Điểm nóng
TP.HCM có 16 cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn
Trọng Tín - 23/05/2024 16:58
So với 4 tháng cuối năm 2023, Công an TP.HCM cho biết trường hợp cán bộ, công chức vi phạm về nồng độ cồn trong 4 tháng đầu năm 2024 đã giảm 6 trường hợp.

Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ, ngày 23/5, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông Thành phố đã phát hiện xử lý 60.499 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Trong đó có 16 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức công tác trong cơ quan nhà nước vi phạm về nồng độ cồn bị phát hiện xử lý và thông báo vi phạm theo quy định. So với 4 tháng liền kề đã giảm 6 trường hợp.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Thành Nhân

Thông tin thêm về tình hình triển khai phạt nguội đối với xe máy, ông Hà cho biết trong 4 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông Thành phố đã phát hiện và gửi 42.281 thông báo vi phạm cho chủ phương tiện.

Trong đó, xe máy là 13.458 trường hợp (chiếm tỷ lệ 31,8%).

Đến nay, có 6.147 trường hợp đã thực hiện quyết định xử phạt, với số tiền hơn 10,2 tỷ đồng.

Trong đó, mô tô, xe máy là 325 trường hợp, xử phạt trên 236,2 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm được ghi nhận xử lý tập trung vào các hành vi vi phạm chủ yếu, thường là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, như: Điều khiển xe quá tốc độ quy định; Không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; Lưu thông ngược chiều; Lưu thông vào đường cấm, khu vực cấm…

Đối với xe máy khi phát hiện vi phạm mà cảnh sát giao thông không dừng được phương tiện xử lý ngay tại hiện trường thì sẽ chuyển sang phạt nguội.

Mặc dù vậy, ông Hà cũng cho biết việc phạt nguội với xe máy hiện nay gặp một số khó khăn, trong đó, do xe mua, bán không sang tên nên khi cơ quan chức năng gửi thông báo vi phạm giao thông về địa chỉ đăng ký xe thì chủ phương tiện hiện tại không nhận được thông báo.

Ngoài ra, mô tô, xe máy không phải đăng kiểm, nên chủ xe vi phạm thường không tự nguyện lên cơ quan chức năng phối hợp giải quyết vụ việc.

Tin liên quan
Tin khác