Ngân hàng - Bảo hiểm
Tôi phải tay hòm chìa khóa sau 2 năm vợ tiêu nhẵn lương chồng
Bảo Ngọc - 24/12/2017 08:39
Sau 2 năm vợ giữ tiền, anh Dũng tá hỏa khi biết gia đình không còn một xu, vợ còn mang nợ 100 triệu.
Ảnh minh họa: The Cheat Sheet

Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Đình Dũng, 40 tuổi ở Cần Thơ về lý do dù không muốn quản kinh tế gia đình, anh phải nhận trách nhiệm này khi vợ tiêu xài vô lý:

Hồi mới yêu, vợ - làm chung cơ quan, thỉnh thoảng lại vay tôi vài trăm nghìn vào cuối tháng dù thu nhập của cô ấy không kém tôi bao nhiêu. Tôi không hay để ý tiểu tiết và cũng tặc lưỡi nghĩ đến khi lập gia đình nàng sẽ khác, nên chẳng bận tâm nhiều. Cưới nhau xong, chúng tôi thuê nhà trọ, ngày ngày đi làm cùng nhau. Lương được 6 triệu, tôi giao gần hết cho vợ, chỉ giữ lại một chút tiêu vặt. 

Vợ tôi tốt tính, chăm chồng chu đáo, luôn quan tâm tới mọi người xung quanh. Chỉ có một điều cô ấy chưa tốt là chi tiêu cảm tính, thích gì mua nấy. Sau hai năm giao lương cho vợ giữ, tôi hỏi nhà mình tiết kiệm được bao nhiêu để liệu lên kế hoạch sinh con, mua đất thì vợ "khai" rằng không còn một xu. 

Vợ tôi có tính thích mua sắm, hay cho bà con mượn tiền nếu họ than khổ. Thậm chí cô ấy sẵn sàng đi mượn tiền giùm, người ta không trả thì mình lại phải gánh. Tôi chỉ biết được việc này khi có lần bắt gặp người ta đến nhà mình đòi nợ. Sau một hồi hỏi han, tôi choáng váng khi biết cô ấy đang nợ 100 triệu, của vài mối khác nhau.

Lúc đó giận lắm nhưng tôi vẫn phải cố kìm lại. Tôi cho rằng vợ chồng là đồng lòng chia sẻ, miễn là đừng có chuyện ngoại tình, lừa dối gì thì mấy việc mất mát về tiền bạc đều có thể từ từ giải quyết.  

Sau khi phát hiện ra mọi việc, tôi đề nghị vợ lên bảng chi tiêu chi tiết trong nhà. Tôi kiểm tra lại thấy khoản nào thấp thì tăng lên, cái nào cao thì giảm xuống, nếu tiêu không hợp lý thì bỏ bớt. Sau đó, mỗi tuần tôi giao cho vợ một khoản tiền vừa đủ lo các chi phí sinh hoạt trong gia đình như đã thống nhất. Sau mỗi tháng, cả hai cùng ngồi lại kiểm tra, cân đối. 

Điều hay là đang có khoản nợ to nên vợ tôi rất hợp tác, chi tiêu theo đúng kế hoạch đã đặt ra. Sau vài tháng như vậy, tôi giao tiền sinh hoạt cho vợ theo tháng. Cứ như thế, sau một năm thì chúng tôi trả hết khoản nợ 100 triệu của cô ấy và bắt đầu lên kế hoạch tiết kiệm. Mỗi năm, tôi sẽ tăng số tiền đưa cho vợ theo một tỷ lệ nhất định - tầm 10%. 

Tất nhiên, không phải lúc nào vợ tôi cũng chi tiêu hợp lý. Nhiều lần, tôi vẫn phải mang đồ ăn bỏ thùng rác thì vợ mua quá nhiều, dùng không kịp. Những khi đó, tôi thường nửa đùa nửa thật: "Mỗi lần phải mang đổ đồ ăn là anh sẽ trừ em 500 ngàn vì cái tội mắt to hơn bụng nha!". Và cô ấy sau đó đã rút kinh nghiệm.

Hiện tại, lương tôi là 22 triệu, cộng các khoản thưởng thì thu nhập một năm cũng được hơn 300 triệu. Vợ tôi đã nghỉ làm, ở nhà thu vén, lo cho hai con đi học. Một mình tôi đi làm nhưng cả gia đình ăn tiêu vẫn thoải mái. Mỗi tháng tôi đưa vợ 12 triệu để lo sinh hoạt cho cả nhà 4 người, cộng thêm 2 triệu nữa để cô ấy cầm biếu ba mẹ tôi. Phần nhà ngoại, cần cho, biếu khi nào thì tôi sẽ tự làm. Khoản còn dư, tôi lo ăn tiêu cá nhân và trả nợ ngân hàng khoản mua ngôi nhà hơn 100 m2 đang ở. 

Thực sự tôi nghĩ rằng trên đời không ai hoàn hảo, người được mặt này lại kém mặt khác. Vợ hay chồng cũng vậy. Vì thế, trong quản lý chi tiêu ở gia đình, ai làm tốt điều gì thì phát huy, người kém thì không cho làm nữa. Khi đã kết nghĩa vợ chồng thì cả hai từ từ cùng tìm cách phù hợp với nhau, chủ yếu là phải xuất phát từ sự yêu thương, thiện chí xây dựng.

Khi không đưa toàn bộ lương cho vợ quản nữa mà chỉ phát tiền theo tuần, theo tháng, tôi vẫn để cô ấy có thể theo dõi được (qua điện thoại) phần tiền còn lại có bao nhiêu, dành cho việc gì. Tôi cũng thể hiện cho vợ thấy từ lúc mình quản tiền thì gia đình rủng rỉnh hẳn, rồi có tiền mua được nhà. Chứ nếu mình quản lý tài chính mà cả nhà nheo nhóc, rồi mang nợ thì chắc chắn không bà vợ nào nể và theo.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Hoa (đường dây tư vấn tâm lý 1088 TP HCM) trong gia đình, ai là người có khả năng kiểm soát chi tiêu tốt hơn thì người đó giữ tay hòm chìa khóa, không nhất thiết phải là phụ nữ.

Anh Dũng đã có cách xử lý khéo léo khi phát hiện vợ chi tiêu không hợp lý: Anh không chỉ trích vợ mà cùng ngồi lại xem xét tình hình tài chính gia đình rồi lập kế hoạch chi tiêu cụ thể, giúp vợ trả hết khoản nợ. Anh vẫn đưa tiền để vợ trực tiếp mua sắm các khoản cần thiết trong gia đình nhưng với sự kiểm soát số lượng, theo chu kỳ thời gian ngắn và thường xuyên rà soát lại. Việc để vợ vẫn theo dõi được các khoản thu, tích lũy cũng giúp người vợ tin tưởng chồng và cùng đồng lòng thực hiện kế hoạch tài chính gia đình.

Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê, TP HCM cho biết, ngay khi lập gia đình các đôi cần trò chuyện cởi mở và thẳng thắn với nhau về việc quản lý tài chính. Cần lên kế hoạch thu chi và vạch ra mục tiêu tài chính trong từng giai đoạn. Dù vợ hay chồng là người giữ tiền thì người kia cũng cần quan tâm và biết rõ các khoản thu chi để góp ý và phát hiện sớm các vấn đề không ổn, tìm cách khắc phục kịp thời.

Tin liên quan
Tin khác