Ngân hàng - Bảo hiểm
Tôi không tiết kiệm nổi tiền vì muốn tạo vẻ doanh nhân thành đạt
Kim Anh - 30/11/2017 08:30
Mua sắm, chọn việc chỉ để người khác ngưỡng mộ mình, mà không quan tâm đến khả năng hay nhu cầu thật khiến anh Huy lãng phí tiền bạc.
Tôi từng tốn tiền cho trang phục chỉ để người khác ngưỡng mộ - Ảnh minh họa: catholicdadsonline.org

Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Huy, 35 tuổi, hiện sống ở TP HCM về sai lầm trong quản lý tài chính của mình:

Tôi là con út trong nhà có 5 anh chị em nên được bố mẹ và các anh chị khá cưng chiều. Hai chị gái tôi chỉ được học hết tiểu học, hai anh trai học hết cấp hai và cấp ba, riêng tôi được bố mẹ cho học đến cao đẳng rồi liên thông lên đại học. 

Bố mẹ tôi là người miền Bắc, vào TP HCM lập nghiệp từ đầu những năm 1990. Hồi đó đất ngoại thành Sài Gòn khá rẻ nên bán nhà ở quê, chúng tôi cũng mua được một mảnh đất rộng mấy trăm mét vuông ở đây. Sau đó, bố mẹ tôi còn dành dụm tiền mua thêm đất xung quanh, với ý định sau này chia cho mỗi đứa con một khoảnh để anh chị em được ở gần nhau.

Năm 1997, quận 12 được thành lập, nhà tôi từ chỗ là ngoại thành - huyện Hóc Môn được trở thành quận trung tâm. Mặc dù vậy, dân cư ở đây vẫn rất thưa thớt, toàn quận trông vẫn nghèo nàn không bằng ở thị xã quê tôi.

Năm 2004, khi bố mẹ chia đất cho các con để chúng tôi tự lo liệu cuộc sống, giá đất khu vực nhà tôi vẫn rất rẻ, chỉ vài triệu/m2. Mỗi đứa được một khoảnh hơn 100m2. Hai anh của tôi là công nhân, đều đã lập gia đình, họ cất phòng trọ trên đất được cho để tăng thêm thu nhập. Hai chị gái tôi kinh doanh buôn bán, họ bán đất được bố mẹ cho, vì các anh rể không thích ở gần, lấy vốn mở rộng làm ăn.

Tôi có đất riêng, cũng xây phòng trọ cho thuê, còn bản thân ở chung với cha mẹ. Được cả nhà nuông chiều nên từ bé tôi đã được ăn ngon mặc đẹp nhất nhà. Có ít tiền, tôi chủ yếu đầu tư cho bề ngoài của mình, để chứng minh dân ngoại thành cũng sành điệu như ai.

Tôi nhận thấy mỗi lần ăn mặc đẹp, các bạn gái nhìn mình ngưỡng mộ hơn. Khi đi vào nhà hàng, ngân hàng, trung tâm mua sắm... nếu mặc tươm tất, tôi được săn đón, phục vụ chu đáo hơn trong khi hôm nào đi tông xỏ ngón, quần lửng thì không ai thèm tiếp. Và đó chính là lý do khiến tôi không tiếc tiền mua sắm để khiến người khác ngưỡng mộ mặc dù bản thân không hề cần đến món đồ đó.

Ví dụ, hồi năm 2008, khi máy tính xách tay vẫn là một sản phẩm ít người dùng, sau một năm đi làm, tôi đã bỏ ra 1.700 đôla Mỹ (khoảng 22 triệu đồng) mua một chiếc chỉ để không bị thua kém bạn gái. Bạn tôi làm thiết kế đồ họa nên cô ấy dùng máy tính thường xuyên. Còn laptop tôi mua chủ yếu dùng để xem đĩa CD. Mỗi lần ra quán cà phê ngồi, tôi vẫn ôm theo cái laptop nặng hơn 3kg bên người, trông không khác gì một doanh nhân thành đạt - hình mẫu mà tôi đang hướng tới.

Tôi cũng thay điện thoại liên tục theo trào lưu của giới trẻ, tôi sử dụng điện thoại smartphone từ rất sớm. Năm 2010, khi iPhone 4 mới xuất hiện ở Việt Nam, tôi là một trong những người đầu tiên mua nó.

Vẫn được cha mẹ nuôi ăn, ở, thu nhập của tôi dùng để mua sắm cho bản thân và giao lưu với bạn bè, thỉnh thoảng mua quà cho bố mẹ hay dẫn bọn cháu đi chơi. Bạn bè thấy tôi tính phóng khoáng, có chỗ nào chơi hay ăn uống gì đều gọi tôi. Đi với bạn trai, chúng tôi có thể chia đầu người trả tiền, nhưng đi với phụ nữ thì tôi vẫn tranh trả tiền mặc dù có khi thu nhập của tôi không bằng họ.

Quãng thời gian 2010-2013, tuần nào tôi cũng nhận được thiệp mời đi dự đám cưới, bạn học, bạn hàng xóm, bạn công ty, bạn trong đội bóng, bạn uống cà phê thuốc lá, và cả bạn của bạn. Có tháng, tiền lương của tôi chỉ dành cho việc đi ăn cưới là hết.

Năm 2014, sau khi lấy vợ, tôi chán công việc cơ khí của mình một phần vì cảm thấy công việc không sang chảnh, quần áo lấm lem dầu mỡ, một phần thu nhập mãi không tăng (mà nguyên nhân là do tôi không chú tâm làm việc). Tôi nghỉ việc, mở quán cà phê. Là chủ một quán cà phê nhỏ, nhưng tôi đầu tư mua một chiếc ôtô 500 triệu để bạn hàng kính nể. Để có số tiền kinh doanh, tôi đem thế chấp mảnh đất của mình. Ôtô mua được cũng nhờ vay tiền ngân hàng.

Việc buôn bán không thành công, tôi đã phải đóng cửa sau chưa đầy một năm. Tôi phải bán bớt đất của mình đi để trả nợ, bán ôtô lỗ cả trăm triệu. 

Tôi bắt đầu thay đổi quan điểm mua sắm sau khi được gặp gỡ một chuyên gia tâm lý sống theo phong cách tối giản. Cơ duyên gặp gỡ bắt nguồn từ việc chữa trị cho vợ tôi mắc chứng trầm cảm sau sinh.

Bây giờ tôi trở về làm kỹ sư cơ khí trong một xưởng sửa chữa xe, hưởng lương hơn chục triệu/tháng. Vợ chồng tôi vẫn chưa xây được nhà, đang ở tạm trong một phòng trọ của mình. Chúng tôi mới có một đứa con và vợ tôi tuyên bố nếu chưa xây được nhà tử tế thì thôi không đẻ nữa.

Đôi lúc tôi cũng chạnh lòng khi nhìn sang thấy những người bạn học, những đồng nghiệp xưa giờ đều đã thăng tiến, nhà cao cửa rộng. Những người bạn hay giao lưu với tôi ngày trước, khi tôi gặp khó khăn chẳng giúp đỡ được gì cho tôi nên giờ chúng tôi cũng không chơi với nhau.

Tôi cứ tiếc, giá như ngày đó tôi bớt sĩ thì có lẽ bây giờ cuộc sống của tôi đã khác. Đầu năm nay, tôi từng nghĩ sẽ tặng sinh nhật mình là một chiếc điện thoại iPhone 8 nhưng khi sinh nhật tôi vào tháng 11 qua đi, tôi hiểu rõ mình chỉ có mục đích nghe, gọi, vào mạng xem vài thông tin, lên Face chát với bạn bè, chụp vài kiểu ảnh kỉ niệm. Chiếc điện thoại cũ tôi đang sử dụng vẫn làm tốt chức năng này nên tôi không mua gì nữa. Vợ tôi mừng lắm. Tôi cũng chỉ muốn nói với vợ rằng, tôi đã sống thực tế hơn, hết tính sĩ rồi.

Tin liên quan
Tin khác