Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho hay, Tập đoàn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ than do phải cạnh tranh với than nhập khẩu có giá thành thấp cùng với giá khoáng sản alumin, hydrat giảm sâu và thuế phí tăng, vì vậy đã phải giảm sản lượng nên các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 71.460 tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch năm và chỉ bằng 93% so với cùng kỳ năm 2015. Than nguyên khai sản xuất được 26,7 triệu tấn, đạt 67% kế hoạch năm và chỉ bằng 94% so cùng kỳ năm ngoài; than sạch đạt 25,5 triệu tấn, bằng 70% kế hoạch năm và chỉ bằng 95% so cùng kỳ. Lượng than tiêu thụ qua 9 tháng đạt 25,5 triệu tấn, bằng 67% kế hoạch năm và bằng 97% so cùng kỳ. Trong số này, than tiêu thụ trong nước đạt 25,1 triệu tấn, bằng 68% kế hoạch năm và bằng năm ngoái.
Bán hàng khó khăn, tồn kho lớn, nên Vinacomin đã phải điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với thị trường. |
Thu nhập bình quân của người lao động toàn Tập đoàn đạt 8,405 triệu đồng/người/tháng, bằng 92,3% kế hoạch năm và chỉ bằng 93% so cùng kỳ; trong đó thu nhập bình quân khối sản xuất than đạt 9,092 triệu đồng/người/tháng.
Trước thực tế bán hàng khó khăn, tồn kho than sạch có lúc lên tới 12 triệu tấn trong tháng trước đó, Vinacomin đã phải điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với thị trường bên cạnh nỗ lực giảm tồn kho, ổn định sản xuất và chăm lo đời sống của người lao động.
Một trong những giải pháp này là việc tiếp tục thực hiện quyết liệt tái cơ cấu, tinh giản lao động. Cụ thể, năm 2016 dự kiến giảm khoảng 4.000 lao động, đẩy mạnh cơ giới hóa, quản trị chi phí, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành.
Tuy nhiên, nhìn dài hơi từ năm 2011 tới nay, Vinacomin dường như rơi vào cảnh khó khăn ngày càng khốc liệt hơn.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, chỉ có năm 2011 là tình hình nói chung thuận lợi, còn các năm tiếp theo, than xuất khẩu giảm mạnh cả về lượng và giá bán, nên hiệu quả kinh doanh của Vinacomin giảm sút do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế.
Năm 2011, lượng than tiêu thụ là 44,71 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 16,9 triệu tấn, lợi nhuận đạt 8.632 tỷ đồng. Năm 2012, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nên các hộ tiêu thụ thụ trong nước như điện, xi măng, hoá chất đều giảm mua khá nhiều so với kế hoạch; than xuất khẩu cũng phải cạnh tranh gay gắt vì cung vượt cầu, nên sản lượng và giá giảm mạnh so với năm 2011. Lượng than tiêu thụ của năm 2012 chỉ đạt 39,2 triệu tấn, trong đó, tiêu thụ nội địa là 24,8 triệu tấn.
Các năm 2013, 2014 và 2015, tình hình vẫn không có chuyển biến về tiêu thụ. Lợi nhuận năm 2015 của Vinacomin chỉ đạt 600 tỷ đồng, so với mục tiêu 1.500 tỷ đồng được đưa ra đầu năm khi đặt kế hoạch tổng doanh thu 114,006 tỷ đồng, tiêu thụ 38 triệu tấn than sạch. Ngay trong năm 2016, kế hoạch sản xuất và tiêu thụ khoảng 36 triệu tấn than ban đầu đã được điều chỉnh xuống 33 triệu tấn, nhưng tồn kho than cũng không hề nhỏ, cao điểm đã lên tới 12 triệu tấn than và vẫn chưa giảm mạnh như mong đợi.
“Đạt được khối lượng khai thác này, Vinacomin cũng chỉ đảm bảo việc làm cho công nhân lao động 5 ngày/tuần. Nếu không, công nhân không đủ việc làm, sẽ khó khăn cho ngành than cả trước mắt và lâu dài, khi nhu cầu than cho điện sẽ tăng cao”, ông Biên bày tỏ.
Trước tình hình tiêu thụ và giá bán than diễn biến xấu, Vinacomin cũng buộc phải thực hiện các giải pháp có tính chất “cực đoan”. Ngoài giảm sản lượng khai thác than, đẩy mạnh tiêu thụ để giảm tồn kho, Vinacomin tiếp tục cắt giảm chi phí, những mỏ nào giá thành cao, chỉ sản xuất ở mức vừa đủ cho công nhân có việc làm và tăng sản xuất ở mỏ có giá thành thấp.
Hiện Vinacomin đang làm việc với các đơn vị khai thác than để phấn đấu giảm mức tồn kho than và giữ ở con số 9 triệu tấn vào thời điểm cuối năm 2016.