Đầu tư
TP.HCM: Chính quyền loay hoay tìm vốn, nhà đầu tư gặp khó vì Vành đai 2
Ngô Nguyên - 14/09/2023 15:19
Nhà đầu tư chưa được bàn giao mặt bằng để tiếp tục thi công, chưa được điều chỉnh dự án đầu tư, chưa được xác định thủ tục để thanh toán quỹ đất đối ứng.

Vẫn chưa bố trí được nguồn vốn

Theo quy hoạch phát triển giao thông TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng duyệt từ năm 2013 thì đường Vành đai 2 TP.HCM có tổng chiều dài 64 km với quy mô từ 6-10 làn xe.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, đến nay, Thành phố đã đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 50 km, bao gồm các đoạn tuyến: Quốc lộ 1 từ Gò Dưa đến An Sương dài 13,5 km; đoạn tuyến Quốc lộ 1 từ An Sương đến An Lạc dài 13,5 km; đoạn tuyến theo đường Nguyễn Văn Linh dài 12,4 km và đoạn tuyến nút giao Khu A đến cầu Phú Hữu trên đường Võ Chí Công dài 11 km.

Chủ trương 14 km còn lại cần phải xây dựng để khép kín đường Vành đai 2  đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ TP.HCM, vào chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015 và được UBND Thành phố phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030. 

Theo đó các dự án đầu tư xây dựng khép kín đường Vành đai 2 TP.HCM dự kiến được đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Đường Vành đai 2

Tuy nhiên theo cơ quan chức năng, trong 4 đoạn của 14 km còn lại để khép kín Vành đai 2, chỉ đoạn 1 (đoạn từ câu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội) dự kiến sẽ  khởi công vào quý II năm 2025, hoàn thành trong quý IV năm 2026. Bởi đoạn 1 được bố trí  kế hoạch vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và trên cơ sở phương án dự kiến sử dụng nguồn vốn trung hạn 2021-2025 tăng thêm của Thành phố, Sở Giao thông Vận tải đã cập nhật, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án với tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỷ đồng và vừa gửi Tờ trình số 10652/TTr- SGTVT ngày 7/9/2023 để cấp có thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án. 

Đối với đoạn 2 (đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng), dù đã được bố trí kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (1,5 tỷ đồng) nhưng phương án dự kiến sử dụng nguồn vốn trung hạn tăng thêm giai đoạn 2021-2025 của Thành phố vẫn chưa cân đối, bố trí kế hoạch vốn để thực hiện (dự kiến khoảng 4.543 tỷ đồng).

Mặc khác, vào ngày 22/8/2023, Văn phòng UBND Thành phố đã có Thông báo số 656/TB-VP về kết luận của Chủ tịch UBND  Thành phố Phan Văn Mãi. Theo đó lãnh đạo Thành phố chỉ đạo, đầu tư  công cho cả đoạn 1 và đoạn 2 chỉ dưới 10.000 tỷ đồng, hoặc đầu tư theo phương thức ppp đối với đoạn 2. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư dự kiến cho cả 2 đoạn lạ lên tới gần 14.000 tỷ đồng. Tình thế buộc Sở Giao thông vận tải phối hợp với các Sở ngành, đơn vị liên quan để nghiên cứu lại phương thức đầu tư phù hợp, khả thi.

Tương tự với đoạn 4 (đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh), cũng đã được bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (1,5 tỷ), đã cơ bản hoàn thành việc lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiên khả thi nhưng Thành phố chưa dự kiến cân đối được nguồn vốn ( khoảng 16.417 tỷ đồng) 

Nhà đầu tư gặp khó

Trong khi 3 đoạn nêu trên còn phải loay hoay tìm vốn để làm thì đoạn 3 chỉ dài 2,7km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) đã được triển khai từ năm 2017 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng. 

Theo Sở Giao thông Vận tài, nhà đầu tư (Liên danh Nhà đầu tư Công ty cổ phần HNS Việt Nam – Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú INVEST – Công ty cổ phần tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Áiđã tạm ứng  thanh toán phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ,tái định cư là hơn 960 tỷ đồng. Giá trị khối lượng thi công đến nay đạt khoảng gần 448 tỷ đồng (đạt khoảng 44% giá trị gói thầu xây lắp là 1.022,865 tỷ đông); chi phí lãi vay (tạm tính) hơn 725 tỷ đồng. 

Nhưng dự án này đã phải dừng thi công từ tháng 3/2020 khi mới đạt 44% khối lượng, do nhà đầu tư chưa được bàn giao mặt bằng (3,847 ha còn lại). 

Đoạn 2,7 km của đường Vành đai 2 còn dở dang


Dự án thi công đoạn 3 này tới nay cũng chưa được điều chỉnh dự án đầu tư (bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, cơ cấu vốn trong tổng mức đầu tư, phương án tài chính dự án...) để có cơ sở pháp lý điều chỉnh Hợp đồng dự án.
Đó là chưa nói, Thành phố chưa xác định thủ tục để thanh toán quỹ đất đối ứng cho Nhà đầu tư theo Hợp đồng BT đã ký. Sự chậm chạm dễ dẫn tới phát sinh chi phí. 
Có thể áp dụng cơ chế đặc thù để huy động vốn 
Với khó khăn đoạn 3, theo Sở giao thông Vận tải TP.HCM, UBND Thành phố cần chỉ đạo nhiều Sở ngành chuyên môn khẩn trương tham mưu đẩy nhanh việc điều chỉnh dự án đầu tư để có cơ sở pháp lý thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo; khẩn trương tham mưu đề xuất thủ tục thanh toán các khu đất đối ứng cho Nhà đầu tư và đẩy nhanh công tác giải phóng bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thi công. Nếu không dự án lại sẽ đội vốn vì sự chậm chạp.
Đối với đoạn 2 và đoạn 4, nếu không bố trí được vốn, có thể  phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện trong từ 2023-2027,  xây dựng 3,4 Km/5,3Km toàn tuyến, tổng mức đầu tư khoảng 8.972 tỷ đồng. Giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2026-2030 với số km còn lại, với tổng mức đầu tư khoảng 7.445 tỷ đồng.
Trong trường hợp Thành phố chưa cân đối được nguồn vốn ngân sách, thì có thể đầu tư đoạn 4 (giai đoạn 1) theo phương thức đầu tư khác ngoài vốn ngân sách, như nghiên cứu các phương thức đầu tư BT trả chậm theo Nghị quyết 98/2023/QH-15 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Tin liên quan
Tin khác