| ||
Dự kiến, từ tháng 8 tới, nhiều dòng xe của Toyota sẽ tăng giá bán |
Mức tăng giá xe Toyota lần này dao động từ 1,63 đến 4,11%, trong đó tăng mạnh nhất là xe Camry 2.5Q (tăng 51 triệu đồng), còn tăng ít nhất là xe Vios E và Vios Limo (chỉ 9 triệu đồng).
Thừa nhận thực tế TMV tự tin tăng giá, trong khi các doanh nghiệp (DN) ô tô khác đều đang đẩy mạnh khuyến mãi, chủ một đại lý của TMV cũng cho hay, trong tháng 7 này, lượng xe mà các đại lý của TMV nhận được giảm mạnh so với bình thường. Nếu 1 tháng bình thường đại lý này vẫn lấy khoảng 150 xe, thì tháng 7 này, chỉ nhận được chừng 100 xe. Cũng bởi vậy, nên hàng tồn không nhiều.
Song, nhiều đại lý cũng cho biết, thị trường dù có những chuyển động tích cực, nhưng vẫn chậm hơn so với mọi năm, vì vậy, bản thân các đại lý vẫn đang phải đưa ra các chương trình khuyến mãi riêng của mình để hấp dẫn khách hàng.
“Mấy hôm nay, khi có thông tin từ ngày 1/8, phí trước bạ tại Hà Nội được giảm về mức 12%, khách hàng đã đến đại lý để xem xe và ký hợp đồng. Tuy nhiên, không dễ gì khách hàng chấp nhận giá bán xe mới được TMV áp dụng từ tháng 8 tới. Đại lý cũng phải giảm bớt cho khách và khuyến mãi tặng thêm quà”, đại diện một đại lý cho biết.
Trong khi TMV đã có động thái rõ ràng về tăng giá xe, thì các DN ô tô còn lại vẫn đang cân nhắc, tính toán.
Chủ một DN ô tô có đủ xe lắp ráp lẫn xe nhập khẩu cho biết, tỷ giá VND/USD thay đổi khiến giá xe có thể biến động thêm bình quân 2%. Tuy nhiên, do quy định mới, khi nhập khẩu xe phải nộp thuế trước khi thông quan, như vậy, DN sẽ phải vay vốn ngân hàng để nộp khoản này, nên cũng khiến chi phí tăng thêm 0,3-0,4%.
Chi phí tăng có thể nhìn thấy rõ, nhưng không phải DN ô tô nào cũng dám mạnh tay tăng giá như TMV. Thậm chí thay vì tăng giá, không ít hãng xe lại còn tung ra các chương trình khuyến mãi để kéo chân khách hàng.
“Hiện thị phần về xe du lịch thì TMV lớn nhất, nên tự tin tăng giá, chứ còn nhiều hãng xe đang bán hàng để giành thị phần, buộc phải chấp nhận hy sinh mục tiêu lợi nhuận”, lãnh đạo một DN cho hay.
Cũng liên quan đến việc nộp thuế theo quy định mới tại Luật bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013), các DN ô tô 100% vốn nội địa thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã gửi đơn kiến nghị, xin được hưởng cơ chế nộp thuế cũ như trước ngày 1/7.
Trong đơn, các DN nêu rõ do việc nhập khẩu các linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô của các DN diễn ra thường xuyên, hàng tuần, thậm chí hàng ngày, với số lượng lớn, nên để đảm bảo tuân thủ đúng quy định mới, DN sẽ phải làm thêm hàng loạt công việc và thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký tờ khai, kê khai thuế theo từng lô hàng. Hơn nữa, nếu lựa chọn phương án bảo lãnh ngân hàng (với phí bình quân 2-3%/năm) và nộp tiền thuế chậm, họ sẽ phải chịu thêm nhiều chi phí phát sinh.
Theo tính toán của các DN, việc được hoãn thời gian nộp thuế của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) mà Chính phủ chấp thuận mới đây với số tiền khoảng 1.200 tỷ đồng sẽ đỡ cho DN khoản trả lãi vay ngân hàng khoảng chục tỷ đồng/tháng.
Dẫu vậy, thị trường ô tô vẫn được kỳ vọng là sẽ có chuyển động tốt hơn khi các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều không còn duy trì phí trước bạ cao ở mức 15%. “Doanh số bán xe năm 2013 sẽ tăng thêm so với dự báo đưa ra đầu năm, nhưng cạnh tranh cũng vì thế mà quyết liệt hơn, vì chẳng ai muốn rút lui cả”, một DN khác cho hay.
Thanh Hương