Đơn hàng phục hồi, xuất khẩu 12,5 tỷ USD
Dẫn số liệu Hải quan tại buổi họp báo cung cấp thông tin trọng tâm của ngành công thương TP.HCM quý I/2024, Sở Công thương cho biết kim ngạch xuất khẩu qua cảng Thành phố đạt 12,5 tỷ USD (tăng 69,2%).
Đáng chú ý TP.HCM là địa phương duy nhất trên cả nước có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vượt mốc 10 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm.
Trong đó dệt may 1,2 tỷ USD (tăng 40,3%); máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng 912,8 triệu USD (tăng 40,6%); giày dép 501,1 triệu USD (tăng 8,6%); phương tiện vận tải khác 241,4 triệu USD (tăng 47,1%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 175,6 triệu USD (tăng 80,3%)…cùng một số ngành hàng khác.
Tín hiệu đáng chú ý thời gian gần đây, xuất hiện liên tiếp các chuyến tàu nước ngoài có tải trọng lớn cập cảng TP.HCM cho thấy dấu hiệu khởi sắc phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM thông tin về sự phục hồi của dệt may trong những tháng đầu năm 2024. Ảnh: Gia Hân |
Đơn cử như trong tháng 4, nhiều tàu nước ngoài có tải trọng lớn chở ô tô nhập khẩu liên tục cập cảng Hiệp Phước TP.HCM. Mới đây, tàu Roro chở theo hàng nghìn xe ô tô lần đầu tiên cập cảng Sài Gòn - Hiệp Phước hạ bãi hơn 1.000 xe ô tô nhập khẩu. Tiếp đó, một tàu hơn 3.000 xe ô tô con nhập khẩu từ các nước ASEAN cũng cập cảng container trung tâm Sài Gòn. Cùng với đó là những chuyến tàu cập cảng bốc dỡ hàng chục nghìn tấn gạo xuất khẩu rời cảng...
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP.HCM cho biết nhìn chung tăng trưởng xuất khẩu TP hầu hết các ngành đều tăng nhất là các ngành hàng chủ lực như dệt may, đồ gỗ, lương thực thực phẩm.
“Chúng ta có thể nhận thấy hầu hết các ngành hàng đều tăng trưởng tốt. Đơn cử như dệt may đã có đơn hàng đến hết năm và ngành gỗ, nội thất cũng bắt đầu khả quan hơn. Điều này cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế”, ông Hiếu đánh giá.
Tuy nhiên ông Hiếu cũng nhận định dù con số tăng cao nhưng bản chất chỉ là khôi phục trạng thái thời điểm trước dịch, trước các xung đột chính trị, chiến sự thế giới như hiện nay chứ chưa có sự đột phá mạnh so với các năm trước.
Là ngành có sự hồi phục ấn tượng nhất của TP.HCM thời gian qua, ông Phạm Văn Việt – Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (Agtek) cho biết trong 4 tháng ngành dệt may hồi phục và tăng trưởng khả quan nhờ các thị trường truyền thống như Mỹ, EU sức mua tăng lên.
“Các thị trường cần mua hàng trong khi các doanh nghiệp đã xả gần hết lượng tồn kho đến dưới mức tối thiếu nên đang tăng sản xuất nhằm đáp ứng đơn hàng mới để cung ứng”, đại diện Agtek thông tin.
Ông Việt thông tin thêm, hiện dệt may trong nước đã tự sản xuất được một số nguồn nguyên phụ liệu để cung ứng cho ngành thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc như trước. Đây là cơ hội lớn nhằm nâng cao chất lượng cạnh tranh, đưa Việt Nam thành sự lựa chọn ưu tiên của đối tác.
Tương tự dệt may, ông Nguyễn Hoài Bảo - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết so với năm 2023, những tháng đầu năm 2024 tình hình đơn hàng ngành gỗ TP.HCM khả quan hơn nhưng so với 2021-2022 thì cũng chỉ mới quay lại đường đua.
Đơn hàng gỗ và nội thất cũng dần "ấm lên" trong năm 2024. |
“Giống ngành dệt may, các thị trường chính Mỹ, EU hết hàng tồn kho nên mua lại đơn hàng. Tuy nhiên chỉ ở mức tăng trưởng ổn định nhưng vẫn không có sự mạnh mẽ như sau dịch. Ngành vẫn phải theo dõi sát sao diễn biến thị trường”, ông Bảo cho hay.
Đồng thời đại diện Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cũng đưa ra cảnh báo về sự siết chặt chất lượng sản phẩm đồ gỗ tại các thị trường hàng đầu. Đơn cử như Châu Âu sẽ áp Luật chống phá rừng từ đầu năm sau, điều này sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam trong đáp ứng tiêu chí cũng như vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
“Cần linh hoạt chuyển hướng sang một số thị trường các thị trường như Trung Đông hiện đang rất tiềm năng và ít sự cạnh tranh”, vị này khuyên.
Tiếp động lực cho doanh nghiệp xuất khẩu
Theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, những kết quả khả quan đạt được như phân tích ngoài nổ lực của doanh nghiệp còn là chiến lược xúc tiến thương mại, đẩy mạnh giao thương của các tổ chức, đơn vị chuyên ngành.
Nhằm mục tiêu phát triển xuất khẩu của TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung. Đồng thời, tăng cường kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước với thế giới, góp phần tăng trưởng xuất khẩu bền vững, theo hướng xanh, thân thiện môi trường. Sở Công Thương TP.HCM phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2024.
Đây là chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại định kỳ hàng năm, nhằm mục tiêu phát triển xuất khẩu của TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung. Đồng thời, tăng cường kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước với thế giới, góp phần tăng trưởng xuất khẩu bền vững, theo hướng xanh, thân thiện môi trường.
Ban tổ chức thông tin, hội chợ 2024 được mở rộng gấp đôi về quy mô so với năm ngoái, lên 450 gian hàng; công tác truyền thông, quảng bá quốc tế được đẩy mạnh, làm gia tăng mức độ hiện diện của hội chợ đến với mạng lưới người mua hàng trong và ngoài nước. Sự kiện dự kiến thu hút khoảng 20.000 khách tham quan, nhà mua hàng; trong đó có hơn 80% khách chuyên ngành là các nhà nhập khẩu, nhà thương mại, hệ thống các siêu thị, chuỗi bán lẻ tại các thị trường lớn Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,…; các văn phòng đại diện mua hàng, tìm nhà cung ứng tại Việt Nam; hệ thống siêu thị, nhập khẩu và bán lẻ; các sàn thương mại điện tử.
Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 8-11/5 tại Trung tâm Hội nghị triển lãm SECC TP.HCM.