Ngày 29/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt giam ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trao đổi nhanh qua điện thoại với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần (VRG) khẳng định vụ việc trên không liên quan đến Tập đoàn, bởi Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam thuộc Tập đoàn Hoá Chất.
“Kế hoạch của Tập đoàn vẫn đúng theo tiến độ. Sự việc trên không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn”, ông Hưng thông tin thêm.
Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khẳng định kế hoạch của Tập đoàn vẫn đúng theo tiến độ. Ảnh: VRG |
Trước đó, ngày 23/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan đến các sai phạm tại dự án khu đất 39 - 39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM.
Cùng với đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét đối với 9 bị can liên quan để điều tra, làm rõ.
Trong số này có ông Lê Quang Thung, nguyên Tổng giám đốc, nguyên quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị; Huỳnh Trung Trực, nguyên Phó tổng giám đốc; Phạm Văn Thành, nguyên Trưởng ban Kế hoạch đầu tư Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Ngay sau sự việc xảy ra, Ban lãnh đạo VRG đã gửi thư tới toàn thể cán bộ, nhân viên, đề nghị họ yên tâm công tác sau sự việc liên quan đến khu đất 39 - 39B Bến Vân Đồn.
Doanh nghiệp cho biết đất số 39 - 39B Bến Vân Đồn có nguồn gốc từ Công ty S.I.I.V (thuộc Cộng hòa Pháp) và đã được Ủy ban Quân quản TP.HCM trưng dụng, giao Tổng cục Cao su (tiền thân của VRG) quản lý, sử dụng từ năm 1976.
Qua quá trình sắp xếp, chuyển giao, khu đất này đã từng thuộc quản lý của Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và Công ty TNHH Phú Việt Tín.
Hiện nay, VRG đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để yêu cầu các đơn vị, cá nhân có sai phạm khắc phục. Song song với đó, lãnh đạo Tập đoàn cũng kêu gọi người lao động giữ vững tinh thần, tập trung vào nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu kế hoạch.
Mục tiêu lãi 3.437 tỷ đồng năm 2024
Năm nay, VRG đặt mục tiêu doanh thu và thu nhập khác hợp nhất đạt 24.999 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.437 tỷ đồng. Chỉ tiêu kinh doanh này đã được ĐHĐCĐ bất thường 2024 thông qua ngày 29/4.
Trong chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển đến hết năm 2025, VRG đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn năm 2025 đạt mức 28.575 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 5%.
Tổng doanh thu hợp nhất giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 135.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tập đoàn năm 2025 đạt mức 5.051 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 25.075 tỷ đồng. Trong đó, Công ty mẹ - Tập đoàn đạt 1.512 tỷ đồng vào năm 2025, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 3% đến 4%.
Đến giai đoạn 2026 - 2030, VRG sẽ nâng tỷ trọng doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh chính (trồng, chế biến, kinh doanh cao su; chế biến gỗ nhân tạo; sản phẩm công nghiệp cao su; đầu tư kinh doanh các khu công nghiệp/cụm công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao) đến năm 2030 lên 95%.
Đồng thời nâng tỷ trọng cơ cấu lợi nhuận các hoạt động sản xuất kinh doanh chính (trồng, chế biến, kinh doanh cao su; chế biến gỗ nhân tạo; sản phẩm công nghiệp cao su; đầu tư kinh doanh các khu công nghiệp/cụm công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao) chiếm khoảng 70 - 80%.
Tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn giai đoạn 2026 - 2030 bình quân đạt khoảng 5% đến 6 %/năm.
Xem xét đầu tư thêm vốn tại Công ty Cổ phần Cao su Bến Thành
Trong đề án cơ cấu lại Tập đoàn đến hết năm 2025 đã được ĐHĐCĐ bất thường 2024 thông qua, VRG sẽ chuyển đổi 4 đơn vị gồm: Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su, Tạp chí Cao su Việt Nam, Trung tâm Y tế Cao su, Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp loại hình, tình hình hoạt động của từng đơn vị.
Tập đoàn cũng chuyển nhượng vốn đối với đơn vị do Tập đoàn nắm cổ phần chi phối là Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ và Du lịch Cao su và 7 đơn vị Tập đoàn không nắm cổ phần chi phối gồm: Công ty cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam; Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Vũng Tàu; Công ty cổ phần EVN Quốc tế; Công ty cổ phần Điện Việt Lào; Công ty cổ phần Tổng công ty Xây dựng và Thủy lợi 4; Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư; Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG.
Đối với việc sắp xếp 5 công ty thủy điện gồm: Công ty cổ phần VRG Bảo Lộc, Công ty cổ phần Thủy điện Geruco Sông Côn, Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện VRG Phú Yên, Công ty cổ phần VRG Đắk Nông) và Công ty cổ phần VRG Ngọc Linh) thực hiện theo chỉ đạo, quyết định, phán quyết của cấp có thẩm quyền.
Tập đoàn cũng xem xét đầu tư thêm vốn để nắm giữ quyền chi phối tại Công ty cổ phần Cao su Bến Thành; việc đầu tư phải đảm bảo theo nguyên tắc hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn của Tập đoàn.
Đồng thời, thực hiện giải thể Xí nghiệp Liên doanh Visorutex khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Sáp nhập Công ty TNHH MTV VRG Oudomxay vào Công ty cổ phần Quasa Geruco, Công ty TNHH MTV Cao su Quavan vào Công ty TNHH Cao su Việt Lào (các doanh nghiệp thành viên tại Lào) theo quy định.
Dự kiến ngày 17/6 tới, Tập đoàn sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên theo hình thức trực tuyến.