Doanh nghiệp
Tổng công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An: Làm nông nghiệp không thể tách rời khoa học
Việt Hương - 28/08/2018 22:07
Gần 60 năm xây dựng và phát triển (1960 - 2018), qua nhiều lần thay đổi tên gọi, tách nhập, nhưng Tổng công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An vẫn đứng vững trên thị trường, khẳng định thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với sản phẩm chủ lực là phân bón và chọn tạo các giống cây trồng.
TIN LIÊN QUAN

Hành trình tạo dựng thương hiệu

Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Trương Văn Hiền cho biết, Tổng công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An (Tổng công ty VTNN) chuyên sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực phân bón, giống cây trồng các loại. Mỗi năm, đơn vị sản xuất, cung ứng hàng trăm ngàn tấn phân bón NPK, các thương hiệu giống lúa mới như giống lúa thuần vật tư NA2, giống lúa gạo đỏ Nam Đàn...

Cánh đồng trồng giống lúa thuần Vật tư - NA6 tại xã Diễn Quảng (huyện Diễn Châu - Nghệ An)

Ngoài ra, còn chuyển giao thành công các giống tiến bộ mới như giống ngô lai LVN14, giống lạc L26, giống lúa thuần LH12, BT09, NA6... Năm 2018, Tổng công ty đã ứng dụng công nghệ sinh học để xây dựng hệ thống giống sạch bệnh và phát triển công nghiệp cam Xã Đoài bền vững, chất lượng cao. Dự tính, đến năm 2030, quy mô diện tích trồng cam đạt từ 3.000 - 4.000 ha.

Mấy năm gần đây, Tổng công ty đã mở rộng thị trường, đa dạng hóa ngành nghề ra các tỉnh phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên. Đến nay, Tổng công ty sở hữu cổ phần chi phối với 18 công ty con, doanh thu đạt từ 1.600 - 1.900 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước 30 tỷ đồng/năm.

Trong suốt hành trình gần 60 năm, những thành quả trong sản xuất, kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học đã khẳng định thương hiệu “Vật tư nông nghiệp Nghệ An”. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng luôn đồng hành cùng nhà nông với nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất như: cho vay phân bón, giống, bao tiêu sản phẩm; tích cực tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa và làm từ thiện với số tiền lên tới 25 tỷ đồng...

Tổng công ty VTNN Nghệ An đã được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Nghệ An tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý gồm: 7 Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập (nhất, nhì, ba); 4 cờ thi đua của Chính phủ; 7 cờ thi đua của Bộ Nông nghiệp và PTNT; 2 giải bạc Chất lượng Việt Nam; 3 giải vàng Chất lượng Việt Nam; 2 giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, Tổng giám đốc Trương Văn Hiền đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Bí quyết để phát triển và giữ vững thương hiệu “Vật tư nông nghiệp Nghệ An”, theo ông Hiền, đó là biết rút ra bài học từ thất bại. Ngoài năng lực chuyên môn, nhà doanh nghiệp phải am hiểu giá cả thế giới, chuyển dần kinh doanh sang sản xuất, nắm bắt khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, giữ chữ tín với bạn hàng, với nông dân.

“Mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của Tổng công ty VTNN là tiếp tục phát huy nội lực, tập trung thâm canh chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm; mở rộng kinh doanh. Bên cạnh đó, đổi mới thiết bị chế biến, quản lý tốt quy trình công nghệ, giữ vững thương hiệu; nâng cao đời sống người lao động…”, ông Trương Văn Hiền cho biết.

Trong chuyến thăm và làm việc với Tổng công ty VTNN cuối tháng 6 vừa qua,  Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Tổng công ty trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh phân bón; sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Về kiến nghị của Tổng công ty VTNN mong muốn được hỗ trợ Dự án Phát triển giống cây ăn quả Phủ Quỳ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh giao các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ tạo điều kiện, giúp đỡ Tổng công ty xây dựng thành công Dự án.

Đầu tư dự án khoa học - công nghệ

Là doanh nghiệp mạnh dạn trực tiếp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần giúp ngành nông nghiệp vùng Bắc Trung bộ nói chung và Nghệ An nói riêng “cất cánh” trong nhiều năm qua, ông Hiền chia sẻ, để nâng cao giá trị nông sản, thì sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là đòi hỏi bức thiết và bắt buộc đối với nền nông nghiệp mà bất kỳ địa phương nào cũng phải quan tâm.

“Thực tế cho thấy, hiện nay việc canh tác và tổ chức sản xuất vẫn manh mún và lạc hậu, yêu cầu bức thiết trước mắt là cơ cấu lại tổ chức sản xuất nông nghiệp. Song song với đó, chúng tôi tham gia liên kết với các viện khoa học nông nghiệp trên cả nước, cùng liên kết với các doanh nghiệp trong tỉnh Nghệ An như Công ty Nông công nghiệp 32 và Công ty Nông nghiệp Xuân Thành nhằm cơ cấu lại tổ chức sản xuất, xây dựng mô hình để áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, nâng cao hiệu quả cũng như tính bền vững của cây trồng. Đặc biệt là với cây cam, cụ thể là thương hiệu cam Vinh”, ông Hiền nói.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là sản xuất manh mún, thiếu tập trung, đầu tư sản xuất chưa đồng bộ dẫn tới cơ giới hóa và đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào rất khó khăn. Tại Nghệ An, đơn cử như cây cam, trước đây cho thu nhập cao, nhưng hiện nay, tỷ lệ thành công với trồng cam rất thấp và cây thoái hóa sớm. Chúng ta cần đầu tư tiến bộ khoa học vào để cải tạo và phát triển thương hiệu cam Vinh.

Để hoạt động kinh doanh có hiệu quả, Tổng công ty VTNN Nghệ An không những nghiên cứu, chọn tạo ra giống cây trồng mới, phân bón mới, mà còn có một đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật chuyên làm nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật xuống tận các hợp tác xã nông nghiệp thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn về cây lúa, ngô, lạc…

Những giống lúa, giống ngô, giống lạc mới… do chính Tổng công ty nghiên cứu chọn tạo ra đều được thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn ở nhiều hợp tác xã trong và ngoài tỉnh với diện tích lên đến 2.000 - 3.000 ha mỗi vụ. Tất cả các mô hình cánh đồng mẫu lớn đều được Tổng công ty cho ứng trước giống, phân bón, không chịu lãi suất và cuối vụ sản phẩm làm ra được Tổng công ty thu mua hết với giá cao hơn giá thị trường 10%. Cách làm này của Tổng công ty VTNN Nghệ An được bà con nông dân ủng hộ và sẵn sàng liên kết sản xuất cùng có lợi.

Bên cạnh đó, Tổng công ty đã hợp tác với Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chọn tạo được 2 loại giống lúa thuần mới là Vật tư NA6 và Vật tư NA9, bổ sung vào bộ giống ngắn ngày chất lượng cao của đơn vị. Thị trường kinh doanh giống không chỉ phục vụ nội tỉnh mà còn được mở rộng trên địa bàn các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo và chiến lược bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh bạn.

Tham gia Đề án sản phẩm quốc gia lúa gạo

Khi Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao” được ban hành, Tổng công ty VTNN Nghệ An đã tham gia vào 3 dự án khoa học công nghệ, gồm: Nghiên cứu giống lúa có giá trị hàng hóa cao cho các vùng trồng lúa chính trong toàn quốc; Sản xuất hạt giống phẩm chất cao quy mô công nghiệp đối với các giống lúa chủ lực và có giá trị hàng hóa cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu ở các tỉnh phái Bắc và Duyên hải Nam Trung bộ; Nghiên cứu xây dựng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa các tỉnh duyên hải miền Trung.

Các dự án này đã được phê duyệt thông qua sự hợp tác giữa Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nên bước đầu Tổng công ty đã thành công và công nhận chính thức giống lúa Vật tư NA6 đáp ứng các tiêu chí trong Đề án sản phẩm quốc gia lúa gạo (sản phẩm này đã sản xuất đại trà gần 11.000 ha, dự kiến tăng lên 80.000 ha vào năm 2020 tại vùng Bắc Trung bộ).

Từ thành công đó, tháng 7/2018, Tổng công ty VTNN Nghệ An đã mạnh dạn đề xuất các cơ quan chức năng địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam được tham gia đề án: “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến và bảo quản giống trong liên kết chuỗi giá trị ngành hàng sản xuất lúa gạo khu vực Bắc Trung bộ” thuộc nội dung: Hỗ trợ sản xuất sản phẩm quốc gia.

Theo ông Trương Văn Hiền, đề án này sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo.

Bí quyết để phát triển và giữ vững thương hiệu của Tổng công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An là nắm bắt khoa học - công nghệ và am hiểu giá cả thế giới.

Tin liên quan
Tin khác