“Chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất và bàn giao tới đại lý các mẫu xe được Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch dỡ bỏ lệnh cấm. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân theo hướng dẫn của Bộ, bao gồm việc thử nghiệm ô tô dưới sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để những mẫu xe này đến tay khách hàng trong thời gian sớm nhất, đồng thời khẳng định lại cam kết trong việc ưu tiên an toàn và chất lượng”, Daihatsu thông báo trên trang chủ ngày 20/2/2024.
Ông Koji Sato, Tổng giám đốc, kiêm Giám đốc điều hành Toyota và ông Masahiro Inoue, Tổng giám đốc mới của Daihatsu trong buổi họp báo hôm 13/2/2024 |
Năm 2023 và sang cả đầu năm 2024, Tập đoàn Toyota đối mặt nhiều thông tin không mấy tích cực liên quan bê bối thử nghiệm Daihatsu. Thế nhưng, mọi thứ đang dần đi đến hồi kết. Daihatsu đã nối lại hoạt động sản xuất và bàn giao nhiều mẫu xe mang nhãn hiệu Toyota, Daihatsu, Mazda và Subaru kể từ ngày 12/2/2024, trong đó có Toyota Raize/Daihatsu Rocky từ ngày 4/3/2024.
Ngày 28/2/2024, trên trang của Toyota cũng thông báo về việc nối lại sản xuất các mẫu xe trong sự việc của Tập đoàn Công nghiệp Toyota (TICO) liên quan những bất thường trong quá trình thử nghiệm công suất của 3 mẫu động cơ diesel, sau khi nhận được xác nhận từ Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản.
Suốt từ cuối tháng 12/2023, khi các sự việc liên quan đến quy trình thử nghiệm của Daihatsu xảy ra, Tập đoàn Toyota đã luôn thể hiện tinh thần cầu thị, chủ động đối mặt và tìm ra nguyên nhân sự việc. Cho đến nay, dù có thêm nhiều tình huống phát sinh, nhưng với tâm thế của một trong những hãng xe lớn nhất toàn cầu, Tập đoàn Toyota đã dần tháo gỡ khó khăn, khắc phục hậu quả, với mong muốn bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Cúi đầu để tiến xa hơn
Tại buổi họp báo chung đầu tiên của Toyota và Daihatsu, ông Akio Toyoda, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Toyota khẳng định: “Cá nhân tôi đã hứa với khách hàng rằng, Toyota sẽ không trốn tránh, nói dối hoặc bóp méo sự thật kể từ cuộc khủng hoảng triệu hồi năm 2009. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy vấn đề lần này là một vấn đề nghiêm trọng”.
Không chỉ một lần, mà tại tất cả buổi họp báo, thông cáo báo chí hay văn bản cập nhật quá trình khắc phục bê bối sau này, Toyota và Daihatsu đều bắt đầu bằng lời xin lỗi và khẳng định: “Không bao giờ cho phép sai phạm xảy ra một lần nào nữa”.
Nói về lý do để xảy ra khủng hoảng, ông Masahiro Inoue, Tổng giám đốc mới của Daihatsu, cho biết: “Sự phát triển của Daihatsu thuộc Tập đoàn Toyota đạt được là nhờ những thế mạnh được trau dồi trong suốt thời gian dài. Đáng lẽ, chất lượng công việc phải đi lên trong quá trình tăng trưởng đó. Tôi hiểu rằng, sự cố này xảy ra do chúng tôi không đi vào xử lý mọi mặt vấn đề, mà cứ mải miết làm việc khi những vấn đề đó chưa được giải quyết”. Nói cách khác, việc mở rộng quá nhanh chóng mà chưa chuẩn bị kỹ càng đã khiến Daihatsu hoạt động không ổn định.
Từ ngày 28/2/2024, TICO nối lại giao xe sau khi nhận được xác nhận của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch |
Đây cũng không phải lần đầu, Toyota đối diện với các sự cố diện rộng, nhưng sự bình tĩnh, quyết đoán, nhìn thẳng sự thật, thừa nhận sai sót đã giúp Toyota giữ vững niềm tin của khách hàng, nhờ đó, thương hiệu và doanh số bán hàng vẫn thuộc tốp đầu thị trường.
Cụ thể, 2023 là năm thứ 4 liên tiếp, Toyota dẫn đầu doanh số bán hàng trên toàn cầu, với hơn 11,2 triệu ô tô đến tay khách hàng, tăng 7,2% so với năm trước đó. Đối với thị trường Việt Nam, thương hiệu Toyota vẫn được đông đảo người dùng tin tưởng, đứng tốp đầu thị trường, với doanh số 58.934 xe.
Cải tổ bộ máy vận hành Daihatsu
Ngày 1/3/2024 là cột mốc đánh dấu một bước chuyển mình mới của thương hiệu Daihatsu nói riêng và Tập đoàn Toyota nói chung. Đó là thời điểm chuyển giao nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Daihatsu. Tổng cộng, có 5 vị lãnh đạo của Daihatsu từ chức và 3 người mới thay thế vào những vị trí chủ chốt trong Ban điều hành.
Vị trí quan trọng nhất, ông Masahiro Inoue, CEO khu vực Mỹ La-tinh và Caribbean, sẽ thay thế Soichiro Okudaira cho vị trí Tổng giám đốc. Ông Koji Sato, Tổng giám đốc, kiêm Giám đốc điều hành Toyota đặt niềm tin vào ông Masahiro Inoue, bởi tân Tổng giám đốc Daihatsu đã có nhiều năm nỗ lực cải cách cơ cấu hoạt động kinh doanh của Toyota tại khu vực Mỹ La-tinh và Caribbean, bao gồm đổi mới hệ thống quản lý, thúc đẩy đổi mới thông qua việc đối thoại trực tiếp với Ban lãnh đạo và các nhân viên cấp cao.
“Ông ấy sẽ dẫn dắt quá trình hồi sinh Daihatsu với tư cách là người chịu trách nhiệm trực tiếp”, ông Koji Sato nói.
Ban lãnh đạo mới được giao phó trọng trách đưa “con tàu” Daihatsu trở lại đúng hướng, trở thành "công ty giải pháp di chuyển tập trung vào các phương tiện nhỏ gọn", đáp ứng đúng thị hiếu khách hàng, đồng thời đưa an toàn trở thành yếu tố ưu tiên hàng đầu, từ đó cải tổ hình ảnh thương hiệu đã có tuổi đời 100 năm. Ông Koji Sato cũng nêu ra 3 cải cách chính trong nội bộ Daihatsu để tránh sai phạm, đó là cải cách văn hóa, cải cách quản lý và cải cách sản xuất.
Trước đó, ông Akio Toyoda, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Toyota, đã có bài phát biểu trước lãnh đạo cấp cao của 17 công ty con (bao gồm Daihatsu) thuộc Tập đoàn Toyota tại Bảo tàng Công nghiệp và Công nghệ Toyota. Bài phát biểu đưa ra 5 tôn chỉ làm việc và đặt ra tầm nhìn mới là “Cùng nhau kiến tạo con đường phía trước”.