nữa mà Vinamed cũng có kế hoạch đầu tư là Dự án Khu dịch vụ y tế chất lượng cao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư 793 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức đầu tư xã hội hóa với chủ đầu tư là liên doanh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Vinamed.
Sau khi tiếp nhận sáp nhập Mediplast, Vinamed tiếp quản một dự án nữa của Mediplast. Đó là Dự án Nhà máy sản xuất các dụng cụ y tế bằng nhựa giai đoạn I, với tổng vốn đầu tư hơn 63,4 tỷ đồng. Nhà máy được xây dựng tại Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn, Bắc Ninh. Nhà máy sản xuất các sản phẩm truyền thống là: bơm kim tiêm bằng nhựa, các loại bơm tiêm tự khóa, các loại dây truyền dịch, dụng cụ y tế bằng nhựa.
Nhà máy mới được đầu tư để có thể sản xuất một số sản phẩm mới gồm dây truyền máu, bơm tiêm liền tự khóa, kim luồn bằng nhựa… Các khoản chi chính để xây dựng nhà máy gồm chi xây dựng hơn 34,7 tỷ đồng, chi phí thiết bị hơn 13 tỷ đồng, chi phí thuê đất và hạ tầng hơn 4,7 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng hơn 2,67 tỷ đồng…