Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, TP.HCM dự kiến phát triển 35.000 căn hộ. |
Tín hiệu vui
Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp các đơn vị liên quan khởi động một số dự án nhà ở xã hội và khu lưu trú công nhân với quy mô hơn 1.200 căn hộ, giúp giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng ngàn lao động có thu nhập thấp.
Cụ thể, Dự án Khu lưu trú công nhân Khu chế xuất Linh Trung II (giai đoạn II) được khởi công xây dựng trên khu đất rộng hơn 5.000 m2, tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công. Dự án gồm 2 tòa nhà 12 tầng với 360 căn hộ cho thuê với giá hợp lý, đáp ứng chỗ ở của hơn 1.000 công nhân làm việc tại KCX Linh Trung II và các KCN lân cận. Trong giai đoạn I của dự án, trên 350 căn hộ đã đưa vào sử dụng cách đây hơn 10 năm.
“Người lao động ở khu lưu trú công nhân được sử dụng hạ tầng khép kín như nhà trẻ, khu thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí... Ngoài ra, khu lưu trú công nhân cũng rất gần chợ đầu mối Thủ Đức và các bệnh viện”, bà Huỳnh Thị Bạch Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Phát, chủ đầu tư dự án cho biết.
Một dự án khác là nhà ở xã hội tại phường Long Trường (TP. Thủ Đức) cũng được xây dựng trên khu đất rộng gần 35.000 m2. Dự án gồm 3 phân khu, sau khi hoàn thành sẽ cung cấp gần 600 căn hộ cho người lao động thu nhập thấp.
Chủ đầu tư dự án này cho biết, doanh nghiệp đã dồn nhiều tâm huyết để xây dựng công trình nhà ở xã hội với đầy đủ tiện ích và chất lượng tương đồng dự án nhà ở thương mại. Khu nhà ở xã hội này dễ dàng kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đón đầu các tuyến giao thông huyết mạch sắp triển khai như Vành đai 3, Lò Lu nối dài...
Trong khi đó, tại huyện Bình Chánh, lễ động thổ dự án chung cư nhà ở xã hội thuộc khu nhà ở Nguyên Sơn cũng đã diễn ra, với quy mô 242 căn hộ...
Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM luôn tăng qua từng thời kỳ và giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án với quy mô gần 15.000 căn hộ. Trong năm 2022, Sở sẽ tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư những dự án nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, khu lưu trú công nhân.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết thêm, theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, Thành phố dự kiến phát triển 35.000 căn hộ. Sở Xây dựng cùng các sở, ngành đã tham mưu cho UBND Thành phố rà soát quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có quỹ đất 20% diện tích của các dự án nhà ở thương mại trên 10 ha.
Sau khi rà soát, có khoảng 33 dự án sẽ bố trí được nhà ở xã hội. Tổng diện tích nếu làm được là 109 ha, tương ứng hơn 70.000 căn hộ. Sở Xây dựng sẽ tập trung vào 14 dự án có đất sạch, hạ tầng để triển khai trước, với quy mô khoảng 15.000 căn hộ.
Vướng mắc còn đó
Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành được biết đến là doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho thuê với giá rẻ. Thế nhưng, việc đầu tư và xây dựng nhà ở xã hội của doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, doanh nghiệp hiện có 3 dự án cần tháo gỡ vướng mắc là Dự án Nhà ở xã hội cho thuê Lê Thành An Lạc, Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Tạo 2.
Theo ông Nghĩa, Dự án Nhà ở xã hội cho thuê Lê Thành An Lạc được xây dựng từ năm 2017, với quy mô 930 căn hộ. Trước đó, Công ty Lê Thành xin chuyển đổi mục tiêu dự án trên từ nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội cho thuê, đã được UBND TP.HCM chấp thuận.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất điều chỉnh nội dung quyết định từ hình thức dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cho thuê để làm cơ sở ban hành quyết định miễn tiền sử dụng đất. Thế nhưng, sở này lại không khẳng định về thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài, cũng không khẳng định đối với phần diện tích đất 20% được bán thương mại là được miễn tiền sử dụng đất, từ đó nảy sinh vướng mắc, dự án cũng bị “đứng hình” từ đây.
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, hiện nay, doanh nghiệp xin xây dựng nhà ở xã hội vẫn còn vướng những luật vênh nhau. Bên cạnh đó, trong việc hỗ trợ chính sách cho vay, Nhà nước cũng nên cân đối hỗ trợ cho người tạo ra quỹ nhà là những doanh nghiệp và người mua nhà là những người dân.
“Hiện nay, các chính sách chỉ tập trung hỗ trợ cho người dân mua nhà, nhưng quỹ nhà ở thì không có, nên chưa tạo ra sự cân bằng, chúng ta phải làm sao cân bằng giữa lợi ích 2 bên”, ông Nghĩa nói.
Trước những băn khoăn từ phía doanh nghiệp, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong thời gian tới, Thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi kích cầu để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân.