Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Mỹ Thanh, 38 tuổi (Cầu Diễn, Hà Nội) về những điểm lợi bất cập hại khi tiết kiệm tiền bằng cách mua đồ giá rẻ.
Mùa đông năm ngoái, nhà có người giúp việc nên tôi mua một chiếc đệm mới 1,2m. Đến một cửa hàng bình dân chuyên bán đệm, sau khi xem xét nhiều loại, tôi chọn một chiếc dày 9cm, trông bên ngoài khá bắt mắt, lại có giá rẻ chỉ bằng 2/3 so với cái cùng loại thuộc thương hiệu Hàn Quốc có tiếng. Lúc mua, tôi chỉ ấn bên ngoài lớp bọc nilon, thấy độ cứng đảm bảo nên quyết mua ngay. Cả đệm và gas (cũng rẻ) chỉ 1,5 triệu.
Sau vài tháng người giúp việc nghỉ làm, chiếc đệm được chuyển cho con gái tôi sử dụng. Gần đây, khi nhà có việc, tôi sang phòng con nằm thử thì bất ngờ phát hiện khó chịu vô cùng. Đệm dày, cứng nhưng theo kiểu cứng ngoắc chứ không nâng đỡ êm ái, vừa nằm xuống đã có cảm giác rát ngứa lưng, bí bách vô cùng. Con gái và chồng tôi đều có cùng cảm giác nhưng không hề kể lại. Kiểm tra kỹ lớp vỏ đệm tôi thấy nó cứng như được hồ khô, bí sàn sạt và không thấm mồ hôi. Đây là nguyên nhân khiến đệm không thoáng mát.
Ngay hôm sau, tôi đi mua một chiếc đệm khác cho con. Lần này, tôi lựa chiếc đệm của hãng có tên tuổi nhất nhì trên thị trường, loại 5 cm, giảm 20% cũng chỉ gần 2 triệu. Sau đêm đầu tiên ngủ trên chiếc đệm và ga mới, cô con gái 12 tuổi của tôi thốt lên: "Êm ái, mát dịu mẹ ạ, nằm xuống con ngủ ngay chứ không trằn trọc mãi như cái cũ".
Ảnh minh họa: Wikihow |
Bài học giá rẻ cũng xảy ra với cái rèm cửa nhà tôi. Phòng khách hứng trọn nắng buổi sáng nên mùa hè nắng khá gắt. Khi đi mua rèm, tôi thích loại rèm dọc (giống như ở cơ quan) để có thể điều chỉnh khoảng hở giữa các khe khi muốn. Người bán khi đó đã nói khéo: "nó phù hợp với văn phòng, không bền bằng các loại kia đâu", nhưng tôi bỏ ngoài tai, vả lại loại này cũng rẻ thuộc hạng nhất nhì.
Nhưng chỉ sau 5 tháng sử dụng, tôi đã biết mình sai lầm. Chiếc rèm lá dọc không bền, chỉ một thời gian bắt đầu rơi rụng 1-2 lá, không nhiều nhưng trông bộ rèm như "sứt răng", rất khó chịu. Ngoài ra, rèm sử dụng hai loại dây để kéo nên rất nhanh cuốn vào nhau, rất khó gỡ. Nhà tôi lại có trẻ nhỏ, bé hay nghịch nên chẳng mấy chốc các thanh rèm bắt đầu xô lệch, không thể khép kín được, lá quay trái, lá quay phải, trông mất thẩm mỹ.
Ông Peter Chánh Trần, một người Việt làm nghề buôn bán đồ nội thất suốt 25 năm tại California, Mỹ chia sẻ 4 nguyên tắc khi mua sắm để không tốn tiền oan là:
1. Tuyệt đối không tiếc tiền khi mua đồ liên quan tới sức khỏe, hạnh phúc gia đình, chẳng hạn như một chiếc đệm tốt. Chiếc đệm này ngày nào cũng dùng, giúp bạn có giấc ngủ ngon, từ đó duy trì sức khỏe tốt và tạo tâm trạng thoải mái. Chăn, gối, bình nước, nồi xong... cũng nằm trong nhóm này.
2. Đồ dùng thì mua loại tốt, đồ trang trí thì mua loại đẹp, rẻ. Chẳng hạn, bạn không nên tiết kiệm khi mua TV, tủ lạnh, bàn ăn, ghế trường kỷ vì những thứ này dùng hằng ngày. Ghế cho phòng khách ít sử dụng thì nên mua loại đẹp, trông sang nhưng không cần tốt vì để chưng, lâu lâu mới có khách ngồi. Còn phòng sinh hoạt gia đình, nhất là nhà có trẻ nhỏ, nếu dùng đồ chất lượng kém thì sẽ hỏng sớm.
3. Mua đồ có thương hiệu uy tín. Những món hàng này có thể giá mua ban đầu đắt nhưng tính ra lại lợi hơn vì bền đẹp, sử dụng được lâu dài, ít hỏng vặt. Hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc giá rẻ, bắt mắt khi mới nhìn nhưng xem kỹ sẽ nhận ra các nhược điểm, dễ hư hỏng, hay phải thay mới.
4. Mua đồ cần, không mua đồ thích. Trước khi chi tiền mua thứ gì, cần xác định rõ nhu cầu của mình, chớ lang thang vào cửa hàng và lượm thứ gì trông hay hay, giá rẻ. Như vậy chỉ tốn tiền vô ích.
Từ chuyện mua rèm, đệm, tôi nhận ra việc ham rẻ, nhất là với những đồ phải sử dụng hằng ngày, có thể khiến mình rước nhiều bực bội không đáng có. Tôi cũng từng mua một chiếc xe đạp điện (hàng nội) để đi làm, vì nghĩ cơ quan gần nhà, giá xe chỉ rẻ bằng nửa xe máy loại tốt, lại không tốn xăng, thỉnh thoảng có thể tự đạp để rèn sức khỏe, bảo vệ môi trường, mua ủng hộ hàng trong nước...
Thế nhưng sau gần 3 năm, chiếc xe trị giá hơn chục triệu bắt đầu dở chứng. Nhiều lần nó chết máy giữa đường khiến tôi phải dắt bộ về nhà, cũng không thể đạp được như xe thường vì quá nặng. Nhiều bộ phận kim loại trên xe han gỉ. Muốn đi được bình thường, tôi phải thay bộ pin mới giá 2-3 triệu. Quá oải, tôi quyết định thanh lý với giá gần 3 triệu đồng.
Sau vài lần rút kinh nghiệm, mỗi lần mua món gì, tôi cố gắng chọn đồ tốt, có thương hiệu, có giá trị sử dụng lâu dài, chấp nhận giá đắt hơn và mua số lượng ít hơn.
Chẳng hạn, thay vì mua 5 chiếc áo giá 80.000 một cái cho con, tôi chỉ mua 2 chiếc giá 200.000. Và tôi nhận thấy chất lượng hoàn toàn khác biệt. Chiếc áo rẻ tiền con chỉ mặc vài lần là bai dão, khó giặt sạch và nhanh bạc màu. Trong khi đó, chiếc áo có thương hiệu giá gần 200.000 có vẻ đắt nhưng con tôi mặc cả năm vẫn đẹp dù giặt thoải mái bằng máy.
Với giày dép, vì trẻ mau lớn, tôi chọn hàng Việt Nam chất lượng tốt, mẫu mã không bắt mắt, giá vừa phải. Như vậy, con đi êm chân, tới lúc chật mới hỏng mà không quá tốn kém.
Tất nhiên, đồ đắt tiền không phải lúc nào cũng đi liền với chất lượng tốt và phù hợp. Điều quan trọng là tôi mua đồ căn cứ vào nhu cầu cụ thể của mình, lựa chọn sản phẩm có chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng, chứ không phải vì nó có giá rẻ. Từ khi xác định được như vậy, tôi thấy mình không còn mua phải những món đồ phải bỏ xó hoặc xấu, hỏng sau vài lần dùng. Cách này không chỉ giúp tôi tiết kiệm được nhiều hơn mà còn khiến chất lượng cuộc sống cao hơn và ít bị đau đầu bởi những phiền phức vụn vặt.