UBND TP.HCM vừa có văn bản số 194/BC-UBND báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong 6 tháng đầu năm 2024.
Theo báo cáo của chính quyền TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố không thực hiện ký kết điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi
Hiện tại, Thành phố đang triển khai 5 dự án ODA với tổng vốn đầu tư 114.529 tỷ đồng, trong đó 4 dự án nhóm A (có tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng) và một dự án nhóm B.
Tuyến metro số (Bến Thành - Suối Tiên) sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Ảnh: Lê Toàn |
Kế hoạch vốn ODA đã giao cho Thành phố năm 2024 là 5.372 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2024 tỷ lệ giải ngân vốn ODA chỉ đạt 711 tỷ đồng, đạt 13,2% so với kế hoạch vốn đã giao.
Theo đánh giá của UBND TP.HCM trong nửa đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn ODA tại một số dự án chưa cao.
Một phần nguyên nhân liên quan đến quy trình, thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA theo quy định còn phức tạp. Mặt khác, các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, thủ tục gia hạn, đàm phán, ký kết thỏa thuận vay mất nhiều thời gian...
Bên cạnh đó, nhiều dự án được bố trí vốn ODA nhưng không thể giải ngân do chưa hoàn tất các thủ tục theo điều khoản hợp đồng. Đơn cử như Dự án metro số 1(Bến Thành - Suối Tiên) việc thanh toán một hạng mục công việc chỉ có thể tiến hành khi nhà thầu hoàn thành 100%.
Chính vì thế, đến nay dù khối lượng thực hiện toàn dự án đã đạt 98,12% nhưng một số hạng mục đã hoàn thành vẫn chưa được thanh toán.
Đối với công tác thi công lắp đặt tại công trường, do đặc tính là gói thầu thiết bị, sau khi hoàn thành lắp đặt phải có kết quả thử nghiệm hệ thống mới có thể tiến hành thanh toán nên đã làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân.
Ngoài ra, do năng lực tổ chức thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt là công tác thiết kế công trình, đấu thầu, thẩm định, phê duyệt chậm do trình độ chuyên môn và năng lực của chủ đầu tư, tư vấn; chất lượng hồ sơ chưa đạt yêu cầu nên phải điều chỉnh nhiều lần.
Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ rà soát kỹ từng thủ tục, từng khâu để đánh giá cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án. Từ đó, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.
Đối với các hạng mục đã hoàn thành lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng, bảo đảm đúng quy định.
Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến vốn ODA, tổ chức họp định kỳ cùng các chủ đầu tư dự án ODA để rà soát, giải quyết các khó khăn trong quá trình thực hiện dự án.