Tại nhà máy, TMV cũng đã đầu tư nhiều triệu USD để xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt Tiêu chuẩn Việt Nam QCVN 40-2011/BTNMT cột A - nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Với mục tiêu “không ngừng nâng cao chất lượng xử lý nước thải”, TMV tiếp tục đầu tư các trang thiết bị và nhân lực nhằm xây dựng và đưa vào sử dụng trạm tiền xử lý Niken, hệ thống lọc than hoạt tính và khử trùng, đồng thời liên tục tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho toàn bộ cán bộ công nhân viên,… Để đảm bảo các thông số đạt tiêu chuẩn ổn định, TMV không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều cải tiến, mà điển hình có thể kể đến là cải tiến thay đổi qui trình xử lý vi sinh nhằm loại bỏ Amoni, Nito trong nước thải sinh hoạt và thực hiện hiển thị hóa chất lượng nước thải của từng công đoạn xử lý nhằm phát hiện ra những vấn đề bất thường.
Đây là những hoạt động cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu của Tập đoàn Toyota trên toàn cầu là giảm thiểu 90% khí thải CO2 vào năm 2050 so với mức trung bình của Toyota toàn cầu vào năm 2010.
Để thực hiện mục tiêu dài hạn này, Tập đoàn Toyota đã đặt ra các mục tiêu trong ngắn hạn như bán 30.000 xe chạy pin nhiên liệu vào khoảng năm 2020, riêng Nhật Bản ít nhất là 1.000 xe/tháng; giới thiệu và kinh doanh xe buýt sử dụng pin nhiên liệu với số lượng nhỏ vào năm 2017, tập trung tại Tokyo; lên kế hoạch bán ra trên 100 xe buýt sử dụng pin nhiên liệu trước Thế vận hội Olympics và Thế vận hội người khuyết tật mùa hè Tokyo 2020; đạt doanh số bán 1,5 triệu xe Hybrid mỗi năm và doanh số cộng dồn của các mẫu xe Hybrid đạt 15 triệu xe vào năm 2020; giảm phát thải khí CO2 của các mẫu xe mới 22% vào năm 2020, so với mức trung bình Toyota toàn cầu năm 2010.
Tập đoàn Toyota cũng cam kết sẽ xóa bỏ triệt để khí thải CO2 không chỉ trong quá trình vận hành hay sản xuất ra sản phẩm, mà là lượng khí thải CO2 trong toàn bộ vòng đời của phương tiện, ngay từ quá trình sản xuất nguyên vật liệu, đến quá trình tiêu hủy hay tái chế phương tiện. Để thực hiện thách thức này, Toyota đưa ra các mục tiêu trong ngắn hạn là giảm thiểu khí thải CO2 trên toàn bộ vòng đời phương tiện, bao gồm nguyên vật liệu, phụ tùng và quá trình sản xuất; phát triển thiết kế sử dụng các nguyên vật liệu với lượng khí thải CO2 thấp, giảm thiểu lượng nguyên vật liệu và phụ tùng sử dụng nhằm giảm thiểu lượng khí thải CO2 ra trong quá trình sản xuất và đẩy mạnh sử dụng các nguyên vật liệu sinh học tái chế cho sản xuất, thiết kế để việc tháo dỡ và tái chế được dễ dàng.
Cũng do khí CO2 không chỉ được sản sinh trong quá trình vận hành các phương tiện cơ giới, mà còn được sản sinh từ quá trình sản xuất lắp ráp, vì vậy, mục tiêu được đặt ra là xóa bỏ hoàn toàn khí thải CO2 tại toàn bộ hệ thống nhà máy Toyota trên toàn cầu vào năm 2050.
Cụ thể, Toyota cam kết giảm phát thải CO2 từ các công đoạn sản xuất xe mới từ các nhà máy và dây chuyền sản xuất mới xuống bằng 1/2 so với mức của năm 2001 vào năm 2020; bằng 1/3 vào năm 2030; đồng thời tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và công nghệ sản xuất sử dụng năng lượng Hydro để xóa bỏ hoàn toàn CO2 vào năm 2050. Phát triển công nghệ sản xuất sử dụng Hydro làm nguồn năng lượng chủ yếu, và thử nghiệm dây chuyền sản xuất xe pin nhiên liệu FCV vào khoảng năm 2020. Nhà máy tại Tahara cũng sẽ dùng năng lượng gió tự cung ứng vào sản xuất khoảng năm 2020. Đảm bảo lượng khí thải CO2 từ các công đoạn sản xuất xe mới tại nhà máy mới ở Mexico giảm thấp hơn 40% so với mức trung bình toàn cầu năm 2001 khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động năm 2019 và sử dụng nguồn điện tái tạo tự sản xuất tại các nhà máy ở Brazil từ năm 2015.