Ngân hàng
TPBank đặt mục tiêu 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2019
Hà Nguyễn - 23/04/2019 15:40
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của TPBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 3.200 tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN
.

Mục tiêu lợi nhuận 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế

Sáng 23/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2019. Tại đây, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019, với mục tiêu quan trọng là lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng.

Ngoài ra, TPBank cũng đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên 158.000 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng. Các mục tiêu khác là huy động vốn trên 142.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 101.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 2%.

Tại đại hội, HĐQT TPBank cũng đệ trình chiến lược phát triển của Ngân hàng với mục tiêu đứng trong top 10 ngân hàng hoạt động hiệu quả trong giai đoạn 2018-2022, cũng như đứng đầu về ngân hàng số.

Theo khẳng định của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank, năm 2019, TPBank sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính, là bán lẻ, tập trung vào khách hàng cá nhân, các công ty nhỏ và vừa, siêu nhỏ; các tập đoàn, tổng công ty lớn; và kinh doanh vốn và đầu tư.

Cũng theo ông Phú, thì thời gian qua, TPBank đã đầu tư khoảng hơn 1.000 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống công nghệ, và do đó, mục tiêu trở thành ngân hàng số hàng đầu là khả thi.

Thông tin cho biết, hết quý I năm nay, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 853 tỷ đồng, tương đương hơn 26,6% kế hoạch cả năm. Các chỉ tiêu khác như tổng tài sản, tổng huy động, dư nợ đều đã hoàn thành hơn 88% kế hoạch năm, lần lượt đạt gần 140.000 tỷ đồng, 125.319 tỷ đồng và 93.600 tỷ đồng.

Báo cáo đại hội, lãnh đạo TPBank cũng cho biết, năm 2018, Ngân hàng đã đạt kết quả kinh doanh khả quan, với các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng vượt bậc, chi phí hoạt động và nợ xấu được kiểm soát tốt so với mức chung cua toàn ngành. Hệ số ROE được cải thiện qua từng năm, từ 15,6% năm 2017 lên 20,8% trong năm 2018.

Hơn nữa, sau 1 năm niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ số EPS (lãi trên một cổ phiếu) của TPBank tăng trưởng mạnh, từ 1.717 đồng cuối năm 2017 lên 2.911 đồng cuối năm 2018, tương đương tăng gần 70%.

Năm 2018, lợi nhuận của TPBank cũng tăng trưởng mạnh, với mức lợi nhuận tăng gấp 6 lần so với năm 2013 và là năm TPBank đạt lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay.

Với những nỗ lực của mình, mới đây, TPBank cũng đã trở thành một trong 6 ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước công nhận tuân thủ sớm Basel II, cho dù TPBank không thuộc nhóm 10 ngân hàng được thí điểm tuân thủ Basel II.

Điều này, theo ông Phú, đã cho thấy TPBank đã có hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế.

Muốn nhảy vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng

Một thông tin đáng chú ý được đưa ra xin ý kiến cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông 2019, đó là TPBank đang muốn tìm kiếm để mua 100% vốn của một công ty tài chính và có thể thực hiện thương vụ ngay trong năm nay, ngay sau khi được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Như vậy, TPBank đã muốn nhảy cả vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng, lĩnh vực đang mang lại lợi nhuận cho nhiều nhà băng khác.

Theo HĐQT của TPBank, thì kết quả hoạt động đã đạt được trong các năm vừa qua đã tạo đà vững mạnh cho TPBank tiếp tục phát triển cả về quy mô và hiệu quả trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

“Với mục tiêu chiến lược phát triển TPBank đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, TPBank sẽ phát triển và trở thành top 5 ngân hàng TMCP đa năng ở Việt Nam, và trở thành tập đoàn tài chính tư nhân hiện đại, HĐQT nhận thấy việc thành lập công ty tài chính tiêu dùng thông qua việc mua lại một công ty tài chính sẵn có là một cơ hội tốt cho việc phát triển TPBank theo mục tiêu đề ra”, HĐQT TPBank khẳng định.

Cũng theo HĐQT của TPBank, thì sau quá trình nghiên cứu và đánh giá cơ hội mua lại các công ty tài chính, thì HĐQT nhận thấy “việc mua lại công ty tài chính có tính khả thi cao”.

Ngoài việc muốn nhảy vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng, thì HĐQT TPBank cũng đã trình các cổ đông kế hoạch thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và  Khai thác tài sản Ngân hàng Tiên Phong.

Tin liên quan
Tin khác