Hưởng lợi từ giải thưởng...
Không phải đợi tới giờ phút được vinh danh Top 10 Sao Vàng đất Việt lần thứ 5, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) mới khẳng định, Thaco được hưởng lợi nhiều từ giải thưởng này.
| ||
Giải thưởng Sao Vàng đất Việt đã khẳng định được tiêu chí tôn vinh thương hiệu có năng lực cạnh tranh quốc tế |
Cách đây 10 năm, khi Giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2003 được khởi động, Thaco là một thương hiệu mới, quy mô của doanh nghiệp rất vừa phải.
Trong ký ức của trưởng đoàn thẩm định Sao Vàng đất Việt những năm đầu tiên đến làm việc tại Thaco như ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco, nhà xưởng của Thaco khi đó không bằng một phần nhỏ bây giờ và ông Trần Bá Dương nổi lên là một doanh nhân trẻ đầy hoài bão về sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam...
Sau 10 năm, Thaco đã là một thương hiệu lớn không chỉ của Giải thưởng Sao Vàng đất Việt, mà còn của cả nền kinh tế Việt Nam.
Vốn là một lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Dương hiểu hơn ai hết ý nghĩa của từng tiêu chí mà Giải thưởng đã đặt ra cho các ứng cử viên.
“Tôi đã điều hành doanh nghiệp theo đúng tiêu chí hội nhập, cạnh tranh quốc tế mà Giải thưởng Sao Vàng đất Việt đã định hướng. Trong bối cảnh hiện tại, khi nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành công nghiệp ô tô đang đối mặt với nhiều thách thức, thì các mục tiêu, định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà Sao Vàng đất Việt đưa ra tiếp tục là hướng mà tôi sẽ điều hành doanh nghiệp của mình”, ông Dương chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư điện tử.
Cũng phải nói thêm, khi chia sẻ những ấn tượng về Sao Vàng đất Việt, ông Dương dành nhiều ấn tượng với giá trị đặc biệt mà quy trình thẩm định của giải thưởng này đem lại. Ông gọi đó là tinh thần chia sẻ giữa những doanh nhân. “Không ít doanh nghiệp sau khi thẩm định dù không đoạt giải cũng rất vui vẻ và tôn trọng những góp ý của chúng tôi. Có những doanh nghiệp mà mỗi lần quay lại thẩm định, tôi lại thấy họ có những bước tiến vượt bậc, theo định hướng của Giải thưởng”, ông Dương nói.
Với Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), đây là năm thứ hai liên tiếp được tôn vinh trong Top 10 Sao Vàng đất Việt, nhưng riêng với ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc, thì thứ hạng nào cũng là một vinh dự.
Bằng chứng là, dù ảnh hưởng tình hình suy thoái kinh tế thời gian gần đây đã kéo theo sức mua thị trường giảm sâu, trong khi đó, chi phí sản xuất, kinh doanh phân phối tăng đáng kể đã ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch về doanh thu của Công ty.
Tuy nhiên, với tinh thần luôn chủ động, nhạy bén trong chiến lược điều hành sản xuất, kinh doanh, nên Vissan đã vững tay chèo. Bên cạnh việc chú trọng đẩy mạnh chiến lược kinh doanh thông qua các hình thức tăng liên kết trong và ngoài hệ thống với các siêu thị Co.op, Vinatex, Citimart, Maximark và Satrafoods…, tham gia hệ thống trường học, cơ quan xí nghiệp, khu chế xuất..., một điểm mới được Vissan khai thác triệt để trong hoạt động của Công ty chính là sự phát triển lớn mạnh và đa dạng các kênh phân phối. “Với một công ty đang đi lên và trẻ hóa, đổi mới hàng ngày để vượt qua chính mình là một thử thách đầy thú vị”, ông Mười chia sẻ.
Tự tin vươn ra thế giới
Trong lịch sử hơn 30 năm có mặt trên thị trường, lần đầu tiên, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long lọt vào Top 10 Sao Vàng đất Việt năm 2013. Chắc hẳn, trong giờ phút được vinh danh trên đài chiến thắng của Sao Vàng đất Việt, TS. Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long sẽ có nhiều cảm xúc.
Thiên Long được biết đến trong lĩnh vực kinh doanh khá chuyên biệt và nhỏ hẹp, đó là văn phòng phẩm, song người sáng lập ra nó lại mang tham vọng đưa thương hiệu vươn ra khu vực ngay từ những ngày đầu tiên. Câu hỏi mà ông Nghĩa và những nhà đầu tư của Thiên Long luôn đặt ra cho định hướng phát triển của Thiên Long, đó là tại sao thương hiệu Việt không là một trong những lựa chọn của người Thái, người Nhật, người Mỹ khi mua văn phòng phẩm.
Sứ mệnh phải trở thành một tập đoàn văn phòng phẩm số 1 tại Việt Nam, đồng thời có chỗ đứng nhất định tại thị trường ASEAN, kể cả Trung Quốc từ năm 2012, tại Mỹ năm 2014 và là tập đoàn văn phòng phẩm lớn thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2020 đã được Thiên Long vạch ra một cách rõ ràng.
Thực ra, con đường kinh doanh quốc tế vốn được Thiên Long nhắm đến từ lâu, nhưng mãi đến năm 2007 mới được đẩy mạnh. Trong đó, thành công lớn nhất của Thiên Long là thâm nhập thị trường Trung Quốc (quốc gia số 1 trên thị trường văn phòng phẩm thế giới) với hai nhãn hiệu “Flexoffice” và “Colokit”.
Sản phẩm Thiên Long có mặt ở hơn 30 quốc gia của 5 châu lục và tỷ trọng doanh thu các mặt hàng xuất khẩu của Tập đoàn đã tăng gần 3 lần tính từ năm 2007 đến năm 2012.
Tuy nhiên, mục tiêu chính của Thiên Long là phải tấn công được thị trường châu Âu, mà chủ yếu là Đức và Anh. Theo ông Nghĩa, vào được châu Âu là có được cả thế giới, bởi thị trường này có nhiều tập đoàn lớn với hệ thống phân phối rộng khắp toàn cầu. Đây là thách thức rất lớn đối với Thiên Long, song ông Nghĩa sẽ áp dụng chiêu thức thâm nhập mới, bằng chất lượng và không hạ giá sản phẩm. Bên cạnh đó, kênh bán hàng cũng thay đổi, chủ yếu qua siêu thị và nhà sách, chứ không qua nhà phân phối, đại lý.
Cũng phải nói thêm, văn phòng phẩm là một lĩnh vực rất rộng và Thiên Long mới chỉ tham gia với một nhóm sản phẩm đặc thù. Vì vậy, cơ hội tăng trưởng cho Tập đoàn còn rất lớn nếu họ tiếp tục con đường kinh doanh cốt lõi, cẩn trọng và sáng tạo như cách ông Nghĩa đã thực hiện từ trước đến nay.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã tham dự và liên tục đạt Giải thưởng Sao Vàng đất Việt từ năm 2005 cho đến nay, trong đó, 2 năm (2009 và 2011) có mặt trong Top 10 Sao Vàng đất Việt. Năm 2011, đạt Top 10 doanh nghiệp tiêu biểu về trách nhiệm xã hội.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG cho hay, ngay từ ngày đầu thành lập, Tập đoàn luôn chịu áp lực từ chính từng bước khẳng định thương hiệu của mình sau mỗi chặng đường vượt qua khó khăn đầy ngoạn mục. Người ta vẫn nói, “thép càng rèn trong lửa đỏ, thì càng rắn chắc”, HSG đối diện với áp lực cả từ bên ngoài lẫn bên trong, bởi vừa phải không ngừng nỗ lực để khẳng định cũng như giữ vững thương hiệu sản xuất tôn hàng đầu Việt Nam, mà còn chắc chân ở vị trí xuất khẩu đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, HSG còn tự tạo ra “áp lực” cho chính mình khi xây dựng mục tiêu doanh thu, sản lượng tiêu thụ năm sau phải luôn cao hơn năm trước. “Đối với tôi, doanh nghiệp sẽ ‘chết’ nếu không vượt qua chính sự thành công của mình”, ông Vũ nói.
Trong nhóm các thương hiệu đầu ngành của Giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2013, có thêm nhiều thương hiệu mới. Có thể kể tới Kềm Nghĩa, Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, Kangaroo, Nguyễn Kim, Du Thuyền Năm sao Tuần Châu... Họ đang là doanh nghiệp kế tiếp cho những thế hệ thương hiệu Việt tiêu biểu trong giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam.
Anh Vũ