Theo đó, Toyota sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Grab, trở thành nhà đầu tư chính trong vòng gọi vốn hiện tại của Grab. Theo thỏa thuận, Grab và Toyota sẽ củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác hiện tại của hai bên trên lĩnh vực xe kết nối công nghệ (connected cars) để thúc đẩy việc ứng dụng các giải pháp di động khắp Đông Nam Á.
Đây được xem là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trên quy mô toàn cầu từ một doanh nghiệp sản xuất ôtô vào lĩnh vực đặt xe công nghệ.
. |
Như vậy tính đến nay, Grab đã nhận đầu tư từ 3 đối tác là Toyota, Didi và Softbank.
Theo thông tin từ Grab Việt Nam, theo thỏa thuận, Grab sẽ hợp tác cùng Toyota để các dịch vụ trên xe kết nối công nghệ trên nền tảng dịch vụ di chuyển Toyota (Toyota Mobility Service Platform - MSPF) - như bảo hiểm cho người dùng, chương trình hỗ trợ tài chính, và bảo trì dự phòng - có thể làm phong phú thêm trải nghiệm Grab cho tài xế ngay trên ứng dụng Grab. Grab và Toyota cũng sẽ triển khai các dịch vụ trên xe kết nối công nghệ, ví dụ như bảo hiểm dựa trên thông tin viễn thông, từ đó có thể giảm chi phí bảo hiểm cho các tài xế Grab lái xe an toàn hơn.
Về quản trị, một lãnh đạo của Toyota sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab với vai trò giám đốc điều hành.
Như vậy, khoản đầu tư này sẽ đưa Grab tiến gần hơn đến tầm nhìn trở thành nền tảng di động một điểm đến (one-stop) tại Đông Nam Á.
Ngoài ra, Grab đang tiếp tục làm việc chặt chẽ cùng các đối tác nhằm tạo ra một mạng lưới giao thông hiệu quả hơn, giúp giảm ùn tắc giao thông tại các siêu đô thị ở Đông Nam Á, giúp việc di chuyển trở nên dễ dàng và thuận tiện cho tất cả mọi người, đồng thời tạo thêm nhiều cơ hội nâng cao thu nhập cho các đối tác tài xế để họ có thể có điều kiện kinh tế tốt hơn.
Là nền tảng di động O2O hàng đầu Đông Nam Á, khoản đầu tư này sẽ hỗ trợ Grab trong việc tiếp tục mở rộng các dịch vụ O2O sâu rộng hơn trong khu vực, ví dụ như GrabFood và GrabPay. Grab hiện có mặt tại 217 thành phố ở 8 quốc gia Đông Nam Á, cung cấp cho người dùng các dịch vụ kết nối di chuyển an toàn, tiết kiệm, dịch vụ giao nhận thức ăn và hàng hóa, thanh toán di động, và các dịch vụ tài chính - tất cả thông qua ứng dụng di động Grab.
Phát biểu nhân sự kiện này, ông Ming Maa, Chủ tịch Grab, cho biết: “Là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất ôtô, khoản đầu tư của Toyota vào Grab dựa trên niềm tin vào vai trò đi đầu của chúng tôi trong việc đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp di động mới và mở rộng các dịch vụ di động O2O trong khu vực, ví dụ như GrabFood và GrabPay. Grab là startup công nghệ đầu tiên của Đông Nam Á đạt doanh thu trên 1 tỷ USD trên một nền tảng 100 triệu thiết bị di động cài đặt ứng dụng. Tốc độ tăng trưởng lượng người dùng và doanh thu nhanh chóng của Grab là minh chứng cho năng lực bản địa hóa hoạt động kinh doanh, vận hành hiệu quả và cung cấp nền tảng ứng dụng hiệu quả nhất trong một khu vực đa dạng như Đông Nam Á. Chúng tôi rất vinh dự nhận được sự hỗ trợ từ những công ty hàng đầu như Toyota, Uber, Didi và SoftBank".
Ông Shigeki Tomoyama, Phó chủ tịch Điều hành kiêm Chủ tịch Connected Company của Toyota, cho biết: “Tôi rất vui mừng khi cả hai công ty củng cố quan hệ hợp tác, tận dụng công nghệ kết nối của Toyota với Grab, công ty hàng đầu trong lĩnh vực đặt xe công nghệ ở Đông Nam Á. Sắp tới, cùng với Grab, chúng tôi sẽ phát triển các dịch vụ thú vị hơn, an toàn hơn và bảo mật hơn cho tất cả khách hàng ở Đông Nam Á".
Grab hiện đang cung cấp các dịch vụ đặt xe công nghệ đa dạng nhất khu vực, bên cạnh dịch vụ giao nhận thức ăn và giao nhận hàng hóa. GrabFood, Dịch vụ giao nhận thức ăn của Grab, hiện là dịch vụ giao nhận thức ăn duy nhất có quy mô hoạt động trải khắp Malaysia, Singapore, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Grab Financial giúp tăng khả năng tiếp cận đến các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho hàng triệu khách hàng của Grab khắp Đông Nam Á, đồng thời kết nối những người chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận với ngân hàng với các dịch vụ tài chính.
Grab hiện đang cung cấp dịch vụ tại Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.