Hơn 145 ha đất công không qua thẩm định giá, sau thời gian “lòng vòng”, đã nằm trong tay 3 nhà đầu tư tưởng “lạ mà quen” quyết định số phận. |
Tự định giá “bèo”
Sau khi đền bù mặt bằng đất đai, không chỉ khu 43 ha đã bán đứt cho công ty tư nhân, ngày 12/10/2007, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc PROTRADE (doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) đã ký hợp đồng liên doanh với 2 công ty Hàn Quốc là International Construction Co., Ltd và K Source Solutions Co., Ltd để thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Thành (Liên doanh Công ty Tân Thành), vốn điều lệ 30 triệu USD, nhằm thực hiện dự án sân golf trên diện tích hơn 145 ha trong Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương.
Trong đó, PROTRADE góp 30% (9 triệu USD), nhưng bằng sổ đỏ hơn 145 ha đất công, International Construction Co., Ltd góp 6,3 triệu USD và K Source Solutions Co., Ltd góp 14,7 triệu USD.
Điều đáng nói là, trong giai đoạn này, theo Luật Doanh nghiệp 2005, quyền sử dụng đất là vốn góp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành tiền đồng Việt Nam. Nhưng trên thực tế, PROTRADE và đối tác Hàn Quốc ký hợp đồng liên doanh, nhưng chỉ là giao ước riêng, chưa được cấp giấy phép đầu tư, nên chưa thể là doanh nghiệp để hình thành cổ đông hay thành viên. Dẫu vậy, 2 bên đã tự định giá hơn 145 ha đất công trên chỉ… 6 USD/m2 (tương đương 96.000 đồng/m2), chưa bao gồm tài sản trên đất.
Với định giá như vậy, PROTRADE chỉ chiếm 30% tổng vốn liên doanh, tức phán quyết đã rơi vào tay người ngoài.
Định đoạt xong, ngày 17/10/2007, PROTRADE có công văn xin UBND tỉnh Bình Dương cho chủ trương liên doanh và được chấp thuận vào ngày 24/10/2007 về chủ trương liên doanh góp vốn với đối tác Hàn Quốc để thực hiện dự án sân golf theo tiêu chuẩn quốc tế, khu nhà ở cao cấp và trung tâm thương mại.
Ngày 2/11/2007, UBND tỉnh Bình Dương đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Liên doanh Công ty Tân Thành thực hiện Dự án “Câu lạc bộ sân golf và Khu nghỉ dưỡng đảo Hồ Điệp”.
Chưa được giao chủ quyền đã đem đất đi… liên doanh
Không chỉ tự định giá tài sản là chủ quyền đất, PROTRADE còn đem đất chưa được giao chủ quyền đi… liên doanh.
Cụ thể, sau khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, PROTRADE mới được UBND tỉnh Bình Dương giao làm nhiều đợt, với tổng diện tích 567 ha đất trong Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương.
Theo đó, năm 2010, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 3029/QĐ-UBND giao hơn 1.640.637 m2; năm 2012, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 2613/QĐ-UBND giao hơn 430.000 m2; năm 2013, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 48/QĐ-UBND giao hơn 145 ha đất (khu đất mang đi liên doanh)…
Trong khi đó, khu đất hơn 145 ha được PROTRADE mang liên doanh thỏa thuận góp vốn với đối tác Hàn Quốc để thành lập liên doanh Công ty Tân Thành từ năm 2007, tức là 6 năm trước khi được UBND tỉnh Bình Dương giao đất.
Chưa dừng lại, năm 2011, hai công ty Hàn Quốc bỗng xin chuyển nhượng toàn bộ vốn góp thông qua “Hợp đồng chuyển nhượng vốn và nhận góp thay vốn” cho 2 công ty Việt Nam là Công ty TNHH Phát Triển và Công ty cổ phần Hưng Vượng (cả 2 đều có trụ sở tại Bình Dương).
Ngoài việc sẽ kế thừa các nghĩa vụ pháp lý trong điều khoản của hợp đồng liên doanh đã ký, các bên thống nhất định giá với tổng giá trị khu đất là 24 triệu USD, trong đó, 9 triệu USD là giá trị vốn mà PROTRADE góp bằng quyền sử dụng đất, còn 15 triệu USD là giá trị còn lại khu đất sẽ được Liên doanh Công ty Tân Thành hoàn trả PROTRADE cho các chi phí mà PROTRADE đã chi đối với khu đất, ngoại trừ chi phí đất.
Đến ngày 8/4/2011, Công ty Tân Thành lập hồ sơ nộp UBND tỉnh Bình Dương để đăng ký điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư với các nội dung: chuyển nhượng vốn, thay đổi nhà đầu tư và nhận góp vốn thay phần vốn chưa góp; thay đổi người đại diện theo pháp luật… để tiếp tục thực hiện Dự án “Câu lạc bộ sân golf và Khu nghỉ dưỡng Thái Hòa”.
UBND tỉnh Bình Dương đã cấp lại giấy chứng nhận đầu tư và Liên doanh Công ty Tân Thành vẫn có vốn điều lệ là 30 triệu USD, trong đó, PROTRADE vẫn giữ vốn điều lệ là 144 tỷ đồng (tương đương 9 triệu USD, chiếm 30% vốn bằng quyền sử dụng đất). Còn lại là vốn của 2 nhà đầu tư nội là Công ty cổ phần Hưng Vượng và Công ty TNHH Phát Triển.
Như vậy, đến năm 2011, PROTRADE vẫn chưa nhận được quyền sử dụng đất, mà vẫn định đoạt giá đất trên để tính ra vốn góp khi Liên doanh thay đổi.
Nhà đầu tư nội là… nhà đầu tư nào?
Sau khi 2 nhà đầu tư ngoại rút lui, 2 nhà đầu tư nội đã được thế chân, Liên doanh Công ty Tân Thành dù giữ nguyên tên, nguyên vốn góp, nhưng đã có thay đổi… bất ngờ. Theo đó, ông Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc PROTRADE) làm đại diện theo pháp luật. Sau đó, ông Minh kiêm luôn Chủ tịch HĐQT Liên doanh Công ty Tân Thành.
Trên thực tế, ông Minh cũng chính là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hưng Vượng (nhà đầu tư nội chiếm vốn lớn nhất, với 38% trong liên doanh). Ở công ty này, ông Minh là cổ đông lớn (chiếm 15,07%) và nắm số cổ phần nhiều nhất (trên 1 triệu cổ phần).
Còn Công ty TNHH Phát Triển (nhà đầu tư nội chiếm 32% vốn liên doanh) ở thời điểm năm 2011 cũng không… xa lạ, bởi Chủ tịch HĐTV, người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thục Anh, con ông Nguyễn Văn Minh. Bà Anh cũng là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Hưng Phát.
Trong Công ty TNHH Phát Triển lại còn có nhiều người làm trưởng hoặc thành viên Ban Kiểm soát hoặc Giám đốc điều hành xuất thân từ Công ty cổ phần Hưng Vượng và PROTRADE, như ông Nguyễn Tiến Đạt (Giám đốc điều hành Công ty TNHH Phát Triển, đồng thời là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Hưng Vượng); Trần Nguyên Vũ (Giám đốc tài chính PROTRADE, kiêm thành viên HĐQT Công ty cổ phần Hưng Vượng, hiện là Phó tổng giám đốc, kiêm Kế toán trưởng PROTRADE)…
Như vậy, hơn 145 ha đất công không qua thẩm định giá, sau thời gian “lòng vòng”, đã nằm trong tay 3 nhà đầu tư tưởng “lạ mà quen” quyết định số phận.
Góp vốn năm 2017 với giá đất định từ… 10 năm trước
Năm 2007, khi Liên doanh Công ty Tân Thành (còn 2 nhà đầu tư ngoại) được cấp phép thành lập, phải thực hiện góp đủ vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được giấy phép theo Luật Doanh nghiệp 2005. Thực tế, tới năm 2011, khi 2 nhà đầu tư ngoại “nhường sân” cho 2 nhà đầu tư nội và Liên doanh Công ty Tân Thành thay đổi giấy chứng nhận đầu tư lần 2, thì việc góp vốn vẫn không theo luật.
Ngày 5/5/2014, UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Câu lạc bộ sân golf. Ngày 18/11/2016, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng dự án trên cho Liên doanh Công ty Tân Thành.
Đến khi cấp giấy phép xây dựng (năm 2016), PROTRADE mới ký thỏa thuận vốn góp là quyền sử dụng đất với diện tích hơn 145 ha cho Liên doanh Công ty Tân Thành với giá 6 USD/m2 (giá trị quyền sử dụng đất).
Ngày 4/4/2017, Liên doanh Công ty Tân Thành họp hội đồng cổ đông bất thường với 3 đại biểu cổ đông chiếm…100% cổ phần có quyền biểu quyết là PROTRADE, Công ty cổ phần Hưng Vượng và Công ty TNHH Phát Triển, và 100% đã đồng ý nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất trị giá… 6 USD/m2 từ PROTRADE và thanh toán lại cho PROTRADE hơn 275 tỷ đồng chi phí đầu tư hạ tầng.
100% cổ đông còn đồng ý cho ông Nguyễn Văn Minh với tư cách là Chủ tịch HĐQT Liên doanh Công ty Tân Thành đi ký hồ sơ liên quan từ PROTRADE, nơi ông Minh cũng giữ chức Chủ tịch HĐQT…
8 ngày sau, ngày 12/4/2017, ông Nguyễn Văn Minh, với tư cách là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc PROTRADE làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên PROTRADE và tất nhiên, 100% số phiếu tán thành việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Các thành viên cũng 100% số phiếu ủy quyền cho ông Trần Nguyên Vũ (Phó tổng giám đốc, kiêm Kế toán trưởng PROTRADE) ký kết các hồ sơ liên quan với Liên doanh Công ty Tân Thành.
Tới tháng 6/2017, tức sau khoảng 10 năm, PROTRADE và Liên doanh Công ty Tân Thành mới lập Hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và công chứng tại Văn phòng Công chứng Tân Uyên (Bình Dương).
Đáng nói là, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất của hơn 145 ha đất công tại thời điểm góp vốn (Hợp đồng năm 2017) là hơn 139 tỷ đồng, tức bằng với giá đất PROTRADE và 2 đối tác ngoại “hụt” tự định ra từ 10 năm trước: năm 2007, định giá 6 USD, tương đương 96.000 đồng/m2 vào thời điểm đó.
Trong khi đó, theo bảng giá các loại đất từ năm 2016 của UBND tỉnh Bình Dương, mức giá chuẩn đất ở đô thị khu vực này là từ hơn 3 triệu đồng tới hơn 24,5 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí và loại đường phố. Giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị khu vực trên thấp nhất cũng là 1 triệu đồng/m2, cao nhất là gần 20 triệu đồng/m2.
Tại cuộc họp báo cuối tuần qua, tỉnh Bình Dương cho hay, thanh tra tỉnh này đang vào cuộc, sẽ quyết liệt xử lý sai phạm, nhưng lại chỉ ở vụ PROTRADE bán 43 ha cho Công ty Tân Phú. Công luận cho rằng, nếu “nhiều vấn đề’ ở thương vụ 145 ha nêu trên không được làm rõ, thì ý chí quyết tâm của địa phương xem ra vẫn còn giới hạn.